TIN CẬP NHẬT VỀ CUỘC BIỂU TÌNH CỦA NGƯỜI DÂN HỒNG KÔNG – NGÀY THỨ 23
Tối nay sẽ có cuộc hội đàm giữa đại diện sinh viên và đại diện đặc
khu trưởng Hồng Kong. Mỗi phái đoàn sẽ có năm người, phía sinh viên do
Alex Chow cầm đầu, và phía chính quyền do bà Carrie Lam, giới chức cao
cấp thứ nhì Hồng Kong chủ trì. Cuộc hội đàm sẽ diễn ra tại trường Đại
Học Y Khoa từ 6 đến 8 giờ tối. Cuộc đàm phán sẽ do Viện trưởng Đại Học
Lingnan điều hợp và sẽ được trực tiếp truyền hình cho dân chúng theo
dõi.
Sáng nay khu vực biểu tình tương đối lắng dịu, nhưng không khí rất
căng thẳng vì đa số ai cũng lo âu không biết với thái độ quá cứng rắn
của Bắc Kinh cũng như các cuộc đàn áp quá mạnh tay của cảnh sát trong
mấy ngày qua, liệu chính quyền có thiện chí tương nhượng để giải quyết
yêu sách bầu cử dân chủ của sinh viên hay không. Và nếu cuộc hội đàm đi
đến bế tắt, tình hình sẽ rất nguy ngập, và không ai có thể lường trước
hậu quả sẽ ra sao.
Trong khi đó, sáng nay Nhật báo South China Morning Post đã kêu gọi
hai bên hội đàm phải thành tâm thiện chí, nhất là nhà cầm quyền cần duy
trì tinh thần độc lập, không để Bắc Kinh chi phối quá sâu đậm nội tình
đặc khu. Ngoài ra, tại hải ngoại, 33 tổ chức xã hội dân sự của người Hoa
cũng lên tiếng ủng hộ phong trào biểu tình đòi dân chủ và kêu gọi cảnh
sát chấm dứt mọi sự đàn áp, vi phạm nhân quyền và tập thể sinh viên và
chính quyền phải tìm cách dàn xếp ổn thỏa ước vọng chính đáng của dân
chúng là có cuộc bầu cử dân chủ thực sự năm 2017.
TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG: THỦ TƯỚNG MUỐN CHIẾN, ĐẠI TƯỚNG MUỐN HÀNG
Trong ngày khai mạc phiên họp mới của quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng nhấn mạnh là Trung Cộng đã có hành động sai trái khi đưa giàn khoan
vào hải phận VN và tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền đất nước mặc dù lực
lượng quốc phòng yếu kém, cần phải đầu tư nhiều hơn. Trong khi đó thì
Đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng, lại khẳng định là
quân đội sẽ không để xảy ra bất cứ xung đột nào trên biển và sẽ cố tránh
xử dụng bạo lực.
Cần nhắc lại là vào tuần trước, ông Phùng Quang Thanh đã cầm đầu một
phái đoàn gồm 13 tướng lãnh cao cấp sang Trung Cộng trong chuyến đi gọi
là "sưởi ấm lại mối quan hệ song phương Việt – Hoa". Ông Thanh khoe với
báo chí là chuyến đi sứ của ông đã đạt được thành tích là thành lập
đường dây liên lạc thường xuyên giữa hai bộ quốc phòng để có thể đối
thoại trực tiếp nếu xảy ra bất cứ xung đột nào.
Trong khi đó thì Nguyễn Tấn Dũng, sau chuyến vận động Âu châu ủng hộ
VN trong các tranh chấp chủ quyền Biển Đông, đã có những lời lẽ mạnh mẽ
hơn đối với Trung Cộng, nhưng thú nhận là VN không đủ nguồn lực để đầu
tư trong lãnh vực quốc phòng.
NỀN KINH TẾ VN SẼ VẪN U ÁM TRONG NĂM TỚI
Trong diễn văn khai mạc phiên họp quốc hội vào hôm qua, chủ tịch quốc
hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo là nền kinh tế tiếp tục đối diện với
nhiều khó khăn và thách thức trong năm tới, trong khi Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng tin tưởng là tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2015 sẽ đạt mức 6.2%,
đồng thời cam kết sẽ kiểm soát được các khoản nợ công.
Hai phát biểu trái ngược nhau này đã dẫn đến các bình luận của giới
quốc tế là Nguyễn Sinh Hùng muốn công kích Nguyễn Tấn Dũng khi nhắc đến
tình trạng yếu kém của nền kinh tế trong mấy năm qua. Một số nguồn tin
còn cho biết là ông Hùng cũng lăm le chiếm ghế thủ tướng trong kỳ đại
hội đảng năm tới.
Cũng trong buổi khai mạc phiên họp quốc hội vào hôm qua, trưởng đoàn
đại biểu Đà Nẵng thông báo là ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban nội chính
trung ương, không thể dự họp vì vẫn đang chữa bệnh tại Mỹ. Tính đến hôm
nay là đã hơn 2 tháng, ông Thanh vắng mặt trên chính trường VN. Chính vì
thế, người ta tin rằng sẽ có một sự thay đổi nhân sự trong ban nội
chính trung ương, cơ quan được trao phó nhiệm vụ xét xử các đại án tham
nhũng.
CÁC ĐẠI CÔNG TY CỦA VN ĐANG CÓ NGUY CƠ PHÁ SẢN
Uỷ ban Kinh tế Quốc hội VN vào hôm qua cho biết là một số đại công ty
đã bắt đầu ngừng hoạt động, giải thể hoặc kê khai phá sản, trong khi Ủy
ban Tư pháp Quốc hội VN lại báo cáo là tình trạng tham nhũng trong
ngành ngân hàng hiện nay là "đặc biệt nghiêm trọng".
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm ủy ban kinh tế quốc
hội, thì tình hình suy thoái của thế giới và các tranh chấp ở Biển Đông
đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế VN, dẫn đến sự phá sản của hàng
chục ngàn doanh nghiệp nhỏ trong 9 tháng qua. Tuy nhiên hiện có một số
doanh nghiệp lớn hay trung bình cũng lâm vào tình trạng tê liệt, giải
thể hay sắp phá sản, kéo theo hàng trăm ngàn người bị thất nghiệp và
thất thu ngân sách, mức nợ công tiếp tục gia tăng vì nhà nước phải đi
vay mượn để bù đắp các khoản chi tiêu.
Trong khi đó thì ủy ban tư pháp lại báo cáo là tệ nạn tham nhũng vẫn
hoành hành trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là trong ngành tài chánh –
ngân hàng, gây thất thoát rất lớn về tài sản quốc gia. Chủ nhiệm ủy ban
tư pháp, Nguyễn Văn Hiện, cũng thừa nhận là người dân hiện mất niềm tin
vào công cuộc bài trừ tham nhũng của đảng và nhà nước VN.
HAI PHI TRƯỜNG LỚN NHẤT VN BỊ XẾP VÀO LOẠI TỆ NHẤT CHÂU Á
Hai phi trường quốc tế lớn nhất VN, là Tân Sơn Nhất - Sài Gòn và Nội
Bài – Hà Nội, vừa bị xếp vào danh sách tệ nhất Á châu, theo kết quả một
cuộc thăm dò du khách.
Cuộc thăm dò do trang mạng The Guide to Sleeping in Airports thực
hiện vào năm nay, cho thấy hai phi trường Tân Sơn Nhất và Hà Nội đều nằm
trong danh sách 10 phi trường tồi tệ nhất khu vực vì cơ sở hạ tầng và
phục vụ yếu kém. Ngay lập tức giới hữu trách VN giận dữ phản đối kết quả
này là "không phản ánh đúng thực tế và thiếu khách quan", một luận điệu
quen thuộc của quan chức VN mỗi khi bị thế giới chê trách về bất cứ
lãnh vực nào, từ vi phạm nhân quyền cho đến tệ nạn tham nhũng.
NAM HÀN BÓC LỘT TÀN TỆ GIỚI CÔNG NHÂN NHẬP CẢNG
Trong báo cáo đưa ra vào hôm qua, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã mãnh liệt
lên án tình trạng bóc lột và đối xử tàn tệ của Nam Hàn đối với những
công nhân ngoại quốc được tuyển dụng vào làm việc trong ngành nông
nghiệp, trong đó có nhiều công nhân đến từ VN.
Dưới tựa đề "Vụ mùa cay đắng", bản báo cáo của Ân xá Quốc tế đã trích
dẫn lời kể của các công nhân về tình trạng cưỡng bách lao động một cách
có hệ thống trong ngành nông nghiệp Nam Hàn, nếu không muốn là ép buộc
công nhân làm việc như nô lệ. Cần biết là theo thông tấn xã Pháp thì
trong số 250 ngàn công nhân ngoại quốc đang làm việc tại Nam Hàn, có
khoảng 20 ngàn người làm việc trong ngành nông.
Báo cáo cũng trích dẫn một số trường hợp công nhân bị hành hung và bị
đuổi việc một cách bất công. Tuy nhiên bộ lao động Nam Hàn đã mạnh mẽ
bác bỏ báo cáo này và cho rằng Ân xá Quốc tế đã bóp méo sự thật.
TỔNG THỐNG INDONESIA CHÍNH THỨC NHẬM CHỨC
Tân tổng thống Nam Dương, ông Joko Widodo, đã tuyên thệ nhậm chức vào
hôm qua, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Úc Tony Abbott và Ngoại
trưởng Mỹ Jon Kerry.
Buổi tuyên thệ diễn ra tại trụ sở quốc hội Nam Dương ở thủ đô Jakarta
và ông Widodo 53 tuổi, còn được gọi một cách thân mật là Jokowi, lên
tiếng kêu gọi người dân Indonesia hãy đoàn kết để đưa đất nước đến sự
phú cường.
Cần nói thêm, ông Widodo xuất thân từ giới bình dân và là đô trưởng
Jakarta trước khi đánh bạo đối thủ Subianto trong cuộc tuyển cử ghế tổng
thống vào tháng 8 vừa qua.
No comments:
Post a Comment