Chủ Nhật, ngày 29.09.2013
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi
chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với
các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng
máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do
Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Trừ thiên đường ra, còn trên trần thế không thể có một chế độ chính
trị nào có thể gọi là tuyệt hảo làm hài lòng tất cả mọi người. Nhưng vẫn
có những chế độ chính trị có những văn minh, có cách hành xử nhân bản
khiến cho chúng ta mong muốn và có những chế độ chính trị man rợ, thấp
hèn đáng bị lên án, phẫn nộ. Nhưng làm sao để nhận ra sự văn minh hay
man rợ, sự nhân bản hay phi nhân của một chế độ? Đây là một vấn đề không
đơn giản. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy có một cách ít khi lầm, đó là
nhìn vào cách hành xử của kẻ cầm quyền khi bắt giữ người đối lập về
chính trị.
Sau đây mời quí vị, quí bạn theo dõi hai trường hợp bắt tù thuộc hai chế độ khác nhau:
"Ngay tối 19 tháng 3 năm 1950, tại nhà ông bà ngoại tôi ở số 92 đường
Legrand de la Liraye (nay là Điện Biên Phủ), trong khi cha mẹ, chị em
tôi cùng với gia đình đang ăn cơm thì nhiều cảnh sát ập vào nhà đứng
chung quanh bàn ăn. Cha tôi bình tĩnh ăn xong, vào phòng thay quần áo,
rồi đi ra xe cảnh sát đợi sẵn trước cửa nhà. Họ đưa cha tôi về bót
Catinat (nay là trụ sở của Sở Văn hóa Thể thao du lịch Thành phố Hồ Chí
Minh) rồi đem vô giam ở Khám Lớn (nay là khuôn viên Thư viện Khoa học
Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh).
Ngày 28 tháng 3 năm 1950, chúng đưa cha tôi ra tòa. Diễn biến phiên
tòa được hầu hết các báo tường thuật một cách chi tiết. Dưới đây là bài
của báo Tin Điển ngày 28 tháng 3 năm 1950:
'Gần chín giờ rưỡi một chiếc xe cam nhông của Ty Công an Catinat chạy
đến tòa, các thám tử nhảy xuống rầm rộ chia nhau giữ các ngõ ra vô.
Người ta đoán trạng sư Nguyễn Hữu Thọ sắp được giải tòa dự phiên nhóm
nên nhà cầm quyền bố trí lực lượng gìn giữ.
Quả thật, vài phút sau ông Thọ thong thả ra tòa, giữa hai người lính
cảnh sát, mặc sơ mi trắng quần Tây dài sau tám ngày bị giam, ông vào
Tòa, công chúng cũng theo vào trong tòa.' "
Đó là những dòng ghi chép của ông Nguyễn Hữu Châu kể lại tình cảnh
của cha ông là cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị cảnh sát Quốc Gia Sài Gòn,
thuộc chính quyền của Hoàng Đế Bảo Đại năm 1950, bắt giữ vì những hoạt
động xách động quần chúng do Việt Minh chỉ đạo.
17 năm sau ngay trên đất Hà Nội thuộc chính quyền cộng sản của Hồ Chí
Minh cũng xảy ra một trường hợp bắt người, chi tiết được thuật lại như
sau:
"Đó là ngày Chủ nhật 24 tháng 12 năm 1967. Trong hồi tưởng tôi nhớ rõ
mồn một, như trước mắt tôi mọi chuyện được diễn ra một lần nữa...Tôi
đang thong thả đạp xe từ Hàng Trống qua Hàng Bài thì bỗng nghe tiếng
người gọi tên mình. Mải suy nghĩ tôi không nghe thấy ngay, đến khi nghe
thấy thì đã đạp quá mất một quãng. Người gọi tôi dừng xe, khua tay loạn
xạ để tôi nhận ra anh ta. Thấp béo, đầu sùm sụp cát-két dạ trên cái mặt
tròn, trong bộ đồ bảo hộ lao động nhàu nhã, anh ta hớn hở khi thấy tôi
quay mặt về phía mình. Ai thế nhỉ?
Đành phải tạt vào vỉa hè, dừng xe trước một cửa hàng đóng im ỉm trong
những cánh gỗ nham nhở, trước kia là hiệu chuyên doanh đồ sơn mài.
- Gớm, tìm anh gần chết!- anh chàng phanh xe lại ngay trước mặt tôi,
cười tít, người chúi về phía trước, hai mắt chỉ còn là hai đường chỉ -
Anh về ngay cơ quan, thủ trưởng đang đợi anh. Nhanh lên, để kịp tiếp
khách! Em qua nhà, chị nói anh vừa đi, em phóng theo ngay, nhưng không
kịp...
- Anh về trước đi! – tôi càu nhàu – tôi qua nhà một lát thay quần áo cái đã.
Tôi còn lưỡng lự, thì anh chàng đã trườn về phía xe tôi.
- Anh về làm gì?! – y nắm chặt ghi-đông xe tôi – Xe đến rồi kìa!
Một chiếc xe Com-măng-ca Liên-xô phanh két bên cạnh tôi. Cửa xe bung
ra. Hai thanh niên đen nhẻm phóng xuống. Không nói không rằng chúng kéo
tôi lên xe. Tôi nhìn anh chàng vừa gọi tôi. Bộ mặt nhăn nhở biến mất,
thay vào đó là đôi mắt cá và tiếng cười gằn:
- Lên xe ngay, biết điều đừng chống cự!
Vừa lôi thốc tôi lên xe, tên ngồi bên phải lập tức bẻ quặt tay tôi ra
sau lưng. Bàn tay y cứng như sắt. Một nòng súng lục thúc mạnh vào sườn
tôi bên trái."
Đó là đoạn tự thuật của nhà văn Vũ Thư Hiên. Không những thế, ông Vũ
Thư Hiên còn không bao giờ được giải ra tòa hay được báo chí nhắc tới
trong suốt 09 năm tù sau đó. Xin quí vị, quí bạn lưu ý: Nhà văn Vũ Thư
Hiên chính là con trưởng của cụ Vũ Đình Huỳnh - thư ký riêng của Hồ Chí
Minh và là một người tâm phúc, đã từng cưu mang Hồ Chí Minh và nhiều
đảng viên cộng sản cao cấp trước và sau năm 1945. Cụ Vũ Đình Huỳnh cũng
bị chính quyền Hồ Chí Minh bắt đi tống giam không xét xử, chỉ hai tháng
trước khi xảy ra vụ bắt vừa kể.
Đến đây, chúng ta đều đã nhận ra chế độ nào nhân bản hơn, văn minh
hơn qua hai vụ bắt giữ nói trên. Nhưng tiếc thay cái chế độ lưu manh,
phi nhân và vô ơn kể trên vẫn còn đang tiếp tục thống trị trên đất nước
ta. Đó chính là nỗi đau, nỗi nhục không của riêng ai mà là nỗi nhục, nỗi
đau chung của tất cả chúng ta – những người Việt biết yêu lấy nước,
biết thương lấy nòi.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(29/09/2013)
No comments:
Post a Comment