Monday, September 9, 2013

Thấy gì qua bản kết luận điều tra vụ án Đinh Nhật Uy

Thứ Hai, ngày 09.09.2013    
Những việc làm rác rưởi, bôi bác mà lại rừng rú của tổ chức công quyền CSVN thì hầu như toàn dân đều biết rõ, nhất là những cái nơi được gọi là cơ quan an ninh điều tra thuộc tỉnh thành, quận, huyện.Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả theo dõi bài viết:" Thấy gì qua bản kết luận điều tra vụ án Đinh Nhật Uy" của Nguyễn Tường Thụy qua sự trình bày của Nguyên Khải
Bản kết luận điều tra của Cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Long An (sau đây gọi tắt là CQĐTLA) số 03/ANĐT ngày 27/8/2013 kết luận Đinh nhật Uy đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính qui định tại điều 258 Bộ luật hình sự và đề nghị truy tố Đinh Nhật Uy về tội danh này.

Trong bản kết luận, CQĐTLA đã dẫn ra những tin rất bình thường mà Đinh Nhật Uy đã đăng lên trang facebook của mình để kết luận Uy đã vi phạm điều 258. Ví dụ, Uy cho rằng cơ quan điều tra đã bỏ mặc không quan tâm đến quyền lợi của gia đình, viết tin xúc phạm đến mấy tập đoàn viễn thông, đăng tin xúc phạm lãnh đạo, đánh giá về năng lực, cách thức điều hành đất nước của lãnh đạo ...
Họ lôi cả những tin Uy bày tỏ tình cảm đối với những người bị công an bắt như "Vững bước nhé những người em thân yêu", in chung hình Phương Uyên, Nguyên Kha với Tạ Phong Tần, Điếu Cày, Võ Minh Trí, Trần Vũ An Bình, kêu gọi hướng về phiên tòa xử Uyên – Kha, kêu gọi trả tự do cho hai em.
Rồi Uy đưa tin về hoạt động dán truyền đơn, lấy hình đại diện mang ý nghĩa bỏ điều 4 hiến pháp, đăng ảnh châm biếm việc góp ý sửa đổi hiến pháp.
Bản kết luận còn nói đến việc Uy trả lời phỏng vấn về phiên tòa sơ thẩm xử Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, trong đó Uy cho rằng mức án hết sức vô lý, cho rằng án trên đưa xuống thế nào thì Hội đồng xét xử phán như vậy.
Về việc án trên đưa xuống (gọi là án bỏ túi) nhiều người đã đề cập, kể cả các thẩm phán kỳ cựu và tôi tin rằng rất nhiều người tin có loại án này. Còn phiên tòa sơ thẩm vụ Uyên – Kha, Uy nhận định là vô lý thì đến nay đã có phiên tòa phúc thẩm chứng minh. Không vô lý tại sao Kha được giảm một nửa án tù, còn Uyên thì cho hưởng án treo?
Thì ra CQĐTLA dùng điều 258 để bắt và truy tố người như thế này đây. Cứ theo bản kết luận điều tra thì có thể nói rất nhiều cá nhân sử dụng mạng đã vi phạm điều 258. Có người còn cho rằng, nếu vì những thông tin như thế mà Uy phải đi tù thì nhiều người đáng đi tù gấp 10 lần.
Facebooker Hồ Ly Tiên giễu cợt:
"Với (điều)258, ai cũng có thể là tù nhân dự bị. Chắc bi chừ có đến trên chục triệu người. Tui thấy bớt cô đơn".
Và với tôi, biết đâu sau khi viết bài này, tôi rất có thể bị bắt vì đã xâm phạm đến lợi ích của cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Long An, nếu như cơ quan cảnh sát điều tra Hà Nội cùng lối tư duy với CQĐTLA. Nếu thế thì biết làm sao, khi thấy trường hợp này, mình không thể không lên tiếng.
Nhưng ngược lại, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp cán bộ, nhân viên Nhà nước, công an hoặc côn đồ đã xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân thì không bị xử lý. Trong những trường hợp này, họ chẳng thèm lợi dụng quyền tự do dân chủ mà họ chà đạp thẳng lên pháp luật, như bắt bớ người biểu tình, bắt nhốt dân oan đi khiếu kiện, đánh đập giáo dân... Nóng bỏng nhất lúc này là nhà Bùi Thị Minh Hằng ở 106 Lê Hồng Phong, Tp Vũng Tàu đã bị bao vây, theo dõi từ ngày 17/8/2013 đến tận bây giờ chưa được giải tỏa mà chiều hướng ngày càng căng thẳng. Nhiều trường hợp dân oan ức đi kiếu kiện năm này qua năm khác vẫn không được xử lý, đơn giản chỉ vì đối tượng gây ra thiệt hại cho họ là người của Nhà nước.
Cứ theo kiểu luận tội của cơ quan điều tra Long An thì tất cả những lời lẽ phê phán, chê bai thậm chí phàn nàn đối với lãnh đạo, lực lượng công an, các tổ chức Nhà nước đều vi phạm điều 258. Họ làm như thế lãnh đạo, lực lượng công an, các tổ chức không bao giờ sai, hoặc có sai không được phản ứng vì việc phản ứng đã xâm phạm lợi ích đến các đối tượng này. Và như vậy, mọi sự bức xúc trước những việc làm dở của mỗi tổ chức, cá nhân đều phải kìm nén, họ chỉ có quyền khen ngợi hoặc im lặng chịu đựng?
Trên thực tế, đã có nhiều ý kiến phản ứng về sự tồn tại của điều 4 trong Hiến pháp, vấn đề sở hữu đất đai, dự án Bauxite, việc công an lộng hành đánh dân, tham nhũng... Một số chủ trương lớn của Nhà nước đã từng bị phản đối, người ta còn tổ chức lấy chữ ký hẳn hoi. So với những sự phản ứng đó thì hành vi của Uy chỉ là con muỗi.
Kỳ lạ hơn, CQĐTLA còn đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, xử lý cả đến 6 chiếc áo có in chữ "Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam", "xóa đường lưỡi bò", "bảo vệ biển đảo Việt nam"... Rồi quyển vở học sinh có bài viết phản ánh việc tiếp nhận, xử lý đơn của cán bộ Tòa án cũng bị đề nghị xem xét xử lý...
Vấn đề HS, TS là của VN, thiết tưởng không còn gì phải bàn. Vậy in dòng chữ thể hiện tinh thần ấy lên áo cũng là một hành vi cấu thành tội phạn ư, thưa cơ quan điều tra Long An?
Việc đề nghị xem xét, xử lý đối với những chiếc áo có in nội dung về biển đảo khiến tôi buộc phải nghi ngờ động cơ của CQĐTLA. Phải chăng, bằng việc này, CQĐTLA đã cố tình khơi dậy sự hoài nghi của nhân dân đối với Đảng CSVN và Nhà nước VN về quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc? Với thái độ hết sức nghiêm túc, tôi đề nghị cơ quan điều tra của Bộ Công an vào cuộc để điều tra về việc này.
CQĐTLA đã đưa ra một bản kết luận nực cười và bôi bác trong vụ án Đinh Nhật Uy. Phải chăng đây là sự nhạo báng nền pháp luật Việt Nam hiện nay?
Khi nghe tin Đinh Nhật Uy bị bắt bởi điều 258, tôi đã tìm đọc trang facebook của Uy, thấy không có gì gọi là vi phạm nhưng chưa biết Uy còn có hành vi gì nữa để bị bắt. Nay, qua kết luận điều tra của CQĐTLA thì hành vi của Uy đã rõ. Những hành vi ấy không thể cấu thành tội phạm. Ngược lại, cần biểu dương Uy về tinh thần yêu nước vì Uy tha thiết với biển đảo của Tổ Quốc là khác.
Điều cần làm thông minh, sáng suốt nhất lúc này là trả tự do cho Đinh Nhật Uy. Xin công luận lên tiếng bảo vệ em.
NGUYỄN TƯỜNG THỤY

No comments:

Post a Comment