Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ KHỐI ÂU CHÂU QUAN NGẠI VỀ CHỈ THỊ 24 CỦA ĐẢNG CSVN
Nhóm tư vấn nội địa của Liên minh Âu châu bày tỏ sự quan ngại về chỉ thị mật 24 của đảng CSVN, theo báo cáo được công bố gần đây.
Cần biết làchỉ thị 24 do bộ chính trị CSVN ban hành vào ngày 13/ 7 năm ngoái và bị tiết lộ vào tháng 3 vừa qua bởi tổ chức có tên là Dự án 88.Tổ chức Dự án 88vào ngày 1/3 công bố báo cáo với tựa đề “Nhóm lãnh đạo Việt Nam tuyên chiến chính thức với nhân quyền”và phân tích về chỉ thị mang số 24 này.
Chỉ thị này ban hành về “bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng”, theo đó thì bộ chính trị nêu bật những thách thức trong việc bảo vệ chế độ khi mở rộng bang giao quốc tế và yêu cầu toàn thể bộ máy thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm giữ vững thể chế.
Vào ngày 21/12 năm ngoái, bà Trương Thị Mai, ủy viên thường vụ bộ chính trị, đề nghị thực hiện nghiêm túc quan điểm “bảo vệ an ninh kinh tế là bảo vệ an ninh quốc gia”, “giữ vững độc lập, tự chủ, an ninh, lợi ích quốc gia, để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ”.
Nhóm tư vấn của khối Âu châu cho rằng chỉ thị 24 đi ngược lại các cam kết trong hiệp định Mậu dịch Tự Do Liên Âu vàViệt Nam. Theo chỉ thị 24, đảng CSVN đề cập biện pháp thí điểm thành lập một số nghiệp đoàn trong các doanh nghiệp để bào đảmquyền lợi của Tổng liên đoàn Lao động,một tổ chức nhà nước tại Việt Nam.
Nhóm tư vấncũng lên án việc bạo quyền Việt Nam bắt giữ hai quan chức vào tháng 5 vừa qua là ông Nguyễn văn Bình và Vũ Minh Tiến, những người có lập trường ủng hộ việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập. Cả hai đang bị truy tố về tội “làm lộ bí mật quốc gia”.
2/ CÁC TỔ CHỨC NHÂN QUYỀN KÊU GỌI NGƯNG DẪN ĐỘ ÔNG Y QUANH BDAP
Một số tổ chức nhân quyền quốc tế vào hôm qua lên tiếng kêu gọi chính phủ Thái Lan không trục xuất ông Y Quynh Bdap về Việt Nam, nơi ông sẽ đối diện với mức án tù dài hạn.
Ông Y Quynh Bdap bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vào ngày 11/6 với cáo buộc “lưu trú quá hạn” sau 6 năm lưu vong ở nước này và đã được Cao uỷ Tỵ nạn LHQ cấp quy chế để chờ được tái định cư ở nước thứ ba.
Một tòa án Việt Nam vào tháng Giêng kết tội vắng mặt ông với mức án 10 năm tù giam vì bị cho là dính líu tới vụ tấn công vào hai đồn công an ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc, một năm trước đây.
Bà Mary Lawlor, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về người hoạt động nhân quyền, hôm 12/6 bày tỏ trên mạng là bà bị sốc trước vụ bắt giữ ông Y Quynh Bdap ở Bangkok và nguy cơ ông này bị trục xuất về nước.
Bà đăng tải đoạn video của ông Y Quynh tự quay vào ngày 7/6, trong đó ông khẳng định cá nhân ông và tổ chức Người Thượng vì Công lý do ông đồng sáng lập đã hoạt động một cách ôn hòa bằng cách thu thập thông tin và viết báo cáo vi phạm về tình trạng nhân quyền tại khu vực Tây nguyên, sau đó gửi LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Ông khẳng định bạo quyền cộng sản ở Việt Nam xuyên tạc bằng việc cáo buộc ông có tham gia vào cuộc tấn công vào hai đồn công annói trên, sau đó kết án và truy lùng ông suốt từ đó tới nay, với sự trợ giúp của cảnh sát Thái Lan. Ông kêu gọi chính phủ các nước dân chủ hãy giúp đỡ và bảo vệ ông. Ông không muốn bị đưa về VN như trường hợp của ông Trương Duy Nhất và Thái Văn Đường.
3/ CHIẾN HẠM TRUNG CỘNG Ồ ẠT KÉO ĐẾN VÙNG BIỂN PHILIPPINES
Vào hôm 12/6, Philippines cho biết Trung Cộng đã gia tăng số lượng tàu bè ở vùng Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila.
Thông báo của hải quân Philippines được đưa ra ít ngày trước khi quy định của Trung Cộng cho phép lực lượng hải cảnh bắt giữ công dân nước ngoài bị cho là xâm phạm lãnh hải Trung Cộng, có hiệu lực từ ngày 15/6 tới đây.
Phát ngôn nhânhải quân Philippines, Trung tá Roy Vincent Trinidad, cho biết 146 tàu Trung Cộng, trong đó có 22 chiến hạm, đã bị phát giác trong tuần này ở vùng biển Philippines, so với 125 tàu vào tuần trước. Ông Trinidad cho biết hải quân Philippines đã tăng cường tuần tra trong khu vực và đang phối hợp với các đối tác an ninh trước khi chính sách bắt giữ của Trung Cộng được triển khai.
Cần biết là vào hôm 10/6, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố là quân đội Philippines cần chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài tại Biển Đông. Chuyên gia Edmund Tayao, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu kinh tế chính trị, nhìn nhận lời tuyên bố của Tổng thống Marcos là “lời kêu gọi sẵn sàng cho mọi tình huống”, bao gồm cả xung đột vũ trang.
Theo giới phân tích, Trung Cộngđang có những hành động hung hăng tại Biển Đông và áp dụng chiến thuận kích động để các quốc gia khác là bên “nổ súng đầu tiên”.
4/ HOA KỲ SẼ KÝ KẾT THỎA THUẬN AN NINH VỚI UKRAINE
Tổng thống Ukraine cho biết là sẽ ký một thỏa thuận an ninh “chưa từng có” với Hoa Kỳ, bên lề hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 tại Ý vào ngày 13/6.
Theo báo Washington Post, thỏa thuận có hiệu lực trong 10 năm, thể hiện cam kết của Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine, phát triển lực lượng vũ trang, củng cố khả năng răn đe quân sự về lâu về dài, trên nhiều lãnh vực khác nhau.
Thỏa thuận không nêu rõ số tiền viện trợ cho Ukraine, cũng không yêu cầu quân đội Hoa Kỳ can thiệp trong trường hợp Ukraine bị tấn công như trong hiệp ước phòng thủ chung với khối NATO. Tuy nhiên Washington có trách nhiệm tổ chức các cuộc tham vấn cấp cao với Kiev trong vòng 24 giờ nếu Ukraine bị tấn công lần nữa trong tương lai.
Trả lời báo chí trước khi lên máy bay đến dự hội nghị G7 ở Ý, cố vấn an ninh Mỹ Jake Sullivan khẳng định là thỏa thuận này sẽ gửi cho Nga một tín hiệu, thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ. Nếu Vladimir Putin cho rằng Nga có thể tồn tại lâu hơn liên minh hỗ trợ Kiev thì ông ta đã nhầm.
Bên lề hội nghị G7, Ukraine cũng sẽ ký một thỏa thuận an ninh song phương với Nhật Bản. Trên thực tế, nhóm siêu cường G7 đã đưa ra một tuyên bố chung vào tháng 7 năm ngoái, cho biết sẽ thực hiện các cuộc đàm phán song phương với Ukraine để thiết lập các cam kết và thỏa thuận an ninh dài hạn. Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai nước cuối cùng trong nhóm này ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine.
Các thỏa thuận về an ninh này nhằm tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và an ninh, hỗ trợ phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine, đào tạo binh sĩ Ukraine, cũng như chia xẻ các thông tin tình báo và hỗ trợ về an ninh mạng.
No comments:
Post a Comment