Trung cộng là một quốc gia trong trục Ma Quỷ trên thế giới do đó Bắc kinh chỉ muốn thế giới bất ổn để trục lợi nhiều mặt trong đó có chiến tranh giữa Nga và Ukraina.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Trúc Phương đăng trên báo Người Việt với tựa đề: “ Tại sao Bắc Kinh muốn “nuôi” cuộc chiến Ukraine?” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Trúc Phương/Người Việt
Hơn 100 quốc gia và tổ chức đã tề tựu về Lucerne (Thụy Sĩ) dự cuộc họp bàn về nghị trình hòa bình cho Ukraine (tổ chức ngày 15 và 16 Tháng Sáu, 2024). Nga không tham dự là chuyện dễ hiểu. Trung Quốc cũng không có mặt. Không phải Bắc Kinh đơn giản chỉ muốn chứng tỏ họ đứng cùng phe Moscow. Sự vắng mặt của Trung Quốc cho thấy, trong thực tế, họ không muốn cuộc chiến Ukraine hạ màn sớm…
Tháng Tám năm 2023, Bắc Kinh từng tỏ rằng họ sẵn sàng thoát khỏi “quan hệ đối tác không giới hạn” với Moscow, khi đặc phái viên Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine, Lý Huy (Li Hui), dự cuộc họp thảo luận về công thức hòa bình của Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky với các nhà ngoại giao từ một số quốc gia, trong đó có Ukraine và Hoa Kỳ. Công thức này kêu gọi Nga rút quân về biên giới năm 1991, đưa tội phạm chiến tranh ra tòa án quốc tế và trả tiền bồi thường cho Kyiv. Bằng kế hoạch này, Bắc Kinh cho thấy họ có thể sẵn sàng chơi cứng rắn với Moscow.
Trước đó, ngày 24 Tháng Hai 2023, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đưa ra cái gọi là 12 điểm cho kế hoạch tái lập hòa bình giữa Nga và Ukraine. Cái gọi là “kế hoạch hòa bình” của Trung Quốc thật ra chẳng hề nêu ra được điều gì cụ thể. Nó là một “phác thảo” gần như vô nghĩa được đưa ra chỉ để cho thấy Bắc Kinh muốn tô vẽ cho hình ảnh một cường quốc “biết” tôn trọng luật pháp quốc tế, rằng họ “không bao giờ” là một quốc gia hiếu chiến.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Bắc Kinh bắt đầu ngưng đóng vai làm người tử tế. Với Bắc Kinh, mối quan hệ với Nga có ý nghĩa chiến lược lớn. Trung Quốc và Nga có chung đường biên giới 2,600 dặm. Nga cung cấp cho Trung Quốc nguồn tài nguyên thiên nhiên giá rẻ và thậm chí một số công nghệ quân sự tiên tiến. Ngoài ra, Tập Cận Bình còn có một đồng minh cùng hội cùng thuyền trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Thống Vladimir Putin tới Trung Quốc ngày 16 Tháng Năm, các công ty đường sắt nhà nước của Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận mở rộng cơ sở hạ tầng xuyên biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất cảng của Nga sang phía Đông. Trong cùng chuyến đi đó, Putin bật đèn xanh cho kế hoạch đưa thêm máy bay Nga tới Trung Á để Kazakhstan và Uzbekistan có thêm khí đốt chuyển sang Trung Quốc, từ đó tạo điều kiện cho Moscow và các chính phủ Trung Á tăng lợi nhuận. Ngày 7 Tháng Sáu, tập đoàn Gazprom đã ký các hợp đồng mở rộng xuất cảng khí đốt của Nga sang Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan.
Bắc Kinh và Moscow cũng thảo luận cách thức để thông quan hàng hóa “nhạy cảm” từ Trung Quốc sang Nga. Phương cách là chỉ định những ngân hàng chuyên biệt hầu như không bị ảnh hưởng bởi luật cấm vận của Mỹ; và giao dịch của họ được che giấu dưới nhiều lớp vỏ bọc. Kinh tế không là lĩnh vực duy nhất mà Trung Quốc và Nga gắn bó. Putin và Tập đã gặp nhau ba lần kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu.
Trong thực tế, Bắc Kinh chẳng hề muốn hòa bình sớm trở lại với Ukraine. Hòa bình không phải là thứ Bắc Kinh tìm kiếm. Mục đích của Bắc Kinh là không muốn chiến tranh nhanh chóng kết thúc mà là càng kéo dài bao lâu càng tốt. Chẳng nước nào muốn cuộc chiến Ukraine kéo dài bằng Trung Quốc. Cuộc chiến càng dây dưa, Tập Cận Bình càng học được nhiều “chiêu” của phương Tây và những bài học này sẽ là kinh nghiệm đối phó phương Tây một khi Trung Quốc đánh Đài Loan. Hơn nữa, Trung Quốc đang kiếm bộn bạc từ cuộc chiến Ukraine khi lén lút cung cấp những hàng hóa “nhạy cảm” mà phương Tây cấm vận Nga.
Quan trọng hơn nữa, cuộc chiến càng kéo dài thì nguồn lực viện trợ lẫn viện trợ kinh tế của Mỹ và châu Âu đổ vào Ukraine càng cạn kiệt. Và khi cuộc chiến kéo dài, việc định hình trật tự thế giới mới với Bắc Kinh ở trung tâm càng dễ được thực hiện. Tái cân bằng quyền lực với sự xuống dốc của Mỹ và sự “thăng hoa” của Trung Quốc luôn là tham vọng lớn nhất của Tập Cận Bình.
Cần nhắc lại, đầu năm 2022, Trung Quốc đã công bố một khuôn khổ chiến lược mới, mà nước này gọi là “sáng kiến an ninh toàn cầu” (global security initiative – GSI). Mặc dù vẫn còn ở giai đoạn đầu, GSI củng cố một số khía cạnh trong việc xây dựng khái niệm mới về trật tự toàn cầu. Nó cho thấy Tập Cận Bình luôn muốn làm xói mòn niềm tin quốc tế dành cho Mỹ, vốn quen thuộc với hình ảnh một cường quốc mang lại sự ổn định cho khu vực lẫn toàn cầu; đồng thời tạo ra một nền tảng mới để Trung Quốc có thể biện minh cho việc tăng cường quan hệ đối tác của chính họ. GSI cũng phản bác những gì Bắc Kinh cho là mô tả sai lệch về tính hiếu chiến và chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc.
Tập Cận Bình lần đầu tiên vạch ra GSI trong một bài phát biểu vào Tháng Tư năm 2022. Khi công bố GSI, Tập thể hiện rằng Trung Quốc mới là quốc gia có “tư cách” kiểm soát việc minh định những chiến lược an ninh toàn cầu chứ không phải Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; rằng các nước nên “tỉnh táo” không tham gia các khối hoặc nhóm quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Với “sáng kiến” GSI, Tập Cận Bình đặt lên bàn đàm phán một thứ luận điểm có thể cạnh tranh với thứ ngôn ngữ mà Mỹ luôn dẫn đầu khi nói về bức tranh trật tự quốc tế như thế nào sau cuộc chiến Ukraine.
Điều quan trọng không kém là Bắc Kinh tiếp tục định vị họ là tay chơi biết “đổi mới” và đủ tư cách và lãnh đạo toàn cầu trong thế kỷ 21. Suốt từ khi xuất hiện, GSI đã trở thành một “bảng chuẩn” mà Bắc Kinh đưa vào các cuộc họp bàn cũng như các cuộc hội thảo liên quan những cam kết song phương và đa phương của Trung Quốc trên khắp châu Phi, Mỹ Latin và Đông Nam Á.
Dưới mắt Putin, sự mở rộng của NATO luôn trực tiếp gây nguy hiểm cho sự an toàn của Nga. Dưới mắt Tập, Bắc Kinh nhận thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa sự hiện diện ngày càng mở rộng của NATO ở châu Âu và các liên minh an ninh đang phát triển của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trở lại với bối cảnh Ukraine. Như đã nói, Tập Cận Bình hẳn không “tử tế” đến mức muốn nhìn thấy một bức tranh hòa bình giữa Nga và Ukraine. Binh đao khói lửa càng kéo dài, Mỹ và châu Âu càng “hao binh tổn tướng” một cách gián tiếp. Cuộc chiến càng kéo dài, Nga càng suy kiệt và càng cần Bắc Kinh. Hòa bình ở Ukraine càng xa tầm với, Bắc Kinh càng học được nhiều kịch bản đối phó của phương Tây để họ phác thảo kịch bản của riêng mình một khi Trung Quốc quyết định tấn công Đài Loan.
No comments:
Post a Comment