Ngày 06.03.2012
Lời dẫn: Càng lúc người dân Việt càng nhìn thấy rõ một điều là giới quan chức cộng sản tỏ ra khinh thường người dân một cách quá mức. Thái độ đó có thể thấy rõ qua những phát biểu của họ trong vụ nổ súng ở Tiên Lãng. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của anh Đà Giang, đề nghị đưa tội "khi dân" vào bộ luật hình sự, qua sự trình bày của chị Vân Khanh.
Trong thiên niên kỷ mới, thế giới có dịp chứng kiến sự trừng phạt khắc khe của dân chúng đối với các thể chế độc tài. Tuy không có bộ luật hình sự nào minh thị quy định, nhưng ai cũng hiểu sở dĩ các chế độ này bị trừng phạt là vì dám khinh thường sự thông minh của người dân. Đó là tội "khi dân" cũng giống như tội "khi quân" thời quân chủ.
Mặc dù các hình thức "khi dân" có khác biệt, nhưng tựu trung đều có chung những đặc tính như: -
1. Công khai cho rằng, sự hiểu biết của dân chúng quá thấp so với các dân tộc văn minh khác, nên chưa xứng đáng hưởng các quyền tự do, dân chủ. Và biện minh nếu người dân có được các quyền này thì họ sẽ không biết tự chế, đưa đến tình trạng hỗn loạn chính trị gây ra nội chiến.
2. Cũng bởi vì trình độ dân trí kém, nên dễ bị các thế lực quá khích ảnh hưởng. Do đó, chính quyền cần phải có một hệ thống công an mật vụ hữu hiệu, để đàn áp và triệt tiêu mọi khuynh hướng chống chính quyền.
3. Chuyên sử dụng xảo ngữ trong các văn kiện pháp luật, nhất là hiến pháp, tạo ra những chiếc bánh vẽ dân chủ, nhưng thật sự hoàn toàn cướp đi các quyền căn bản của con người.
Nhìn lại quá trình cai trị của đảng CSVN, chúng ta nhận thấy tất cả các mánh khóe trên đều được họ sử dụng triệt để, không ngoài mục tiêu là duy trì quyền lực. Nhất là trong giai đoạn gần đây lần lượt các chế độ độc tài trên thế giới bị đào thải.
Để tránh cùng chung số phận, một số thành phần trong nội bộ đảng CSVN đã nhìn thấy nhu cầu cải tổ hiến pháp 1992, hầu khai thông sinh lộ cho chế độ.
Tuy nhiên, tình hình thế giới biến chuyển nhanh hơn CSVN dự tính. Điển hình là chế độ độc tài Libya, một quốc gia mang danh xã hội chủ nghĩa đã bị dân chúng lật đổ. Chế độ quân phiệt Miến Điện mang màu sắc xã hội chủ nghĩa đã thức tỉnh và đang trên đường cải tổ sâu rộng. Hiện nay, thêm một chế độ nữa là Syria cũng mang danh xã hội chủ nghĩa đang bị lung lay tận gốc rễ.
Các diễn biến quốc tế làm cho CSVN "chóng mặt" và vô cùng bối rối. Vấn đề tu chính hiến pháp là một dự án lớn của chế độ, nhưng chưa thấy có bước tiến nào khả thi.
Theo tin mới nhất của Thông Tấn Xã Việt Nam vào ngày 21 tháng 2 vừa qua, thì đây là lần thứ nhì, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chủ tọa phiên họp của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp. Bản tin được viết với lối văn hàm hồ, thùng rỗng kêu to, vô cùng tối nghiã. Tuy nhiên, nếu chịu khó vượt qua một rừng danh từ phức tạp, chúng ta có thể hiểu là đảng ra chỉ thị cho ủy ban này nhằm mục tiêu, được trích ra sau đây:
1. Đáp ứng tình hình trong nước và xu hướng khu vực và thế giới
2. Phát huy mạnh mẽ tính dân chủ của nhân dân
3. Thể hiện rõ nét hơn nữa mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa
4. Phân công phân nhiệm song song với cơ chế kiểm soát quyền lực chặc chẽ giữa các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp.
5. Tiếp tục khẳng định địa vị pháp lý, làm rõ thêm vai trò lãnh đạo của đảng CSVN và sự gắn bó giữa đảng và nhân dân.
Đọc xong bản tin chúng ta thấy rõ, là bộ chính trị CSVN đã trao cho Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp một "điệp vụ bất khả thi", mà nói theo Anh ngữ là "mission impossible". Nếu dùng danh từ nhà Phật thì gọi là "nhiệm vụ truy tầm lông rùa và sừng thỏ".
Làm sao ủy ban có thể "đáp ứng tình hình trong nước và xu hướng của khu vực" đang sôi sục đòi hỏi dân chủ và nhân quyền, trong khi đảng cố bám lấy cái quan điểm "nhà nước xã hội chủ nghĩa" vốn dĩ là di sản của độc tài, đảng trị?
Làm sao ủy ban có thể đề án xây dựng một hệ thống chính trị tam quyền phân lập nghiêm chỉnh, theo tinh thần của tác phẩm lừng danh là Vạn Pháp Tinh Lý của Montesquieu, trong khi đảng vẫn tiếp tục duy trì điều 4 hiến pháp?
Chẳng lẽ bộ chính trị CSVN không biết là Syria đã trưng cầu dân ý hủy bỏ điều 8 hiến pháp (tương tự với điều 4 hiến pháp Việt Nam), đưa đến nền dân chủ đa nguyên, đa đảng hay sao?
Mục đích để răn đe các lãnh tụ CSVN bảo thủ và tham quyền cố vị, đề nghị bộ luật hình sự hiện hành cần phải được sửa đổi và thêm vào điều khoản sau đây:
"Bất cứ một cá nhân nào sử dụng những xảo ngữ, nhằm tước đi nhân quyền và dân quyền được công bố trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm1948, cũng như trong Công ước Quốc tế về các quyền tự do dân sự và chính trị, thì cá nhân đó sẽ bị truy tố trước tòa án hình sự, vì đã phạm tội 'khi dân' tức khinh thường sự thông minh của người dân. Hình phạt cho tội này là chung thân khổ sai".
Chỉ sau khi tu chính bộ luật hình sự như thế, dân Việt ta mới mong thoát khỏi tình trạng bị những con vẹt do đảng nuôi tra tấn bằng sáo ngữ, trong khi thực chất của chế độ cho thấy rõ ràng là: "Hèn với giặc, Ác với dân và Bất nhân như đảng".
Đà Giang
26/2/2012
No comments:
Post a Comment