VỤ ÁN TIÊN LÃNG: CÁC QUAN XÃ VINH QUANG CHỈ BỊ CẢNH CÁO
Vào chiều hôm qua, giới chức lãnh đạo huyện Tiên Lãng đã ra quyết định cảnh cáo đối với hai ông bí thư và chủ tịch xã Vinh Quang trong vụ cưỡng đoạt khu đầm của gia đình Đoàn Văn Vươn.
Những sai phạm của ông Lê Thanh Liêm, chủ tịch xã, và ông Phạm Đăng Hoan, bí thư xã được nêu ra, gồm có việc không bảo vệ được khu đầm và tài sản của gia đình ông Vươn trong vụ cưỡng đoạt này. Ngay sau khi được thông báo quyết định, hai quan xã đã đệ đơn xin ngưng làm việc để giải quyết chuyện gia đình và đã được nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng chấp thuận.
Trong khi đó thì vợ con ông Vươn vào hôm qua đã gửi thư đến chủ tịch nước Trương Tấn Sang để xin ân xá cho những người thân đang bị công an giam giữ sau vụ nổ súng kháng cự lực lượng cưỡng chế đất. Và chi hội nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng đang vận động các hội viên góp công góp của để xây dựng một ngôi nhà tạm cho vợ con ông Vươn.
DÂN OAN BIỂU TÌNH TẠI HÀ NỘI ĐỂ ĐÒI LẠI ĐẤT ĐAI BỊ CƯỚP ĐOẠT
Vào hôm qua, hàng trăm nông dân Dương Nội thuộc huyện Hà Đông – Hà Nội, và huyện Văn Giang – Hưng Yên đã tụ tập trước trụ sở Mặt trận Tổ quốc tại Hà Nội để phản đối tình trạng cướp đoạt đất đai và giải tỏa nghĩa trang của các nhà cầm quyền địa phương.
Vào tuần trước, các dân oan Dương Nội và Văn Giang đã sát cánh cùng dân oan Đắc Nông diễu hành tại Hà Nội để kêu gọi nhà cầm quyền trung ương giải quyết những nỗi oan cho họ. Cụ bà Lê Hiền Đức, một phụ nữ nổi tiếng về chống tham nhũng, đã đến thăm hỏi và chia xẻ với những dân oan. Một số dân oan cho biết là họ sẽ có phản ứng mạnh như gia đình Đoàn Văn Vươn nếu những yêu cầu của họ không được nhà cầm quyền lắng nghe.
Sau khi được Mặt trận Tổ quốc nhận đơn kiến nghị, đoàn dân oan đã kéo nhau đến đài Tiếng Nói VN để tiếp tục cuộc biểu tình ngồi.
PAULUS LÊ SƠN ĐƯỢC ĐỂ CỬ LÃNH GIẢI CỦA PHÓNG VIÊN KHÔNG BIÊN GIỚI
Nhà báo tự do Paulus Lê Sơn, một thanh niên Công giáo đang bị giam giữ trong tù, vừa được tố chức Phóng viên Không biên giới đề cử lãnh giải thưởng công dân cao quý của mạng internet năm 2012. Đây là giải thưởng hằng năm dành cho các cây viết bày tỏ sự bất đồng chính kiến của mình trên mạng.
Cần biết là blogger Lê Văn Sơn 26 tuổi chuyên viết về các vấn đề xã hội, tôn giáo và nhân quyền tại VN. Anh bị công an bắt giam vào ngày 3/8 năm ngoái với cáo buộc "âm mưu lật đổ chính quyền", nhưng chưa biết đến khi nào thì bị mang ra xét xử. Cũng nên nói thêm là lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 12/3, tức ngày Thế giới Chống kiểm duyệt Internet do tổ chức Phóng viên Không biên giới đề xướng tại Paris.
MỘT CỰU TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ ĐÀO THOÁT SANG THÁI LAN
Trương Quốc Huy, một cựu tù nhân chính trị tại Việt Nam, vừa đào thoát khỏi Việt Nam đến Thái Lan xin tỵ nạn sau nhiều năm bị giam cầm và sách nhiễu ở trong nước.
Ông Huy bị công an VN bắt giam lần đầu tiên vào năm 2005, cùng với cô bạn gái có quốc tịch Mỹ là Lisa Phạm, và người anh trai Trương Quốc Tuấn. Cả ba bị giam giữ 9 tháng mà không hề xét xử. Đến năm 2006, ông Huy lại bị bắt và bị tuyên án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế. Ông ra tù vào tháng 11 năm ngoái, nhưng vẫn chịu sự quản thúc nghiêm ngặt tại địa phương. Vào ngày 27/2 vừa qua, ông Huy đào thoát thành công sang Thái Lan.
TÌNH NGHI QUAN XÃ BÁN ĐẤT CÁT, DÂN QUẢNG NAM ĐE DỌA ĐỐT XE CỘ
Vì nghi ngờ các quan xã bán đất cát, hàng trăm người dân xã Bình Phục, huyện Thanh Bình tỉnh Quảng Nam, đã kéo nhau đến ngăn chận và đe dọa sẽ đốt các xe xúc và xe chở đất cát.
Nội vụ diễn ra vào chiều tối ngày 27/2 vừa qua, khi đoàn xe kéo đến nạo vét đất cát ở kênh Bầu Vó và Cà Ràng. Theo lời giải thích của các quan xã thì đây là dự án nạo vét kênh mương để dẫn nước. Nhưng người dân cho biết là nhà thầu đã lấy cắp hàng ngàn khối đất cát ở chung quanh, gây sạt lở đồng ruộng và chận dòng chảy của con kênh. Một cụ ông phẫn nộ nói rằng, đây là hình thức bán đất được ngụy trang dưới chiêu bài "cải tạo kênh mương" để đánh lừa dân.
TIN THẾ GIỚI NGÀY THỨ TƯ 29/02/2012
PHI LUẬT TÂN MỜI GỌI QUỐC TẾ THĂM DÒ DẦU KHÍ Ở BIỂN ĐÔNG
Chính phủ Phi Luật Tân vừa đưa ra lời kêu gọi các công ty quốc tế mở những cuộc thăm dò về trữ lượng dầu khí ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Cộng.
Hai khu vực mới nhất mà chính phủ Phi đang mời gọi đầu tư là tại vùng tây bắc đảo Palawan mà họ gọi vùng biển Tây Phi. Đây cũng là khu vực mà Trung Cộng tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ. Một quan chức cao cấp của Phi cho biết là chính phủ ông sẽ bắt đầu ký kết các hợp đồng thăm dò với một số công ty vào tháng tới.
NAM HÀN KÊU GỌI BẮC KINH NGƯNG TRỤC XUẤT NGƯỜI BẮC HÀN TỊ NẠN
Quốc hội Nam Hàn vào hôm qua đã thông qua một quyết nghị yêu cầu Bắc Kinh hãy ngưng ngay việc trao trả cho Bắc Hàn những người đã đào thoát sang Trung Quốc. Cần nói thêm là những người đào tị này sẽ bị nhà cầm quyền Bắc Hàn trừng phạt rất dã man, thậm chí là bị xử bắn về tội phản quốc.
Quyết nghị này được toàn thế quốc hội Nam Hàn thông qua sau khi có nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân Nam Hàn trước các cơ sở ngoại giao Trung Cộng, sau khi có tin nói rằng Trung Cộng dự trù trục xuất 30 người Bắc Hàn. Cần biết là từ nhiều năm qua, người dân Bắc Hàn vẫn cố vượt biên sang Trung Quốc. Tính từ năm 1953 đến nay, số người đào thoát lên đến hơn 20 ngàn người.
THÊM MỘT DU THUYỀN SANG TRỌNG CỦA Ý BỊ LÂM NẠN TRÊN BIỂN
Một du thuyền sang trọng của Ý, với hơn một ngàn hành khách trên tàu, đã bị hỏng máy phát điện và đang trôi nổi tại vùng biển Ấn Độ Dương. Một tàu đánh cá đang tới kéo chiếc tàu này về quần đảo Seychelles. Chiếc tàu này có tên Costa Allegra, và cũng thuộc hãng tàu có chiếc Costa Concordia bị mắc cạn ở Địa Trung Hải với 32 người tử nạn vào tháng qua.
Số hành khách trên tàu sẽ được đưa lên tạm trú tại quần đảo du lịch Seychelles. Chiếc Alllegra hiện không có phương tiện nấu nướng, phải chạy máy phát điện phụ, nhưng không gây đe dọa đến tính mạng của hành khách. Hiện lương thực đang được mang đến bằng trực thăng.
CHÍNH PHỦ MỸ KHÔNG THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH Ở A PHÚ HÃN
Bất chấpp làn sóng biểu tình và bạo loạn sau vụ lính Mỹ đốt kinh Koran khiến hàng chục người thiệt mạng trong mấy ngày qua, bộ trưởng Mỹ, ông Leon Panetta, tuyên bố là chính sách rút dần quân số của Mỹ và trao quyền lại cho các lực lượng A Phú Hãn vào cuối năm tới sẽ tiếp tục. Ông Panetta nói rằng nước Mỹ vẫn giữ nguyên thời khóa biểu rút quân, và những biến động vừa qua chỉ là những chuyện "đáng tiếc". Quân đội Mỹ hiện vẫn hoạt động bình thường với quân A Phú Hãn, mặc dù hai sĩ quan Mỹ vào tuần trước đã bị cảnh sát A Phú Hãn bắn chết.
MỘT KÝ GIẢ NGOẠI QUỐC ĐƯỢC DI TẢN KHỎI SYRIA
Một ký giả người Anh vào hôm qua đã được tải thương từ thành phố Homs ở Syria sang Lebanon. Ông Paul Conroy đã bị thương nặng khi quân đội Syria oanh kích thành phố Homs, đã được vận chuyển bằng đường bộ ra khỏi nơi nguy hiểm.
Riêng số phận một nữ phóng viên người Pháp thì vẫn còn mù mờ mặc dù có tin các biệt kích Pháp được trao nhiệm vụ giải cứu bà. Trong khi đó thì hai khối Tây Phương và Ả Rập đều có vẻ không tin lời tuyên bố của chế độ Bashar Al-Assad nói rằng đại đa số dân Syria đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý vào hôm cuối tuần và chấp nhận hiến pháp mới, có nội dung thiết lập một thể chế đa nguyên và đa đảng ở Syria. Họ cho rằng đó là một kết quả gian lận của chế độ Al-Assad.
No comments:
Post a Comment