Việt Nam Tuần Qua là tiết mục điểm
lại những sự kiện nổi bật trong tuần tại Việt Nam. Sau đây là buổi hội
luận giữa Đặc Phái Viên Hoàng Ân và Phóng Viên Trường An. Mời quý thính
giả cùng theo dõi
ĐPV Hoàng Ân: Trước hết HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
PV Trường An: TA xin kính chào quý thính giả đài DLSN, chào chị HA.
ĐPV Hoàng Ân: Trong tuần qua, bạo quyền VN đã huy
động cả một lực lượng lớn công an, dân phòng để ngăn cản không cho phái
đoàn dân sự trao bản yêu cầu quốc hội bạch hóa các mật ước Thành Đô mà
Việt Nam đã ký với Trung Cộng vào năm 1990 khiến cho dư luận trong nước
ngày càng nghi ngờ nhiều hơn. Xin anh trình bày tóm tắt lại sự kiện này
để gửi đến quý thính giả của đài cùng nghe?
PV Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Sáng ngày 15/10, an ninh 2 đầu Hà Nội và Sài Gòn đã huy động tối đa
lực lượng nhằm ngăn chặn, sách nhiễu những người dự kiến sẽ đến trụ sở
Quốc hội để trao "Yêu cầu Quốc hội bạch hoá Hội nghị Thành Đô".
Đúng như đã dự đoán, việc yêu cầu bạch hóa mật ước Thành Đô 1990 đã
khiến đảng cộng sản hoảng loạn. Nhiều thủ đoạn đã được lực lượng công an
tung ra nhằm trấn áp, triệt hạ quyền được biết của người dân yêu nước.
Tại Hà Nội, một lực lượng lớn gồm cảnh sát 113, dân phòng, an ninh
mật vụ và các Dư luận viên được huy động đông đảo để ngăn cản quyền
chính đáng của công dân: Quyền được biết và quyền thể hiện trách nhiệm
với Đất nước.Thậm chí, lực lượng dư luận viên đã "gây sự" bằng cách chửi
bới, xúc phạm những người đi trao bản yêu cầu bạch hoá Thành Đô. Một số
kẻ xông vào định đánh Blogger Nguyễn Tường Thụy cùng nhiều người khác.
Còn tại Sài Gòn, tình trạng ngăn chặn cũng đã diễn ra gắt gao từ đêm
trước. Sáng sớm thứ Tư, công an đã tập trung dày đặc quanh khu vực đường
Hoàng Văn Thụ. Trụ sở văn phòng quốc hội đã được rào chắn, cổng đóng
kín và không hề có dấu hiệu hoạt động. Bên ngoài, cũng xuất hiện lực
lượng lớn công an và dân phòng.
Theo phong trào Chúng Tôi Muốn Biết thì từ những kinh nghiệm quá khứ,
họ hoàn toàn không ngạc nhiên gì về hành vi của an ninh. Tuy nhiên,
việc trao yêu cầu cho quốc hội vẫn được thông báo và kêu gọi nhiều người
tham gia và xem đây chỉ là bước khởi đầu cho một tiến trình vừa tranh
đấu lâu dài để đòi hỏi quyền được biết, vừa chứng minh cho nhân dân và
thế giới thấy những sai trái của các cơ quan chức năng bằng chính hành
động của họ.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định rằng hành động đàn áp nói trên
chỉ khiến cho dư luận thêm khẳng định sự mờ ám về hội nghị Thành Đô năm
1990 mà ban tuyên giáo trung ương đang cố gắng giải tỏa trong một tài
liệu tuyên truyền gửi đến các chi bộ đảng. Tệ hại hơn nữa, nó càng cho
thấy rõ quốc hội VN không hề là cơ quan đại diện của người dân hay biết
lắng nghe nguyện vọng của người dân.
ĐPV Hoàng Ân: Như anh vừa nhắc đến, việc Ban Tuyên
Giáo Trung ương đang cố gắng giải tỏa những nghi ngờ về Hội Nghị Thành
Đô đến các chi bộ đảng, bằng cách cuống cuồng tung tài liệu về Hội Nghị
Thành Đô để đối phó với phong trào Chúng Tôi Muốn Biết và người dân. Xin
anh nói rõ hơn về sự kiện này để quý thính giả của đài được tường tận
hơn.
PV Trường An: Dạ vâng, sau hơn một tháng im lặng,
nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa chính thức có động thái phản ứng
trước chiến dịch Chúng Tôi Muốn Biết được phát động từ đầu tháng 9 vừa
qua.
Một tập tài liệu về Hội nghị Thành Đô do ban Tuyên giáo Trung ương đã
được biên soạn và phân phát đến các đảng viên, cán bộ trong các cơ sở
đảng. Có thể thấy, sức lan tỏa rộng khắp và áp lực mạnh mẽ của phong
trào đã khiến ban Tuyên giáo Trung ương lo sợ và tìm cách ứng phó. Bắt
đầu từ tháng 10, các cơ quan thuộc đảng cộng sản được lệnh đồng loạt
phân phát đến mọi đảng viên một tập tài liệu có tên 'Cuộc gặp cấp cao
tại Thành Đô năm 1990' do ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.
Được biết các thông tin trong tập tài liệu của ban Tuyên giáo không
có gì mới, chủ yếu lặp lại các luận điệu cũ nhằm tuyên truyền cho chế độ
cộng sản, đồng thời nhằm phản bác lại các thông tin rò rỉ về Hội nghị
Thành Đô được lan mạnh truyền trên mạng interner. Hiện nay công sản VN
đang rất lo lắng về việc này, do đó họ đã cố gắng tuyên truyền chữa cháy
cho những điều bưng bít, sai trái của lãnh đạo đảng trong Hội nghị
Thành Đô đã đổ dầu thêm vào lửa, đã làm cho những nghi vấn của người dân
về Hội nghị có tên "Bán Nước" vào năm 1990 ngày càng gia tăng.
ĐPV Hoàng Ân: Thưa anh, thế còn việc phái đoàn tướng lãnh của VN sang chầu trực Bắc Kinh thì sao?
PV Trường An: Dạ thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Trong khi ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang viếng thăm Âu châu để
tìm kiếm sự ủng hộ thì một phái đoàn tướng lãnh VN lại lên đường sang
Trung Cộng để tăng cường mối quan hệ giữa hai nước Việt – Hoa.
Được biết, chuyến viếng thăm của phái đoàn quân sự VN, cầm đầu bởi bộ
trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh với mục đích nhằm tăng cường quan
hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa quân đội hai bên và bàn thảo về các
biện pháp thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng song phương. Theo giới quan
sát viên nhận định, chuyến đi này cho thấy VN vẫn chọn lựa việc liên
minh với Trung Cộng, bất chấp những nỗ lực tăng cường mới quan hệ với Mỹ
của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh vào tháng trước, hay sự vận động của
ông Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến viếng thăm Âu châu tuần này.
ĐPV Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế. Chỉ
hai tuần sau khi Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng thú nhận là khó chống
tệ nạn tham nhũng, thì ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng không thể
trả lời cử tri là đến khi nào thì mới "đẩy lùi" được quốc nạn này. Xin
anh nói lại rõ hơn về sự kiện này?
PV Trường An: Theo tôi được biết. Phát biểu trong
buổi gặp gỡ cử tri ở Sài Gòn, ông Sang tuyên bố rằng, sự phẫn nộ của
người dân trước tệ nạn tham nhũng là chính đáng vì những vụ điều tra
tham nhũng cho thấy là các vụ sau đều lớn hơn các vụ trước, trong khi VN
có một rừng luật về bài trừ tham nhũng, với hàng chục ban bệ từ trung
ương đến địa phương.
Tuy nhiên khác với thái độ lên mặt dạy dỗ cử tri là phải khôn ngoan
hay "đánh chuột phải giữ bình" của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trương Tấn
Sang tuyên bố là các nỗ lực chống tham nhũng trong thời gian qua là chưa
đạt yêu cầu và thẳng thắn nói rằng là ông "chưa dám trả lời là khi nào
thì đạt được yêu cầu". Ngoài ra ông Sang cũng cho rằng việc giới quan
chức né tránh, không giải quyết các khiếu nại của dân chúng là hành động
sai trái. Tuy nhiên một sự thật dân chúng ai cũng biết nhưng cả ông
Sang, ông Trọng cố tình không biết đó là làm sao chống tham nhũng thành
công khi các quan chức đều là trùm tham nhũng.
ĐPV Hoàng Ân: Trong một diễn biến khác, vào ngày hôm
qua 18/10, nhà cầm quyền VN đã chính thức phải nói lời xin lỗi chính
phủ Nhật về những phát biểu sai lệch của ông Thứ trưởng Bộ Giao thông
Vận tải về việc chính phủ Nhật cho VN vay tiền xây sân bay Long Thành.
Anh có ghi nhận như thế nào về sự kiện này?
PV Trường An: Được biết vào ngày hôm qua 18/10, Thứ
trưởng Bộ giao thông Vận tải Việt Nam ông Phạm Quý Tiêu đã gửi thư xin
lỗi đến Đại sứ quán Nhật Bản sau khi Tokyo bác thông tin cho Hà Nội vay
vốn xây sân bay Long Thành.Theo đó, trong thư gửi đến Đại sứ Nhật Bản
Fudaka Hiroshi, ông Phạm Quý Tiêu nói ông đã "có nhầm lẫn khi đưa ra
thông tin" về khoản vay 2 tỷ Mỹ kim.
Trước đó hôm 17/10, phát biểu với giới báo chí ông Phạm Quý Tiêu cho
biết, Nhật Bản đã cam kết cho Việt Nam vay 2 tỷ Mỹ kim để xây dựng dự án
này.
Được biết, dự án sân bay Long Thành, với tổng vốn đầu tư khoảng 18 tỷ
Mỹ kim, đang gây nhiều tranh cãi trong nước trong bối cảnh nợ công của
Việt Nam đang ngày càng cao. Được biết giai đoạn một của dự án có tổng
chi phí là 7,8 tỷ Mỹ kim, trong đó 50% vốn ODA và trái phiếu chính phủ,
50% còn lại là các nguồn vốn khác.
ĐPV Hoàng Ân: Cám ơn anh PV Trường An đã chia sẻ các
tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm
biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment