Friday, March 16, 2012

ĐÓI GAY GẮT Ở MIỀN TÂY THANH HÓA

Ngày 14.03.2012     

Lời dẫn: Bước vào năm mới chỉ có hai tháng nhưng hàng chục ngàn người dân tỉnh Thanh Hóa bắt đầu lâm vào nạn đói. Cái đói gay gắt ở tỉnh này không phải chỉ diễn ra vài năm nay, mà là hàng chục năm qua, với nhiều trẻ em chỉ mơ ước được ăn cơm thay vì khoai sắn hết tháng này sang tháng khác. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây của Văn Hùng, nói về cái đói ở huyện Quan Hóa, qua sự trình bày của chị Dian.
Hàng chục ngàn nông dân xứ Thanh Hóa lại đang trực diện với cái đói gay gắt trong năm nay, với toàn tỉnh hiện có 12 huyện đang khan hiếm lương thực. Theo ước tính thì số gạo cần được cứu giúp cho 65 ngàn người đang đói ăn là 1500 tấn, đa số là người dân ở các huyện miền núi và ven biển.

Bà Phạm Thị Hoa, phó chủ tịch huyện miền núi Quan Hóa, vừa gửi công văn hỏa tốc cho nhà cầm quyền tỉnh Thanh Hóa, nội dung đề nghị cứu đó khẩn cấp trong thời gian giáp hạt của tháng 3. Công văn cho biết là toàn huyện hiện có 18 xã, thị trấn có số người đói đến mức báo động đỏ, với tổng số 922 gia đình, tức khoảng 4600 người. Hiện người dân cạn kiệt cả gạo lẫn khoai, bắp và sắn nên huyện Quan Hóa đề nghị cứu trợ khẩn cấp 207 tấn gạo trong vòng 3 tháng, tức 15 ký gạo cho mỗi đầu người. Tuy nhiên công văn gửi đi đã 10 ngày mà vẫn chưa nhận được hồi đáp nào, có nghĩa là đã đói lại càng đói thêm.
Nếu đến thăm các xã Thanh Xuân, Phú Sơn, Phú Thanh, Trung Sơn, Nam Tiến và Nam Động của huyện Quan Hóa vào những ngày này mới thấm thía được cái đói đến gay gắt của đồng bào mình. Nguyên nhân chính là vì người dân ở đây thiếu đất sản xuất suốt nhiều năm qua để có sản xuất đủ lương thực. Chẳng hạn như xã Thanh Xuân có gần 8 ngàn mẫu đất, nhưng chỉ có 30 mẫu ruộng, rất khó để có đủ lương thực nuôi sống 2450 con người trong xã. Bên cạnh đó là đường sá đi lại khó khăn, dân trí thấp, con em ít được đi học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên cuộc sống ở nơi rẻo cao này càng khó khăn thêm.
Vượt hơn 180 cây số từ thành phố Thanh Hóa, chúng tôi đã đến bản Tân Sơn của xã Thanh Xuân. Con đường từ trung tâm xã vào bản chỉ có 4 cây số nhưng mất rất nhiều thời gian, xe gắn máy chạy chậm từ khúc khuỷu này qua khúc khác. Ông Hạt, phó chủ tịch xã thở phào sau khi xe đến trước nhà ông trưởng bản: "Hôm nay trời nắng còn đi vào được sớm chứ gặp phải trời mưa thì sáng đi, chiều mới tới nơi".
Ông trưởng bản Phạm Bá Cập nói: "Ở miền xuôi, các xã có điều kiện, lại được doanh nghiệp đóng góp kinh phí để xây dựng nông thôn. Ở đây thì không có doanh nghiệp nào, năm ngoái cả bản mới góp được mỗi gia đình 200 ngàn để thuê máy ủi vào đây làm một con đường để đi lại". Ông trưởng bản nói tiếp: "Đất ít nhưng đá nhiều đã hạn chế sự phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống của đồng bào. Cả bản có 57 gia đình đói nghèo trong tổng số 138 gia đình và hiện có 30 gia đình không còn lương thực để ăn".
Chúng tôi đến thăm nhà anh Phạm Bá Kiếp 45 tuổi, một trong những gia đình khó khăn nhất hiện nay của bản. Trong căn nhà rách nát, cha con anh Kiếp đang chuẩn bị bữa ăn tối bằng các củ sắn, tức khoai mì. Anh Kiếp nói: "Nhà có 4 người mà sắn không còn nhiều nên phải tính xem còn bao nhiêu củ để chia cho từng người trong mấy bữa ăn". Anh cho biết mỗi bữa, mỗi người chỉ được một củ sắn luộc mà thôi. Nếu như vậy thì chừng ấy sắn trên gác bếp của anh may ra chỉ đủ kéo dài vài ngày nữa là cùng, trong khi trong nhà không còn thóc gạo hay ngô khoai gì cả.
Ở cái tuổi trung niên như anh, ở miền xuôi nhiều người làm được nhiều công việc nặng nhọc, nhưng đối với anh Kiếp thì chỉ đứng dậy lấy mấy củ sắn mà cũng run lập cập. Thiếu gạo, ngày ngày ăn sắn đã làm sức lực anh càng ngày càng kiệt quệ.
Chúng tôi đến thăm nhà anh Cao Văn Nhâm. Ngôi nhà sàn lợp bằng lá cọ đã dột nát, rộng vài chục mét vuông, có 6 người sinh sống. Vì quá nghèo nên đứa con gái lớn đã bỏ học, ở nhà trông em, giúp cha mẹ làm việc đồng áng. Quần quật quanh năm với một sào ruộng và mấy sào sắn ngô nhưng vẫn không đủ ăn. Anh Nhâm cho hay, gia đình chỉ có đủ gạo ăn trong khoảng 2 hay 3 tháng. Những tháng kia là ăn sắn ngô.
Tội nghiệp nhất là lũ trẻ con. Đứa con út của anh hơn hai tuổi, mắt vàng như nghệ, suốt ngày ho hen và nước mắt ướt má. Thấy người lạ, chúng cứ trố mắt ra nhìn. Trong gian nhà bé nhỏ ấy có góc bếp choán gần nửa diện tích. Nếu nhìn kỹ có thể thấy nồi niêu, dao rựa giữa đống hòm xiểng ở xó nhà. Mùi ẩm mốc và mùi nước đái trẻ con bốc đầy không khí. Xung quanh bếp lửa, lũ trẻ háo hức chờ đợi một sự sống nào đó từ trong cái nồi to lớn kia. Ngọn lửa bốc cháy cao hơn, mùi sắn chui qua khe hở của cái vung làm bụng tôi cũng cồn cào. Tôi buột miệng nói: "Sắn cháy rồi!".Anh Nhâm nói: "Cháy một chút mới ngon". Anh nhắc nồi xuống rồi đổ úp vào một cái rổ con con. Anh Nhâm kể: "Nhà hết gạo lâu rồi, cả tháng nay lũ trẻ đều ăn sắn. Mời các chú ăn sắn cùng với bố con tôi".
Đồng bào dân tộc vậy đó, đói nhưng sẵn sàng san sẻ. Tôi nhìn bọn trẻ, khuôn mặt của chúng như sáng hẳn lên trong ánh lửa. Thấy lũ trẻ vừa thổi phù phù vừa ăn ngốn ngấu những miếng sắn luộc, tôi thấy thương chúng quá, và lòng tôi quặn thắt vì không biết lúc nào dân Tân Sơn mới có đủ cơm gạo ăn hằng ngày?
Ước mơ của lũ trẻ bản Tân Sơn là có được một bữa cơm no. Tôi dám chắc rằng sẽ còn có rất nhiều đứa trẻ ở nơi này đang có những khát khao như thế, chúng không ước ao gì khác ngoài được bữa cơm no thay cho khoai và sắn!
Văn Hùng

No comments:

Post a Comment