Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ 4 TNS MỸ KÊU GỌI ĐẬT NHÂN QUYỀN TRONG CÁC CUỘC ĐỐI THOẠI VỚI VN
Nhiều nghị sĩ Mỹ quan ngại về tình trạng gia tăng đàn áp
của bạo quyền Việt Nam đối với những tiếng nói bất đồng trong bối cảnh quan hệ
giữa hai nước ngày một nồng ấm.
Vào hôm 25/6, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Ben
Cardin cùng với ba thượng nghị sĩ Chris Coons, Chris Van Hollen và Jeff Merkley
gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, thúc giục ông đưa các ưu tiên nhân
quyền vào trong các cuộc đối thoại với Việt Nam.
Bức thư đồng thời được đăng tải lên trang mạng của ủy ban nói
trên nhấn mạnh là Hoa Kỳ phải lồng ghép nhân quyền vào mọi khía cạnh trong các
cuộc thảo luận song phương Việt – Mỹ, và không chỉ nêu lên những vấn đề trong
các cuộc đối thoại về nhân quyền.
Các nghị sĩ của Mỹ nêu lên những quan ngại về tình hình
nhân quyền ở Việt Nam, nhấn mạnh về xu hướng gia tăng đàn áp theo chỉ thị 24,
một văn bản mật do bộ chính trị CSVN ban hành vào tháng 7 năm ngoái, có nội
dung củng cố hơn nữa chế độ độc đảng và
ngăn cấm các quyền tự do.
Ông Phil Robertson, giám đốc chi nhánh Theo dõi Nhân quyền
ở Á châu, cho biết là bằng cách trích dẫn chỉ thị 24 nói trên, các thượng nghị
sĩ Mỹ đang xem thường Tổng thống Joe Biden vì sự vi phạm trầm trọng về nhân
quyền tại VN. Trên thực tế, VN đang đàn áp nặng nề về nhân quyền khi đàn áp
giới bất đồng chính kiến, các nhóm xã hội dân sự và môi trường.
Bốn nghị sĩ nói trên kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken nên
nhấn mạnh với các quan chức Việt Nam là sự tiến bộ thực sự về nhân quyền sẽ tạo
điều kiện cho mối quan hệ kinh tế, thương mại và an ninh sâu sắc hơn với Hoa
Kỳ.
2/ TRUNG CỘNG NGỪNG
NHẬP SẦU RIÊNG TỪ 33 VÙNG CỦA VN
Hải quan Trung Cộng trong tháng này đã ngừng nhập sầu riêng
từ 33 vùng trồng của Việt Nam vì dư lượng “kim loại nặng” hàm chứa trong loại
quả này.
Quyết định này được đưa ra vào ngày 27/6, theo đó Tổng cục
Hải quan Trung Cộng đã gửi công văn ngừng nhập cảng sầu riêng đến giới chức
Việt Nam vào ngày 11/6. Theo trình bày trong công văn, giới hải quan Hoa Lục
quyết định cho ngưng các chuyến hàng sầu riêng nhập cảng từ 18 vùng trồng và 15
nhà máy đóng hàng xuất cảng VN, với lý do là dư lượng “kim loại nặng” quá mức.
Cần biết là sầu riêng Việt Nam bắt đầu được nhập sang Hoa
Lục vào năm 2021, và vào năm ngoái trở thành nguồn sầu riêng nhập cảng lớn thứ
hai vào Hoa Lục, chỉ sau Thái Lan.
Tuy nhiên theo thống kê của Hải quan Trung Cộng trong 5
tháng đầu năm nay, kim ngạch sầu riêng Thái Lan xuất sang Trung Cộng chỉ đạt hơn
2 tỷ Mỹ kim, giảm hơn 2% so với năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch sầu riêng
của Việt Nam xuất sang Trung Cộng gia tăng hơn 60%, đạt hơn 660 triệu Mỹ kim.
Biện pháp tạm ngừng của Hoa Lục đối với sầu riêng Việt Nam diễn
ra trong lúc Mã Lai lần đầu tiên được phép nhập sầu riêng tươi vào thị trường
Hoa Lục. Thỏa thuận đạt được vào tuần qua sẽ mang lại nguồn lợi cho 63 ngàn nông
dân trồng sầu riêng của Mã Lai. Có nghĩa là VN có thêm một đối thủ cạnh tranh
về sầu riêng tại thị trường Hoa Lục.
3/ LHQ CHỈ TRÍCH 16 NGÂN HÀNG
GIÚP BẠO QUYỀN MIẾN ĐIỆN MUA VŨ KHÍ
Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc
về nhân quyền tại Miến Điện vào hôm 26/6 đưa ra báo cáo cho biết có 16 ngân
hàng thuộc 7 quốc gia đã làm trung gian cho các giao dịch mua vũ khí của tập
đoàn quân phiệt Miến Điện trong hai năm qua.
Theo báo cáo nói trên, Thái Lan đang
là nơi cung cấp vũ khí chủ yếu cho giới tướng lãnh Miến Điện. Theo ông Tom
Andrews, tác giả của báo cáo này, chính là qua các ngân hàng này và 25 định chế
tài chính khác mà tập đoàn quân phiệt đã có thể mua sắm vũ khí để tiếp tục
tiến hành các hoạt động vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, đặc biệt với
các cuộc không kích vào dân thường.
Về tình hình chung, theo ông Andrews, tập đoàn quân
phiệt Miến Điện đang ngày càng bị cô lập, với số lượng vũ khí mua sắm hàng
năm thông qua hệ thống các ngân hàng chính thức đã giảm khoảng một
phần ba, từ 377 triệu Mỹ kim xuống còn 252 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên, giới tướng
lãnh cầm quyền cũng đã tìm ra nhiều cách để lách né các trừng phạt.
Báo cáo thường niên của ông Andrews vào năm ngoái đã xác
định Singapore là nguồn cung cấp vũ khí không chính thức lớn thứ ba của tập
đoàn quân phiệt Miến Điện. Chính quyền Singapore đã mở cuộc điều tra nhắm vào
các công ty ở nước này. Chính nhờ điều này, tính cho đến tháng 3, số lượng vũ
khí từ Singapore xuất sang Miến Điện đã sụt giảm gần 90% so với năm ngoái.
Ngược lại vũ khí từ Thái Lan xuất sang Miến Điện lại tăng
hơn gấp đôi. Một ví dụ cụ thể là ngân hàng Thái Lan Siam Commercial Bank đã tạo
điều kiện cho các giao dịch mua bán vũ khí tổng trị giá 100 triệu Mỹ kim trong
thời gian từ năm ngoái đã tăng thêm 5 triệu Mỹ kim.
4/ TRUNG CỘNG KHAI TRỪ HAI BỘ
TRƯỞNG QUỐC PHÒNG VÌ THAM NHŨNG
Bạo quyền Trung Cộng vào hôm qua 27/6 đã khai trừ Bộ trưởng
quốc phòng Lý Thượng Phúc và người tiền nhiệm Ngụy Phượng Hoàng vì “vi phạm kỷ
luật nghiêm trọng”, ám chỉ tình trạng tham nhũng, theo tiết lộ của Tân Hoa Xã.
Ông Lý bị nghi ngờ nhận các số tiền khổng lồ được hối lộ, với
một cuộc điều tra cho thấy ông không hoàn thành trách nhiệm chính trị, theo Uỷ
ban Kiểm tra Trung ương được trích dẫn trong bản tin. Tân Hoa Xã cho biết là
trong cương vị lãnh đạo cấp cao, ông Lý Thượng Phúc đã phản bội lòng tin của
đảng và quân ủy, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước Hoa Lục.
Cần biết là họ Lý đã bị cách chức khỏi chức vụ bộ trưởng
quốc phòng mà không có lời giải thích nào vào tháng 10 năm ngoái, sau hai tháng
không rõ tung tích. Đây là lần đầu tiên Trung Cộng xác nhận rõ ràng là ông Lý
đang bị điều tra về tội tham nhũng của ông.
Ông Ngụy Phượng Hòa, người tiền nhiệm của ông Lý, đã biến
mất khỏi công chúng kể từ khi ông được thay thế vào tháng 3 năm ngoái trong một
cuộc cải tổ nội các theo kế hoạch. Ông Ngụy là người cầm đầu binh chủng phi đạn
chiến lược từ năm 2015.
Theo Tân Hoa Xã, một cuộc điều tra nhắm vào ông Ngụy vào
tháng 9 năm ngoái cho thấy ông này đã nhận hối lộ một số tiền lớn lao cũng như
giúp thuộc cấp có những vị trí cao cấp trong việc sắp xếp nhân sự.
No comments:
Post a Comment