Thứ Tư, ngày 22.10.2014
Xã hội con người luôn được cấu tạo
hợp thành bởi nhiều loại người. Nhưng khi đất nước lâm vào cảnh nhiễu
nhương thì hạng người"giá áo túi cơm", ăn hại đái nát", "thùng rỗng kêu
to" lại có cơ hội ngồi trên đầu cổ thiên hạ. Trong tiết mục Chuyện Nước
Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa
đề: " Trí thức loại 3 " của Nhà thơ Thạch Quỳ sẽ được Tâm Anh trình bày
để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Ngày nhỏ, mẹ tôi bảo rằng, khi nghe người ta nói vào tai mình là "Tru
đẻ ra Bò" thì các con cũng cứ kệ họ, đừng cãi lại! Nhưng bố tôi không
nói thế, bố tôi bảo: không phải chỉ có một cách "kệ họ" mà có đến 3 cách
xử sự việc này: Thứ nhất phản đối, cương quyết không chấp nhận cái vô
lý, cái gian dối, giả trá như vậy! Thứ hai là im lặng "kệ họ", như mẹ
con nói, giữ mình, tránh nguy hiểm. Cuối cùng là hùa theo sự gian trá đó
để kiếm lợi!
Nếu xử theo cách thứ nhất, phản đối, chống lại, rất dễ bị vào tù. Tuy
nhiên, đó là những người chính trực, rất đáng được xã hội tôn kính. Cư
xử theo cách thứ ba thì dễ được làm quan! Có thể giàu to, tương lai béo
ụ. Quan lại thường ít lương tâm, không yêu quý và không tôn trọng lẽ
phải, vì họ, ngay từ đầu, đã lựa chọn cách xử sự như vậy! Mục tiêu của
cách thứ ba là cái lợi. Đó là tương quan giữa "bả vinh hoa và những gã
công khanh". Còn những người xử việc theo cách thứ hai thì làm dân
thường, có lương tâm và có hiểu biết.
Người đời có ba cách xử việc như vậy, dùng cách nào thì "Nhân tâm tùy
mạng mỡ"! Bố tôi bảo: các con cứ "liệu cơm mà gắp mắm"! Bố cũng không
"ấn định" được việc này! Hay, dở, khôn, dại, đáng khinh, đáng trọng ở
cái đời này cũng từ đó mà bàn luận ra cả! Có đôi lúc tôi nghĩ rằng, nhà
trường XHCN của VN, nếu có thể, cũng rất nên nói cho thanh niên biết về
việc này, như bố tôi ngày xưa đã nói với tôi như vậy! "Có 3 cách cư xử:
Nhân tâm tùy mạng mỡ, tự mình hãy chọn lấy một cách"! Nếu tuổi trẻ sớm
hiểu việc đó thì sau này không phải bận tâm và chẳng đáng để phải than
phiền rằng khi vào đời do thiếu hiểu biết nên ta đã bị nhầm lẫn! Mỗi
người, trước hay sau, đều phải đối mặt với sự kiện "Tru đẻ ra Bò". Đó là
điều chắc chắn!
Ba cách xử sự trên với câu nói đó sẽ tạo nên ba loại người, ta tạm
gọi là loại một, loại hai và loại ba. Nước nào lắm người loại một thì
nước đó thịnh vượng, sáng sủa, trọng lẽ phải, thuận nhân tâm, các phương
diện kinh tế, văn hóa đều phát triển, đất nước tiến bộ văn minh. Nước
nào lắm hạng người loại ba hùa theo cái xấu, cái gian trá để kiếm lợi
thì tất nhiên nước đó thiếu cương thường đạo lý, ưa dùng cường quyền,
dùng luật rừng để chém, giết, hiếp đáp lẫn nhau, đưa xã hội về thời hồng
hoang, trung cổ, dã man và hỗn loạn. Trí thức loại hai là bộ phận trung
dung. Xã hội tốt đẹp thì bộ phận này sẽ công khai nghiêng về phía tôn
trọng lẽ phải, hậu thuẫn cho lẽ phải. Xã hội tối tăm, man rợ thì bộ phận
này dần dà cũng biến chất, tự thủ tiêu, buông xuôi, xa rời đạo lý,
chiều theo thời cuộc để kiếm sống, kiếm lợi. "Cái lợi là trên hết!". Đó
là khẩu hiệu có thể làm tha hóa cả một thời đại!
Vẫn biết sự đời phức tạp, lòng người uẩn khúc khó dò, nhưng riêng một
cách cư xử khi nghe người ta nói "Tru đẻ ra Bò" cũng đã phân loại ra
được ba loại người khác nhau mà không đến nỗi quá ư nhầm lẫn!
Nếu hệ truyền thông, giáo dục, cũng như một phần nào đó của văn học
nghệ thuật vẫn cứ nhăm nhăm tuyên truyền, ca ngợi, đề cao trí thức loại
ba thì rất khó nói đến chuyện "cải cách", "toàn diện", triệt để". Thật
ra, chính các việc gọi là " cải cách", " đổi mới" đó vẫn nằm trong phạm
vi câu chuyện "Tru đẻ ra Bò", đòi hỏi chúng ta phải tìm cách mà xử sự!
Tuy nhiên, các "nhà quan lại" không bao giờ nhận mình là trí thức
loại ba. Họ luôn coi mình là người khôn ngoan, thức thời, nhạy bén, khéo
vận dụng thời cuộc. "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Tôi cho rằng
trí thức loại ba hết sức tự hào về chính mình, giai cấp mình, đồng
liêu, đồng ngũ của mình! Tự hào lắm chớ! Thành quả của trí thức loại ba
cho cá nhân mình, gia đình mình là rất lớn lao, rõ ràng! Thanh nên VN
mặc áo xanh tình nguyện, hô vang các khẩu hiệu, lấy gương sáng của các
quan lại, các trí thức loại ba hiện hành làm hình mẫu của lý tưởng để
"phấn đấu" vươn tới! Không chỉ hiện tại, tương lai đât nước của chúng ta
cũng rất chi là sáng giá, sáng ngời, rất chi là đầy hy vọng!
Nhiệm vụ của Giáo dục, của truyền thông càng cần phải tăng cường hơn
nữa để đề cao, để ngợi ca trí thức loại ba là tinh hoa đất nước, là
"nguyên khí quốc gia" vì họ rất chi là "Đức",là "Tài" xuất sắc "toàn
diện" hiện nay!
Nhà thơ Thạch Quỳ
No comments:
Post a Comment