Thứ Sáu ngày 27.09.2013
Cho tới thời điểm này vẫn còn có
người muốn gia nhập lực lượng công an tay sai cho chế độ CSVN vì họ muốn
kiếm thật nhiều tiền qua quyền lực bắt nạt, hành hạ, giết chóc, đe dọa
tính mạng dân chúng …”. Trong chuyên mục "Lá Thư Tuổi Trẻ" do Phùng Kiên
phụ trách tuần này, chúng tôi mời quý thính giả nghe Mỹ Linh trình bày
thư của Trần Đông Anh – “Gửi Đến Những Người Bạn Thời Trung Học, Hiện Là
Sinh Viên Học Viện An Ninh Thủ Đức, Sài Gòn” để tiếp nối chương trình
tối nay
Gửi những người bạn thân thương!
Trong lúc mình tranh thủ làm thật nhanh các công việc rửa chén, lau
bàn, dọn dẹp nhà hàng để trở về ký túc xá ngồi viết thư này, có lẽ các
bạn đã ngon giấc. Vì ở học viện an ninh, các bạn được sống trong một môi
trường tương đối khép kín, bí mật và kỉ luật, việc ăn, ngủ, học hành và
đi chơi đều phải theo qui định. Thậm chí các giáo trình sau khi ghi
chép ở lớp, phải mang về bỏ vào ngăn kéo cá nhân, việc lấy nó ra để học
phải đặt dưới sự giám sát của ban quản lý học viện. Trong khi các bạn
vẫn tin tưởng vào con đường đã chọn, tin tưởng vào chủ nghĩa Mác – Lê
thì thế giới đã lên đường.
Mình biết khi nói thế, sẽ động chạm đến nhau, đặc biệt là chúng ta đã
từng có những trận cãi cọ nảy lửa trong giờ giáo dục công dân khi các
bạn và thầy giáo đều xếp Mác vào diện siêu vĩ nhân, ngang hàng với Đức
Phật và Đức Chúa. Mình thì cương quyết không chấp nhận điều này, vì giữa
các vị này hoàn toàn khác nhau, là hai thái cực đối lập. Nếu như Đức
Phật và Đức Chúa đã cống hiến cuộc đời của mình cho chân lý, giúp cho
nhân loại này sống tốt đẹp, tử tế với nhau và khơi dậy lòng yêu thương,
thì Mác đã mang đến đau khổ cho loài người vì nạn độc tài, tham nhũng và
khuynh loát của các đệ tử ông ta.
Chúng ta cũng từng ngồi trò chuyện với nhau một cách thân tình, chí
thiết và đưa ra kết luận rằng sở dĩ con người có tương lai khác lạ so
với loài vật vì con người luôn đối diện với nỗi lo. Nỗi lo giống như một
vết mực của tiền kiếp còn sót lại trong vô thức. Nỗi lo về tương lai
bản thân, nỗi lo mang tính tương quan cộng đồng và nỗi lo về viễn tượng
thế giới.
Chúng ta cũng từng đồng ý với nhau rằng nỗi lo hàm chứa mọi yếu tính
con người, nó là tam giác đều trong một thế giới hoàn thiện, dù muốn hay
không muốn. Vì sao nó phải là tam giác đều, vì nếu như bạn chỉ dành
thời gian và cuộc đời để lo cho tương lai bản thân, bỏ qua hai khía cạnh
cộng đồng và viễn tượng thế giới, bạn sẽ rơi vào tình trạng ích kỉ và
bị giới hạn tầm nhìn. Ngay trong cả vấn đề lựa chọn nghề nghiệp hoặc lý
tưởng hành động, bạn cũng chỉ chọn những gì có lợi trước mắt, cho bản
thân của bạn, điều này sẽ dẫn đến hệ quả là vật dục càng đến nhiều, bạn
càng thấy thỏa mãn để rồi đến một lúc nào đó, bạn nghiễm nhiên hành động
như những kẻ độc tài, tàn ác, chỉ cần biết có lợi cho bản thân, sẵn
sàng giẫm lên nỗi đau và số phận đồng loại.
Trong trường hợp khác, nếu bạn chỉ nghĩ về viễn tượng thế giới mà
không nghĩ về bản thân cũng như cộng đồng, bạn sẽ thành một người điên.
Và, khi bạn chỉ biết nghĩ cho cộng đồng nhưng không nghĩ cho tương lai
bản thân và không hình dung được một viễn tượng thế giới, bạn sẽ là
người thiển cận, hoang tưởng. Cuối cùng, dù muốn hay không muốn, bạn bắt
buộc phải có một nỗi lo tổng quan, vì chính nỗi lo tổng quan của mỗi cá
nhân, mỗi tế bào xã hội sẽ mang đến một cơ thể xã hội tròn trịa được
cộng hưởng từ những cái nhìn tổng quan, tam giác đều tư tưởng, không bị
lệch lạc, méo mó...
Các bạn ơi, các bạn có nhìn thấy điều này không? Mình biết, phần lớn
những sinh viên chọn vào trường an ninh đều mang lý tưởng trong veo rằng
sau này khi tốt nghiệp, sẽ làm một nhân viên công lực bảo vệ nhân dân,
ngăn chặn cái ác, bảo vệ kẻ yếu... Không khác đâu! Hầu như cái tuổi đôi
mươi đầy mộng đẹp và lý tưởng cao vời của chúng mình đều như thế, chỉ có
quá trình rèn giũa và nhồi sọ của mái trường xã hội chủ nghĩa đã đẩy
mỗi con người, mỗi số phận về một phía, để rồi càng lúc càng lún sâu vào
những thứ mà nhà nước này đã cố tình cài đặt vào não trạng chúng ta. Lý
tưởng và mộng đẹp của chúng ta bị tiêu tan!
Thay vào đó là thực tế phũ phàng, mai mốt, sau những tháng ngày chật
vật với cơm áo gạo tiền và đèn sách, mình sẽ phải đối diện với nguy cơ
thất nghiệp. Còn các bạn, sau quá trình rèn giũa, học tập, các bạn không
phải thất nghiệp nhưng chắc chắn các bạn sẽ thất vọng vì lý tưởng của
mình ngày xưa đã bị xóa nhòa với thực tại công việc do cấp trên chỉ
định, còn đảng còn mình. Và đến đây, chúng ta đều dễ dàng nhận ra rằng
không riêng gì các bạn – những người phục vụ cho đảng, mà cả mình cùng
những người bạn không liên quan gì đến thể chế Cộng sản cũng thế, hoàn
toàn đánh mất lý tưởng.
Vì chúng ta đều bị chia chung số phận dưới vòm trời độc tài, ở đó
không có cơ hội chia đều cho đồng loại mà cơ hội chỉ dành cho một nhóm
người. Số đông những người còn lại bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo
tiền. Và ngay trong nhóm người hưởng quyền lợi đó, để giữ cơ hội, họ
phải thực hành nghiêm ngặc tôn chỉ đi trái với lương tri nhân loại, đó
là bảo vệ cơ chế độc tài và quyền lực phe nhóm.
Vì sao lại như thế? Vì cơ chế độc tài này đã cho con người một cơ hội
duy nhất, đó là lo sợ cái đói và luôn tìm kiếm một thứ quyền lực hoang
tưởng nào đó. Điều đó cũng đẩy nỗi lo con người về phía vị kỉ, nỗi lo
cộng đồng và viễn tượng thế giới bị triệt tiêu. Mà một thế giới tiến bộ
phải là thế giới rộng mở vòng tay, ở đó nhân loại chìa tay ra để đón
nhận nỗi lo của nhau để đi đến một cuộc sống bình an, hạnh phúc, không
có bóng dáng độc tài, không có ai được phép áp đặt người khác làm theo ý
mình.
Thư đã dài, cầu chúc các bạn ngon giấc, chúng ta mãi là bạn!
Trần Đông Anh.
No comments:
Post a Comment