Friday, October 3, 2014

Giấc mơ dân chủ tại Hồng Kông bị de đọa, còn Việt Nam thì sao?

Thứ Sáu 03.10.2014   
Khi Bắc Kinh quyết định không thực hiện lời hứa cải cách dân chủ tại Hồng Kong, giới sinh viên học sinh đã phát động cuộc bãi khóa xuống đường biểu tình để phản đối. Cuộc tranh đấu đòi dân chủ đang được cả thế giới chú ý. Kính mời quí thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ về sự kiện này qua đề tài: "Giấc mơ dân chủ tại Hồng Kong bị de dọa, còn Việt Nam thì sao?" qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả,
Năm 1997 Anh Quốc trả lại Hồng Kông cho Bắc Kinh sau hơn 150 năm quản trị bán đảo này. Hồng Kông đã được phát triển thành một địa danh nổi tiếng, và là một trong ba trung tâm kinh tế tài chánh của thế giới là New York, London và Hongkong.
Hồng Kong chẳng những là cửa ngõ để thế giới đông tây buôn bán giao thương, mà nơi đây cũng là đầu cầu nối kết hai nền văn hóa Âu-Á, nhờ vậy tạo cho bán đảo có một không gian sinh động đặc biệt hấp dẫn. Hồng Kong cũng là nới gặp gỡ của các chính trị gia và nơi chạm trán của những tay gián điệp quốc tế trong thời chiến cũng như thời bình.
Nhưng điểm đáng nói là sau nhiều năm sống dưới sự quản trị của Vương Quốc Anh, người dân ở đây đã quen với nếp sống dân chủ và văn minh tây phương, nên khi trả lại bán đảo này, Bắc Kinh đã đồng ý mô thức "một quốc gia hai thể chế" dành cho đặc khu những quyền hạn chính trị rộng rãi, thay vì áp đặt hệ thống hành chánh do đảng cộng sản Trung Cộng cai trị.
Sau 20 năm Bắc Kinh chỉ định người lãnh đạo đặc khu, dân Hồng Kong chờ đợi năm 2017 họ sẽ được quyền bầu chọn người lãnh đạo mà họ muốn trong một cuộc bầu cử tự do thật sự. Nhưng Bắc Kinh đã rút lại lời hứa ấy, thay vào bằng thể thức "đảng cử dân bầu".
Đứng trước sự áp đặt trắng trợn này, sinh viên học sinh và dân chúng Hồng Kong đã bày tỏ thái độ phản kháng bằng hình thức biểu tình ôn hòa, yêu cầu ông đặc khu trưởng Lương Chấn Anh, người thân của Bắc Kinh phải từ chức, và phải có bầu cử tự do dân chủ thật sự.
Đáp ứng phong trào đòi dân chủ của sinh viên học sinh, còn có phụ huynh, giáo chức, du học sinh cùng xuống đường, đặc biệt sự tham dự và khích lệ của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã 83 tuổi đến với giới trẻ, khiến người ta lên tinh thần hơn.
Khi cảnh sát dùng hơi cay trấn áp người biểu tình thì số người ủng hộ càng gia tăng mau chóng, có đến cả vài trăm ngàn hay hơn nữa. Đây là lần đầu tiên một cuộc tập họp đông đảo kể từ biến cố Thiên An Môn cách nay 25 năm.
Tin tức và hình ảnh được truyền đi khắp thế giới đã tác động đến người dân các vùng chung quanh như Ma Cao, Đài Loan, và ở quốc gia độc tài như Việt Nam và ngay tại Trung Cộng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Bắc Kinh lại khước từ nguyên vọng rất cụ thể và đơn giản của người dân Hồng Kong, là thực thi quyền dân chủ để họ trực tiếp chọn lấy người lãnh đạo thay vì đảng cử dân bầu một cách chiếu lệ?
Chắc ai trong chúng ta cũng đã có câu trả lời: Vì đó là chế độ cộng sản độc tài độc đảng phi dân chủ, cai trị bằng bạo lực và dối trá, đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi của tổ quốc và đồng bào. Nếu áp dụng tiến trình dân chủ để có sự cạnh tranh công bằng, ngay thẳng thì cộng sản không có chỗ đứng trong xã hội nhân bản, vì vậy họ buộc phải dùng bạo lực và thủ đoạn xấu để chiếm đoạt nắm giữ quyền lực hòng bảo vệ quyền lợi của đảng viên và phe nhóm. Nếu Hồng Kong có dân chủ, có tự do bầu cử thì những nơi khác trong khắp lục địa Trung Hoa sẽ diễn ra theo, và chế độ CS độc tài sẽ tan biến mau chóng.
Điều đáng chú ý trong cuộc phát động tranh đấu dân chủ tại Hồng Kông không do một chính trị gia lão luyện có tiếng tăm, hay một nhà trí thức khoa bảng mà là một sinh viên 17 tuổi, Josua Wong nhỏ nhắn yếu đuối, nhưng với ý chí, tự tin và quyết tâm, anh đã làm nên lịch sử từ ba năm trước khi phát động học sinh biểu tình chống chính sách áp đặt giáo dục cộng sản của Bắc Kinh, nay anh cũng đang làm nên lịch sử khiến cả triều đình Bắc Kinh phải nao núng.
Chắc chắn rồi đây Tập Cận Bình và phe nhóm sẽ áp dụng những thủ đoạn thâm hiểm để vô hiệu hóa cuộc đấu tranh của giới trẻ, như tạo ra những xáo trộn xã hội, làm tắc nghẽn giao thông, trở ngại giao dục, ảnh hưởng xấu đến kinh tế ...khiến một số cư dân than phiền, giới trẻ thì không còn đủ kiên nhẫn để theo đuổi cuộc đấu tranh lâu dài, nên dễ bỏ cuộc.
Trở lại với Việt Nam thì khát vọng dân chủ của người dân Hồng Kông cũng chính là khát vọng của người dân Việt Nam đang sống dưới chế độ độc tài toàn trị, mà những quyền căn bản của con người đã bị tập đoàn lãnh đạo tước đoạt. Việc đảng cử dân bầu vẫn tuần tự diễn ra, người dân vẫn phải chấp nhận, phải hoan hô những điều mà trong lòng không muốn. Tại sao một dân tộc đã có bề dày văn hóa, lại có một lịch sử oai hùng lâu dài mà vẫn phải chịu đựng mãi tình huống như hôm nay?
Câu hỏi chúng tôi đặt ra cho tất cả những ai quan tâm đến hiện tình đất nước, nhất là những người còn đang đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của đảng CSVN, xin hãy nhìn thẳng vào thực trạng nước ta hôm nay để thấy một xã hội băng hoại, một nền luân lý suy đồi, con người trở nên vô cảm và tàn nhẫn với nhau, một nền giáo dục mất định hướng và phá sản, tạo ra một lớp trẻ thụ động và ích kỷ, một quốc gia chậm tiến tụt hậu, một nền kinh tế bấp bênh, nợ nần chồng chất, tình trạng tham nhũng thối nát trong cả hệ thống chính quyền. Hậu quả này do ai?
Chúng tôi tin, và lịch sử thế giới cũng chứng minh rằng con đường dân chủ sẽ đem đến sự tiến bộ và hạnh phúc cho người dân, tại sao chúng ta không thực thi dân chủ?
Cám ơn quí thính giả đã đón nghe quan điểm của chúng tôi.
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment