Thứ Bảy, ngày 04.10.2014
Kính thưa quý thính giả, lịch sử
thời cận đại ghi nhận, một người sáng lập và lãnh đạo Đại Việt Quốc Dân
Đảng, đồng thời cũng là người khai sáng ra chủ thuyết “Dân Tộc Sinh Tồn”
làm kim chỉ nam cho công cuộc tranh đấu chống thực dân và cộng sản. Cho
đến nay nhiều người vẫn nhớ mãi hình ảnh người lãnh tụ - tượng trưng
cho tinh thần đối kháng giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ thuyết cộng sản
tại Việt Nam, trong những năm tháng quyết liệt từ sau ngày Việt Minh
cướp chính quyền tại Hà Nội vào mùa thu năm 1945 - cùng với câu nói đầy
ưu tư nổi tiếng: “Đoàn kết khó lắm, nhưng không có đoàn kết thì khó lòng
đánh lại Cộng Sản”. Trong tiết mục “Danh Nhân Nước Việt” tối nay, chúng
tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Đảng Trưởng Trương Tử Anh” của Việt
Thái, qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh
tối hôm nay
Trương Tử Anh là người sáng lập và lãnh đạo Đại Việt Quốc Dân Đảng
trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến năm 1946. Ông cũng là một trong
những lãnh tụ của Mặt trận Quốc Dân Đảng Việt Nam từ khi thành lập đến
khi tan rã.
Trương Tử Anh, tên lúc sơ sinh là Trương Khán, còn có bí danh là
Phương, thường được gọi là Anh Cả Phương. Ông sinh năm Giáp Dần 1914, là
con lớn trong một gia đình có 10 người con. Thân phụ là ông Trương Bội
Hoàng, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Miêng. Chánh quán ở thôn Mỹ Thạnh, xã
Hòa Phong, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Chịu ảnh hưởng của truyền thống gia đình, Ông tham gia hoạt động cách
mạng từ lúc còn niên thiếu. Năm 1934, Ông ra Hà Nội tiếp tục việc học
và cũng để nghiên cứu thêm về các triết thuyết và các chủ nghĩa chính
trị. Trong các tiểu luận viết từ năm 1935, Ông khẳng định: "Những triết
thuyết, những chủ nghĩa chính trị đương thời đều không thích hợp với dân
tộc Việt Nam và đều có sai lầm".
Ngày 10/12/1938, Ông công bố một hệ thống tư tưởng về triết học và
chính trị, đó là chủ thuyết "Dân Tộc Sinh Tồn". Năm 1939, Ông công bố
bản Tuyên Ngôn thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng và được toàn thể các
sáng lập viên suy cử làm Đảng trưởng.
Đại Việt Quốc Dân Đảng chọn Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của ông làm
nền tảng lý thuyết cho cuộc đấu tranh cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của
Ông, chỉ trong thời gian ngắn, Đại Việt Quốc Dân Đảng đã xây dựng các cơ
sở ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam kể cả tại Miên và Lào. Trong thời
gian này, Ông bị nhà cầm quyền thực dân Pháp bắt giữ 2 lần, nhưng trong
lần thứ hai, Ông được lực lượng của Đại Việt Quốc Dân Đảng giải cứu.
Năm 1944, Ông phái 2 đảng viên cao cấp phối hợp cùng các lãnh tụ Đại
Việt Quốc Xã là Nguyễn Xuân Tiếu, Đại Việt Duy Dân là Lý Đông A và Đại
Việt Dân Chính là Nguyễn Tường Tam thành lập một mặt trận lấy tên là Đại
Việt Quốc Gia Liên Minh.
Tháng 10 năm 1944, Ông củng cố chiến khu Kép tại Bắc Giang, thành lập
thêm chiến khu và trường võ bị Lạc Triệu, nằm giữa hai tỉnh Bắc Ninh và
Hải Dương.
Tháng 9 năm 1945, Ông đưa ra kế hoạch 4 điểm nhằm chống lại sự gian
trá của Việt Minh trong việc bầu cử quốc hội và thành lập chính phủ liên
hiệp:
1. Phát động phong trào toàn dân bất hợp tác với Việt Minh.
2. Tách rời vua Bảo Đại ra khỏi Việt Minh và vô hiệu hóa quốc hội bù nhìn của cộng sản.
3. Thành lập một trung tâm chính trị hải ngoại để yểm trợ cho cuộc chiến đấu chống Thực Dân và Cộng Sản tại quốc nội.
4. Củng cố các chiến khu, tăng cường về quân sự và mở rộng địa bàn hoạt động.
Tháng 10 năm 1945, Ông kết hợp các đoàn thể cách mạng quốc gia thành
lập Mặt Trận Quốc Dân Đảng. Ông được bầu giữ chức vụ Chủ tịch, lãnh tụ
Vũ Hồng Khanh giữ chức Tổng thư ký, lãnh tụ Nguyễn Tường Tam giữ chức vụ
Bí thư. Cùng thời gian này, Ông phái ông Nguyễn Tôn Hoàn trở về Nam với
nhiệm vụ tách rời các lực lượng quốc gia ra khỏi Mặt Trận Việt Minh.
Tháng 12 năm 1945, Ông thành lập trường Lục Quân Yên Bái, chiến khu
Di Linh ở Thanh Hóa và quy tụ các lực lượng quân sự của các đảng phái
quốc gia chống Cộng để thành lập quân đội Mặt Trận Quốc Dân Đảng. Sau
khi gửi phái đoàn ra hải ngoại để thành lập trung tâm chính trị hải
ngoại, Ông vẫn ở lại và bí mật hoạt động tại Hà Nội, điều khiển các cơ
sở Đảng chiến đấu chống Cộng Sản và Thực Dân, cho đến khi quân đội Pháp
tấn công Hà Nội. Ông bị bắt cóc vào ngày 19/12/1946 và sau đó bị Cộng
Sản thủ tiêu.
* * *
Trương Tử Anh là một thủ lãnh trẻ tuổi của một đảng phái có tầm vóc
lớn, với chủ trương vận dụng sức mạnh của dân tộc và đạo sống Việt để
cứu nước, thay vì dựa vào các chủ thuyết ngoại lai và sức mạnh của ngoại
bang, Ông cũng là một trong những nhà cách mạng đầu tiên nhận thức được
các hiểm họa của chủ nghĩa Cộng sản đối với xã hội và đất nước.
Thực tế hiện nay cho thấy là vị thủ lãnh Đại Việt Quốc Dân Đảng ngay
từ đầu đã có những nhận định rất đúng đắn, vì thế trở thành một đối
tượng mà người Cộng sản phải tiêu diệt bằng mọi giá, trong khi miệng
luôn ra rả hô hào đoàn kết để chống Pháp.
Thế nhưng, cái tên Trương Tử Anh vẫn mãi mãi được ngưỡng mộ trong
lòng những người từng mang lý tưởng đấu tranh chống Pháp và chống cả
Cộng sản. Lịch sử VN đã ghi thêm cái tên Trương Tử Anh vào danh sách
những nhà trí thức lớn đã cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng khôi phục
lại nền độc lập cho nước nhà, nhưng cuối cùng lại bị chính những kẻ tự
xưng là "cách mạng" giết hại chỉ vì không chấp nhận chủ thuyết Cộng sản,
một chủ thuyết "phản dân hại nước"!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment