Chế độ độc tài đảng trị của CSVN từ lâu đã hàm chứa bản sắc công an trị. Tuy nhiên với sự đăng quang của Tô Lâm như Tân Chủ Tịch nước ngày 22 tháng 5 vừa qua, Việt Nam chính thức trở thành một chế độ công an trị.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân/ Người Việt với tựa đề: “Từ ‘đảng trị’ đến ‘công an trị’” sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Hiếu Chân/Người Việt
Với việc sắp xếp lại “tứ trụ,” đưa ông
Tô Lâm, bộ trưởng Công An, vào ghế chủ tịch nhà nước, đảng Cộng Sản Việt Nam
(CSVN) đã hoàn tất quá trình thay đổi chế độ từ độc tài “đảng trị” sang độc tài
“công an trị.” Điều đó có ý nghĩa gì với vận mệnh của đất nước?
Chủ Tịch Nước Tô Lâm – trên danh nghĩa
là nguyên thủ quốc gia – là một đại tướng công an; Thủ Tướng Phạm Minh Chính –
đứng đầu chính phủ – cũng là một trung tướng công an, lên lon cùng lúc với ông
Tô Lâm, từng là thứ trưởng Công An phụ trách tình báo.
Trong danh sách Bộ Chính Trị – cơ quan nắm quyền lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước hiện có 16 ủy viên – người ta thấy công an cũng chiếm tỷ lệ áp đảo; gồm năm viên tướng: Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Hòa Bình, chưa kể một ủy viên trẻ, ông Lê Minh Hưng, tuy bản thân không là công an nhưng là con của một đại tướng, cựu bộ trưởng Công An và tiến thân chủ yếu nhờ thế lực của thân phụ.
Trong Bộ Chính Trị còn có ba viên tướng
quân đội, gồm các ông Phan Văn Giang, Lương Cường và Nguyễn Trọng Nghĩa. Tính
chung, những người cầm súng, cả súng dài (quân đội) và súng ngắn (công an) chiếm
đến già nửa lực lượng lãnh đạo chóp bu, quyết định mọi chính sách, đường lối của
đất nước cả về kinh tế, đối ngoại và an sinh xã hội. Không có ai là nhà kinh tế
hoặc quản trị kinh tế-xã hội có tiếng tăm được người dân và thế giới bên ngoài
biết tới.
Dưới chính thể công an trị, người dân bị
tước đoạt các quyền tự do căn bản, nhất là quyền tự do ngôn luận (biểu đạt) và
tự do tôn giáo. Nhà nước công an trị Việt Nam đã cài vào hình luật nhiều điều
khoản mơ hồ và phi lý như “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 331), “tội
tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 117) và ban hành những đạo luật khắc nghiệt
như Luật An Ninh Mạng để công an dễ dàng bắt bớ, giam cầm và trừng trị những
người mà họ cho là có khả năng chống đối.
Trước đây, công an chỉ nhắm mục tiêu vào
những người bất đồng chính kiến nổi bật như ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Phạm
Chí Dũng, bà Phạm Đoan Trang nhưng gần đây họ không tha những nhà hoạt động môi
trường và cả những chuyên gia trong guồng máy nhà nước. Không chỉ lộng hành ở
trong nước, họ còn tung quân ra nước ngoài, bắt cóc những người mà họ cho là đe
dọa đảng của họ, đưa về nước giam giữ, tra tấn.
Trong cuộc đàn áp về chính trị, nhà nước
công an trị còn dùng mọi cách để kiểm soát ý nghĩ và hành động của họ. Gần đây,
Bộ Công An có những quy định quái gở như liên tục thay đổi mẫu sổ thông hành,
thẻ căn cước, biển số xe, số định danh cá nhân… gây rất nhiều phiền toái cho
dân và tốn kém công quỹ; ít ai hiểu được họ đang nỗ lực lợi dụng tiến bộ công
nghệ vào việc quản lý, kiểm soát mọi người trong một “xã hội kỹ thuật số” trong
đó nhất cử nhất động của công dân đều được theo dõi, ghi lại trong những kho dữ
liệu khổng lồ (Big Data) để không ai thoát được tầm ngắm của họ.
Công cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ ở trong nước gần như bị triệt tiêu mà không có khả năng hồi phục trước những thủ đoạn và chính sách tàn bạo nói trên của nhà nước công an trị.
Trong thể chế công an trị, phát triển
kinh tế xã hội là thứ yếu, nhà nước Việt Nam sẵn sàng hy sinh những cơ hội phát
triển vì mục tiêu an ninh chính trị. Mải lao vào các cuộc đấu đá quyền lực, cả
guồng máy đảng và chính phủ hầu như chẳng ai quan tâm tới đời sống người dân và
hiện tình kinh tế đất nước.
Có người nói cuộc “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng có tác dụng phụ là làm cho các quan chức sợ trách nhiệm, không chịu làm việc, không dám quyết định vì sợ sai. Tình trạng đó phổ biến đến mức trở thành một “nạn dịch.” Hậu quả là những vấn đề nóng của nền kinh tế như thiếu điện cho sản xuất công nghiệp, sập hầm làm ách tắc đường hỏa xa, hạn hán và nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, thị trường địa ốc và thị trường vàng hỗn loạn, hàng chục ngàn doanh nghiệp chết yểu, hàng vạn công nhân mất việc… thì chẳng thấy ai giải quyết hoặc đề ra giải pháp…
Các nhà đầu tư nước ngoài, có thời rủ
nhau vào Việt Nam làm ăn do tin vào cái gọi là “sự ổn định chính trị” của nước
này, bây giờ bắt đầu hoảng sợ trước những vụ đấu đá và viễn cảnh một nhà nước
công an trị hành xử không theo pháp luật. Theo một bản tin của Reuters ngày 17
Tháng Năm, các nhà đầu tư đã bán tháo và rút vốn khoảng $2 tỷ khỏi thị trường
chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2023 – thời điểm các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm
Bình Minh và Vũ Đức Đam bị mất chức, mở màn chiến dịch thanh trừng kéo dài đến
hôm nay. Reuters cũng cho biết Việt Nam đã bỏ lỡ ít nhất $2.5 tỷ viện trợ trong
ba năm qua và có thể mất thêm $1 tỷ nữa do những sự trì trệ của bộ máy hành
chính.
Điều rất đáng tiếc là sự thất vọng, lo ngại và hoảng sợ của nhà đầu tư xảy ra vào lúc Việt Nam có cơ hội để được tư bản quốc tế lựa chọn làm điểm đến thay thế Trung Quốc trong cuộc thương chiến ngày càng căng thẳng giữa hai cường quốc. Thay vì Việt Nam, các nhà đầu tư có uy tín đã chuyển sang Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. Phúc bất trùng lai, những cơ hội vàng như vậy không có nhiều và để cơ hội vuột khỏi tay là một thất bại thảm hại của đảng CSVN và nhà nước công an trị.
No comments:
Post a Comment