Thứ Hai, ngày 20.10.2014
Trong bối cảnh thế giới rộng
mở hôm nay thì tiến trình lịch sử của một quốc gia tùy thuộc
chặt chẽ vào tiến trình lịch sử của toàn cầu, vì vậy nếu
những kẻ cầm quyền u mê không nhìn thấy được điều này thì họ
chỉ gánh lấy hậu quả đau thương mà thôi. Để tiếp nối chương trình
hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo
dõi bài viết:" Hồng Kông chỉ là phần đầu của một dây cháy chậm" của
Nguyễn Trần Sâm qua sự trình bày của Nguyên Khải.
Khi Đặng Tiểu Bình và giới cầm quyền Trung cộng đón nhận Hồng Kông
(HK) về với đất nước này, hiển nhiên họ có tính đến những mặt lợi và hại
của việc đó.
Theo hiệp ước mà triều đình Mãn Thanh ký với chính quyền Anh vào năm
1898, HK được trả về cho TQ vào năm 1997. Tuy nhiên, nếu không muốn tiếp
nhận, chính quyền TQ có thể không đàm phán lại với Anh về việc này và
mặc kệ cho Anh làm gì thì làm với khu vực này, kể cả để mặc cho nó tồn
tại như một thể chế hoàn toàn độc lập.
Tất nhiên, đó chỉ là về lý thuyết. Trên thực tế, HK đối với TQ là
một miếng mồi quá béo bở đến mức không thể nào bỏ qua. Ngay từ khi nó
vẫn là thuộc địa Anh, nhà cầm quyền TQ đã thu được những nguồn lợi
đáng kể từ việc giao thương với thế giới bên ngoài qua cửa ngõ này.
(Ngay cả chính quyền Việt Nam, trong khi chưa biết gì đến khái niệm thị
trường, cũng đã có một "thương vụ quán" ở HK để kiếm lợi qua những vụ
"đánh quả" ở đó.) Tập đoàn Đặng Tiểu Bình thừa hiểu rằng HK sẽ tiếp tục
đem lại cho họ những nguồn lợi đáng kể, có thể không chiếm hàng chục
phần trăm trong GDP của TQ, nhưng rất quan trọng đối với quyền lợi của
giới cầm quyền.
Mặt khác, việc tiếp nhận HK trở lại chứa đựng những nguy cơ tiềm tàng
đối với chế độ độc đảng ở TQ. Nước này chỉ có thể được lợi từ HK, nếu
nó tiếp tục là trung tâm thương mại và tài chính lớn của thế giới. Nhưng
muốn như vậy, chính quyền TQ buộc phải để nó tồn tại theo một quy chế
riêng, khác xa so với "đại lục". Nói đơn giản là chính quyền Bắc Kinh
không thể can thiệp thô bạo vào hoạt động thương mại và đời sống chính
trị ở đây. HK phải được tồn tại trong chế độ đa đảng và người dân phải
có những quyền tự do giống như ở các nước tư bản, cho dù trong đàm phán,
phía Anh có nêu ra những yêu cầu đó hay không. (Nếu những điều kiện đó
không đem lại lợi ích nào cho giới cầm quyền Bắc Kinh thì họ không bao
giờ thực hiện.) Chính vì lẽ đó, Đặng Tiểu Bình đã phải chấp nhận thực tế
"nhất quốc lưỡng chế".
Đương nhiên, Đặng phải nghĩ đến các sách lược đối phó để không cho
chế độ ở HK lan sang "đại lục" hoặc dần dần vô hiệu hóa hoặc làm giảm
vai trò của HK. Để thực hiện ý định thứ hai, ông ta cho xây dựng đặc
khu Thẩm Quyến để thay thế dần HK. Còn để ngăn chặn các ảnh hưởng của
chế độ HK đối với đại lục, chắc là bạo quyền chưa thể có một hệ thống
các biện pháp đáng tin cậy ngay từ đầu nhưng họ hy vọng với truyền thống
đầy mưu ma chước quỷ, họ sẽ tìm ra cách thích hợp để "cải hóa" HK theo ý
họ.
Chiêu bài "nhất quốc lưỡng chế" cũng được họ dùng để ve vãn Đài Bắc
với hy vọng đến lúc nào đó chính quyền Đài Bắc sẽ chấp thuận "về" với
đại lục.
Tuy nhiên, những người tin vào tính quy luật của tiến trình lịch sử
thì cho rằng: Dù chính quyền Trung Nam Hải có ma mãnh bao nhiêu đi nữa,
họ cũng chỉ có thể làm chậm, chứ không thể nào chặn đứng được làn sóng
dân chủ hóa tràn tới đại lục từ HK. Chế độ "khác" (dân chủ đa đảng) ở
nước khác có thể ít tác động được tới tâm trí người dân Tầu, nhưng cái
chế độ khác này, một khi tồn tại ngay trong lòng đất nước Trung Hoa
thì lại là một chuyện khác. Cũng là người dân Tầu, cùng sống trong
một quốc gia do đảng CSTQ cai quản, mà nhóm người này được hưởng tự do
dưới chế độ dân chủ đa đảng, nhóm người khác lại không được hưởng những
thứ đó. Người dân Hoa lục sẽ so sánh, sẽ nhận ra rằng cái đảng đang nắm
yết hầu của họ thực ra vẫn chấp nhận được chế độ khác, miễn là nó đem
lại quyền lợi. Như vậy, việc cai quản họ bằng bàn tay sắt chẳng qua cũng
chỉ vì vấn đề quyền lợi của các cá nhân trong tập đoàn cầm quyền mà
thôi. Họ sẽ tự hỏi: Phải chăng họ là loại người thấp kém hơn dân HK? Và
câu hỏi đó sẽ thôi thúc những người có ý thức làm người, lan truyền
trong cộng đồng, tạo ra những xung lực cho cuộc đấu tranh vì quyền sống,
quyền được làm người. Đặc biệt, những đợt sóng đấu tranh vì quyền dân
chủ của dân HK sẽ đem đến cho dân đại lục những bài học quý giá. Tôi
nghĩ, chỉ riêng câu nói được truyền tụng trong những ngày này ở HK: "Họ
không thể giết hết chúng ta!" cũng đã lay động hàng triệu con tim dân
đại lục và kể cả Việt Nam, đem lại niềm tin cho những người khát khao
tự do, dân chủ.
Trong những ngày sắp tới, phong trào dân chủ ở HK có thể gặp phải
những khó khăn đáng kể. Nhưng, trong bối cảnh thế giới hiện nay, chúng
ta tin rằng sự nghiệp của những người đòi dân chủ ở HK sẽ thắng lợi
trong tương lai gần và sẽ là khởi đầu cho một phong trào mạnh mẽ ở cả
những nơi khác nữa.
Hồng Kông giống như khúc đầu của một dây cháy chậm đã được châm lửa nối tới một quả mìn có sức công phá rất lớn
Nguyễn Trần Sâm
No comments:
Post a Comment