Saturday, September 21, 2013

Thân thế và sự nghiệp của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Thứ Bảy, ngày 21.09.2013
Kính thưa quý thính giả,
Hôm nay Thứ Ba, ngày 24 tháng 9 năm 2013, nhằm ngày 20 tháng 8 năm Quý Tỵ, là ngày giỗ Đức Trần Hưng Đạo, người đã 3 lần anh dũng, liệt oanh phá tan các đạo quân Nguyên - Mông xâm lược, mở thêm trang sử hào hùng sau các triều đại huy hoàng và hiển hách của thời Lê, Lý. Kính mời quý thính giả lắng nghe giọng đọc của Tam Thanh về "Thân thế và sự nghiệp của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn" để tưởng nhớ đến vị anh hùng đã hy sinh xương máu để gìn giữ được mảnh giang sơn gấm vóc cho nòi giống Tiên Rồng.
Đức Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1231, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú, sinh ra tại vùng nay là Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nguyên quán ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ngài còn có tôn hiệu là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Đức Trần Hưng Đạo có biệt tài quân sự, nên trong cả ba lần quân Nguyên - Mông tấn công Đại Việt, ngài đều được vua nhà Trần cử làm tướng soái.
Dưới sự lãnh đạo chỉ huy của ngài, dân quân Đại Việt chiến thắng lẫy lừng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi quân Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi.
Sau khi kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba thành công. Đức Trần Hưng Đạo lui về sống ở Vạn Kiếp. Ngài đã dựa vào địa thế vùng Vạn Kiếp mà Kiếp Bạc là trung tâm để lập phủ đệ và quân doanh làm phòng tuyến chiến lược giữ mặt Đông Bắc của Đại Việt.
Ngày 11-10-1300 (nhằm ngày 20 tháng 8, năm Canh Tý), Đức Trần Hưng Đạo mất. Theo lời dặn, thi hài ngài được hoả táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh, không xây lăng mộ.
Sau khi ngài mất, triều đình phong tặng là Thái sư Thượng Phụ Quốc Công, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Đức Trần Hưng Đạo chẳng những là danh tướng đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược, mà còn là một binh gia đại tài, ngài đã viết bộ Binh thư Yếu lược và Vạn Kiếp bí truyền giao lại cho thế hệ kế thừa. Ngoài ra, với lòng yêu nước và tinh thần bất khuất, ngài còn nổi tiếng với những câu nói bất hủ như:
-Câu trả lời Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông vào cuối năm 1284.
"Bệ hạ chém đầu tôi trước, rồi hãy hàng".
-Trong Hịch tướng sĩ, ngài viết:
"Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài cỏ nội, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm".
Người dân Đại Việt vô cùng thương tiếc người anh hùng dân tộc đã có công bảo vệ lãnh thổ và nền độc lập cho nước nhà, nên đã lập đền thờ ngài trên nền Vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc.
Con dân Việt khắp nơi kính trọng, tôn sùng ngài như bậc thánh, gọi ngài là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ngài khắp nơi trong nước. Ngày lễ giỗ Đức Thánh Trần hàng năm được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch.
Xin kính cẩn nghiêng mình dâng 3 nén hương lên đức Thánh Trần và thế hệ Trần triều anh dũng, để tưởng nhớ đến công đức cao dầy của những anh hùng đã đổ xương máu để gìn giữ cho nước Việt thoát khỏi gông cùm nô lệ của giặc ngoại xâm phương Bắc!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment