Monday, September 30, 2013

Giáo Dục Việt Nam đang đi về đâu?

Thứ Hai 30.09.2013   
Đánh giá nền giáo dục của một quốc gia để biết tương lai của quốc gia ấy đang đi về đâu. Trong hoàn cảnh Việt Nam hôm nay, nền giáo dục vẫn đang cố hướng tới mô hình cộng sản chủ nghĩa, một định chế đã lỗi thời lạc hậu. Kính mời quí thính giả nghe quan điểm của LLDTCNTQ về vấn đề hệ trọng này qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Thưa quí vị thính giả.
Cứ vào đầu mùa học mỗi năm, hàng triệu gia đình lại lo lắng cho tương lai con cái trước những khó khăn gặp phải. Phụ huynh, nhất là đại đa số gia đình lao động, nông dân với đồng lương quá thấp, không đủ mua thức ăn, tìm đâu ra tiền để lo cho con ăn học, khi mà chi phí học hành cứ chồng chất lên cao. Ngoài tiền học mỗi năm mỗi tăng, đến các khoản chi phí bất thường và phi lí khác, khiến phụ huynh chóng mặt.

Còn học sinh, sinh viên thay vì vui mừng hớn hở được trở lại trường để gặp thầy cũ, bạn xưa, thì lại phải đối diện với những áp lực tâm lý hết sức vô lý đè năng lên tuổi hoa niên, vì chương trình học, thi cử, luồn lách. Chưa kể đến nỗi khổ khi thấy cha mẹ phải chạy đôn chạy đáo lo cho con mình được bằng những trẻ em khác, đã khiến cho nhiều em chỉ mới 11, 12 tuổi không đành lòng thấy cha mẹ ngheo đói cực khổ, mà bỏ học để phụ giúp việc nhà, việc đồng áng, hay trông em cho cha mẹ đi làm. Tệ hại hơn nữa là bỏ trường, bỏ nhà đi bụi đời kiếm sống, hay bị lạm dụng, và rồi nghiện ngập sa đọa!.
Trên đây là phản ảnh rất trung thực tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay. Vậy nguyên do vì đâu mà sau gần 40 năm thống nhất đất nước, thời gian quá đủ cho một nền giáo dục ổn định và thăng tiến lại không cất bước được? Để tìm câu trả lời cho vấn nạn này, chúng ta cần nhiều thời gian để thảo luận. Vì vậy ở đây chúng tôi chỉ nêu lên một vài nét có tính cách tổng quát, để chúng ta thấy nguyên do bế tắc và trì trệ của nền giáo dục Việt nam, nếu không muốn nói là vô định và phá sản!
Trước hết ái cũng biết rẳng giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng con người hữu ích cho chính cá nhân và cho xã hội. Nhờ giáo dục, con người học được những kỹ năng chuyên môn theo sở trường và khả năng riêng, để có một nghề nghiệp vững chắc lo cho bản than, gia đình và làm thăng tiến xã hội, đóng góp vào việc xây dựng một quốc gia tiến bộ và lành mạnh.
Nhìn vào hệ thống giáo dục của Việt Nam hôm nay, chúng ta không khỏi âu lo trước những vấn nạn mà hầu như ai ai cũng thắc mắc, cũng đặt ra câu hỏi, nhưng những câu hỏi ấy cứ lặp đi lặp lại mãi từ hơn 30 năm qua, mà vẫn chưa có câu trả lời. Hoặc đã có câu trả lời, có giải pháp, nhưng lý thuyết có đó, mà thực hành và thành quả thì không hề ăn khớp với lý thuyết.
Chúng tôi theo dõi tiến trình giáo dục của VN, thấy rằng từ những năm 1981 đã đặt ra vấn đề cải cách giáo dục "CCGD". Từ đó đến nay vẫn liên tục nói đến CCGD, chẳng hạn CCGD lần thứ ba từ 1981 đến 2002 là "triển khai và điều chỉnh". Rồi cứ triển khai, lại điều chỉnh, hết điều chỉnh lại triển khai.... để rồi hôm nay bộ giáo dục ấn định là sau năm 2015 là "vừa triển khai, vừa giảm tải". Khi nghe những cụm từ ấy, những nhà giáo dục có lương tri cũng phải ngao ngán và choáng váng không biết sẽ triển khai đến đâu, điều chỉnh thế nào và giảm tải ra sao?.
Sở dĩ có tình trạng này là vì Việt Nam vẫn quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, hay nói tránh đi cho nhẹ là "chủ nghĩa xã hội". Nghĩa là đảng CS vẫn giữ độc quyền lãnh đạo, nên vẫn phải duy trì độc quyền giáo dục để uốn nắn tạo ra những con người máy trung thành phục vụ cho đảng. Vì nhu cầu kinh tế, và sự sống còn nên CSVN đã có những nhượng bộ để cho các trường tư được mở ra, nhưng những trường này vẫn phải giảng dạy theo khuôn mẩu do đảng CS đề ra.
Cái khuôn mẫu mà đảng CS lập ra để đào tạo uốn nắn người dân đã giam hãm sự phát triển trí tuệ con người, làm cho nền giáo dục tụt hậu, thua sút hầu hết các quốc gia trong vùng, ấy thế mà họ cứ huyênh hoang vỗ ngực rẳng đó là đỉnh cao trí tuệ, là ưu việt không ai sánh kịp.
Để nhìn rõ hơn, chúng tôi nêu ra ba sự kiện cụ thể minh họa cho quan điểm này. Một là bộ giáo dục vừa cho thử nghiệm không đánh giá học sinh lớp mẫu giáo và lớp một bằng cách chấm điểm hay xếp hạng, mà giáo viên chỉ quan sát và nhận định mà thôi. Điều này cho thấy ngành sư phạm đào tạo giáo chức là bất định, nên rất lúng túng trong việc định hình giáo dục cho trẻ em đến trường lần đầu. Theo các nhà tâm lý giáo dục, đây là thời gian vô cùng quan trọng, có tính quyết định cho tương lai cả cuộc đời sau này của đứa trẻ. Nhà nước không thể dùng con trẻ làm thí nghiệm được!
Hai là chương trình môn triết học cho cấp thạc sĩ và tiến sĩ mà trọng điểm vẫn xoáy mạnh, và phải đi đến một kết luận chung cuộc là tính ưu việt của triết học Max-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở vào trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mà người sinh viên vẫn phải nghe những giáo sư vì cơm áo, vì đảng đoàn, không dám trình bày quan điểm thật của mình dựa trên tư duy của một người giáo sư triết học, thì rõ rằng họ đã bị ràng buộc, bị thúc ép làm cho môn triết học ra dị dạng què quặt, và phản bội chính cái môn học đặt nền tảng trên luận lý này.
Thứ ba, cũng chính vì học sinh, sinh viên càng ngày càng chán môn học bắt buốc về đảng CS về Mac-Lenin là vô bổ, nên học cho có, hay không học, nên ngày 15 tháng 7 vừa qua, Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định miễn phí để khuyến khích sinh viên học cái môn mà thế giới văn minh đã vứt vào sọt rác lâu rồi.
Tóm lại chừng nào còn đảng CS độc quyền lãnh đạo đất nước, thì họ vẫn giữ độc quyền giáo dục, và nền giáo dục của Việt Nam vẫn tiếp tục hết triển khai lại đến điều chỉnh, cứ trong cái vòng luẩn quẩn mà không có lối thoát.
Đây là một vấn đề hệ trong cho dân tộc ngay bây giờ và cả ngàn năm sau, vì vậy các nhà giaó dục trong nước cũng như hải ngoại không thể ngôi yên để đảng CS tiếp tục làm hỏng hết thế hệ này sang thế hệ khác được.
Cám ơn quí thính giả đã nghe quan điểm của chúng tôi.
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment