Sunday, October 12, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 12.10.2014   
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hải Nguyên
Thưa quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Chúng ta phải thành thật và đau lòng để nói với nhau rằng lực lượng công an hiện nay tại Việt Nam đối xử với dân dã man quá, tàn bạo quá. Như báo chí mới loan tin, hôm mồng bốn Tây vừa qua một người dân 51 tuổi ở Quảng Nam đã tự vẫn bằng thuốc trừ sâu rầy sau khi bị nghi oan và bị công an đánh đập, tra tấn.
Thưa quí vị, quí bạn, chúng tôi vẫn tin có những người công an tử tế, dễ thương, nhưng chúng ta phải đau xót thừa nhận rằng công an bạo hành dân, giết dân, làm dân phải chết đã trở thành dịch phổ biến ở Việt Nam. Trong dân chúng đang lan truyền một câu đồng dao thế này: "Bình thường như chết ở công an phường". Chỉ cần xem lại những vụ việc người dân bị chết sau khi tiếp xúc với lực lượng công an đã được báo chí của nhà cầm quyền đưa tin trong vài năm qua chúng ta cũng thấy đó là một sự thật không thể chối bỏ.
Theo một tổng hợp không đầy đủ trên báo nhà nước, từ tháng 08 năm 2010 đến tháng 08 năm 2014 đã có tất cả 67 trường hợp người dân bị chết ngay tại trụ sở làm việc của công an hoặc trong nhà tạm giam của công an, trong đó đã xác định rõ có 14 vụ là do công an giết. Chắc chắn những số liệu này mới chỉ là một phần rất nhỏ của thực tế. Như vậy, lực lượng công an Việt Nam hiện nay đã gần như trở thành một tổ chức bạo hành, một loại kiêu binh bạo tàn.
Vậy, trước thực trạng suy đồi tàn bạo này của lực lượng công an Việt Nam chúng ta có thể làm gì?
Chúng tôi tin rằng đó cũng là trăn trở đau xót khôn nguôi của nhiều quí vị, quí bạn. Sự đau xót ở đây là nhân phẩm và tính mạng của người dân Việt Nam chúng ta ngày càng bị coi thường, đe dọa một cách tàn bạo không phải do một lực lượng xa lạ nào mà lại chính là do những con dân Việt Nam của chúng ta đang khoác bộ cảnh phục "công an nhân dân" của nhà cầm quyền.
Trước khi nói về cách thức chúng ta có thể đóng góp để làm giảm nạn bạo hành, giết dân của công an Việt Nam, chúng ta cần khẳng định lại với nhau một nguyên tắc nền tảng về pháp luật và quyền con người là: trong bất cứ trường hợp nào, mọi sự bạo hành, tra tấn, thậm chí chỉ là đe dọa sử dụng bạo hành, tra tấn đều là những hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam cũng như vi phạm pháp luật của quốc tế.
Bộ Luật hình sự hiện hành của Việt Nam có Điều 298 và 299 nhằm truy tố những hành vi nhục hình và bức cung với khung hình phạt lên tới 12 năm tù giam. Bộ Luật tố tụng hình sự của Việt Nam cũng có Điều 7 nhằm nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của mọi người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 11 năm 2013 Việt Nam đã chính thức cam kết tham gia và tuân thủ công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc.
Như vậy, chưa nói đến việc xâm phạm thân thể, nếu một người công an chỉ cần có thái độ xúc phạm, nhục mạ người khác tức là người công an đó đã vi phạm pháp luật và hành động đó có thể bị truy tố.
Tuy nhiên, thưa quí vị, quí bạn, chúng ta cũng phải thành thật với nhau rằng tất cả những điều luật, cam kết vừa dẫn của nhà nước độc tài Việt Nam hiện nay, về mặt hình thức là hoàn toàn tốt và đáng hoan nghênh, nhưng trên thực tế chúng gần như không có một hiệu lực hay giá trị gì cả. Bởi có một qui luật rất đơn giản mà ai ai cũng biết là không thể nào có công bằng, công lý nếu một kẻ vừa đá banh lại vừa được cầm còi. Vì vậy chừng nào chế độ độc đảng còn tồn tại thì nạn công an bạo hành dân còn hoành hành.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta đành bất lực, không thể làm gì trước hành xử bất nhân của công an Việt Nam. Ngược lại, chúng ta vẫn có thể làm được nhiều việc hữu ích để giúp ngăn chặn hay làm thuyên giảm sự tàn bạo, dã man của lực lượng công an Việt nam nếu chúng ta nhìn vấn đề ở góc độ rộng hơn và lâu dài hơn.
Có thể hành động của chúng ta ngay tức thì chưa mang lại kết quả rõ ràng và chưa thể ngăn chặn được ngay vấn nạn nhưng về sức mạnh tích lũy, lan tỏa thì mỗi một hành động nhỏ bé của chúng ta đều có một giá trị để nhắm đến mục đích cuối cùng là chấm dứt nạn bạo hành phổ biến của công an Việt Nam.
Thưa quí vị, quí bạn, nếu cùng suy nghĩ như vậy mỗi chúng ta chắc chắn sẽ tự nghĩ ra rất nhiều việc vừa hữu ích vừa dễ làm. Ví dụ, khi đi trên đường phố mà gặp cảnh công an hống hách, xúc xiểm người dân, nếu như chúng ta chưa dám phản đối viên công an đó thì chúng ta chỉ cần đứng lại hỏi thăm, chia sẻ, bày tỏ sự ủng hộ, bảo vệ người dân thì đó đã là một việc hữu ích. Hoặc mỗi khi công an khu vực đến thăm, chúng ta chia sẻ những thông tin về bạo hành và bày tỏ sự bất ưng hoặc phẫn nộ thì cũng là một hành động giá trị. Hoặc mạnh mẽ hơn nữa, quí vị, quí bạn có thể chia sẻ, giúp đỡ giới hoạt động xã hội dân sự hoặc các nhà đấu tranh dân chủ, tức những người có những hoạt động nhằm xây dựng một xã hội tự do và một chính thể dân chủ đa đảng – vì đây mới là giải pháp cơ bản nhất, tốt nhất để kiểm soát, ngăn chặn nạn hành dân, giết dân của công an Việt Nam.
Và cứ nỗ lực như thế, chắc chắn đất nước sẽ có một thể chế chính trị dân chủ, văn minh, cũng có nghĩa công an không còn là kẻ thù của dân nữa.
Hải Nguyên và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị.
Tiến Văn
12/10/2014

No comments:

Post a Comment