Cuộc đấu đá trong tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng sản tưởng sẽ tạm lắng dịu sau khi Tô Lâm chấp nhận ghế Chủ tịch nước. Thế nhưng vào sáng 15 tháng 6 vừa qua, các cơ quan tuyên truyền của đảng đã đồng loạt loan thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cựu Bộ trưởng Tài chính, bị kỷ luật. Ông Dũng cũng bị quy tội “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Đây cũng là tội danh của hàng loạt các Ủy viên Bộ chính trị vừa bị loại như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai.
Tại sao lại có đại cuộc thanh trừng này? Và nó còn kéo dài đến bao giờ?
Để trả lời các câu hỏi này, mời quý thính giả theo dõi bài Bình Luận của tác giả Hoàng Phú, đăng tải trên trang mạng Thời Báo DE, tựa đề “VÔ TÌNH, TỔNG TRỌNG BIẾN ĐẢNG CỘNG SẢN THÀNH ĐẤU TRƯỜNG KHỐC LIỆT!” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Năm 2011, Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư bằng hình thức chọn “thái tử”, không cần thông qua đấu đá chí tử để ngoi lên. Tuy con đường đi lên của ông khá bình yên, nhưng khi đó, ghế Tổng Bí thư lại lép vế trước ghế Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tổng Trọng đã phải bỏ ra hết nhiệm kỳ đầu tiên, để giành lại vị thế vốn có cho chiếc ghế Tổng Bí thư. Phải đến cuối nhiệm kỳ đầu, ông mới thành công loại được đối thủ lớn nhất là Nguyễn Tấn Dũng, ra khỏi vũ đài chính trị.
Sau khi loại được đối thủ lớn nhất này, quyền lực nằm gọn trong tay, ông Trọng bắt đầu chấn chỉnh Đảng. Mục đích chính là xây dựng hệ sinh thái quyền lực cho riêng ông, để không ai có thể đe dọa được ông nữa. Tuy nhiên, để đạt được mục đích này, ông cũng phải hô hào là làm trong sạch Đảng. Vì vậy, ông lập nên cái “lò”, trên danh nghĩa là để “đốt” quan tham, như một mũi tên trúng đến 2 mục đích: Vừa củng cố quyền lực vững vàng, vừa được tiếng liêm khiết chống tham nhũng.
Sự nghiệp chính trị của ông Trọng trong vai trò Tổng Bí thư, có thể tóm tắt trong một cụm từ mô tả ngắn gọn – đấy là: “củng cố – hưng thịnh – suy tàn”. Nhiệm kỳ đầu tiên là thời gian ông củng cố quyền lực; nhiệm kỳ thứ 2 là thời kỳ quyền lực của ông đạt đến sự hưng thịnh tột đỉnh; và nhiệm kỳ thứ 3, tuy chưa kết thúc, nhưng có thể thấy rõ, sự nghiệp chính trị của ông đã suy tàn.
“Lò đốt” tham nhũng bắt đầu lập nên vào năm 2016, trong suốt 5 năm, ông Trọng đã đốt khá nhiều quan chức cấp cao, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị phải vào tù. Thời gian này, ông lấy được lòng tin của không ít người dân.
Tuy nhiên, sang đến nhiệm kỳ thứ 3, người dân đã có đủ thời gian để chiêm nghiệm lại thành tích “đốt lò” của ông. Đã có những thắc mắc về việc, tại sao, củi đốt mãi không hết, thậm chí, càng đốt lại càng nhiều thêm.
Ông Nguyễn Đức Chung vào tù, nhưng người thay thế là ông Chu Ngọc Anh cũng không khá hơn, thậm chí còn tồi tệ hơn. Tương tự, nhiều trường hợp khác, người thay thế cho quan tham đã thành củi, cũng chẳng trong sạch hơn, mà chỉ là người chưa bị lộ.
Rồi cuộc thanh trừng dưới chiêu bài “chống tham nhũng không có vùng cấm”, đã bị thuộc hạ của ông lạm dụng, đánh gục các thuộc hạ khác, cũng của ông, để ngoi lên trở thành thế lực vô đối trong Đảng. Từ đây, Đảng trở thành một “nồi cám lợn”, khi mà có quá nhiều phe phái nổi lên đánh nhau không ngừng nghỉ. Chẳng ai coi kỷ cương phép nước, hay luật lệ Đảng ra gì, cứ mạnh thắng yếu thua mà phang vào nhau.
Khi ông Trọng mới lên làm Tổng Bí thư, triều đình Cộng sản cũng có 2 phe – phe ông Trọng và phe Ba Dũng. Sau khi dẹp được phe Ba Dũng, ông thành “trùm Đảng” một thời gian. Còn giờ đây, cung đình này có rất nhiều phe đan xen quyền lợi, và đánh nhau loạn xạ. Trong đó, có thể kể ra như: phe ông Trọng, phe Hưng Yên, phe Nghệ An, phe Hà Tĩnh, phe Ninh Bình, phe Thanh Hóa v.v… mỗi phe đều tranh thủ củng cố lực lượng.
Rồi đây, ông Trọng cũng sẽ rời chính trường trong tương lai không xa, có thể, ông bị ép rời ghế, hoặc cũng có thể, ông sẽ chết khi đang tại vị. Khả năng ông về với Marx-Le là rất cao, bởi sức khỏe của ông đang ngày một cạn kiệt. Cuộc sống của ông hiện đang được duy trì và kéo dài nhờ vào thuốc. Tuy không thiếu thuốc, nhưng khi sức lực của ông đã cạn, thì thuốc men cũng sẽ vô dụng.
Hậu Nguyễn Phú Trọng sẽ là một Đảng Cộng sản đầy bất ổn và chia rẽ. Đó sẽ là thời kỳ “loạn sứ quân”, khi các phe tiếp tục nổi lên, đánh nhau để tranh giành quyền lực.
Khi đó, người dân sẽ càng khốn khổ, đất nước càng mất mát nhiều hơn, do các nhóm tranh nhau cầu viện Bắc Triều, và tất nhiên, họ đều không quên mang theo những “món quà” từ quyền lợi quốc gia để cầu mong sự giúp đỡ./.
No comments:
Post a Comment