Ngày 01.02.2012
Lời dẫn: Làm chính trị thì phải khôn ngoan, biết tiến biết thoái đúng lúc, nếu không sẽ đến lúc trở thành cái thây ma biết đi. Chỉ trong vòng vài năm qua, lịch sử đã cho thấy bản lãnh chính trị của một số chế độ trước làn sóng dân chủ dâng cao. Một số nhà độc tài đã nhanh tay cải tổ trước khi quá trễ, một số khác đã biến thành các thây ma, bị lịch sử phỉ nhổ. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Đà Giang, qua sự trình bày của chị Vân Khanh.
Thông thường các nhà độc tài trên thế giới bị lật đổ, và trở thành những thây ma của lịch sử vì tham quyền cố vị mà không chịu cải tổ kịp thời. Đây là một bài học quý giá cho các chế độ cộng sản như: Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn.
Trước sự phẫn nộ của quần chúng, các chế độ độc tài thường phản ứng lại bằng nhiều phương thức tiêu biểu như: -
1. Ghép tội cho dân hay nhóm đối lập là phản quốc.
2. Biện minh trên các cơ quan truyền thông quốc doanh là quần chúng hay nhóm đối lập đã nhận lệnh của ngoại bang, để chống lại chính quyền.
3. Tố cáo trên diễn đàn quốc tế rằng quần chúng hay nhóm đối lập là thành phần khủng bố.
4. Đàn áp đẫm máu bằng quân đội hay công an mật vụ.
Khi các biện pháp đàn áp không còn hiệu quả, các nhà độc tài đổi chiêu bài bằng cách nhượng bộ có tính giai đoạn, mục tiêu là kéo dài hơi thở chế độ để mong tiếp tục nắm quyền, trục lợi.
Rất hiếm chế độ có viễn kiến chịu cải tổ kịp thời theo ý dân, để tránh thảm họa. Tuy hiếm, nhưng việc này đã từng xảy ra trong lịch sử. Gần đây nhất là vương triều Mohammed Đệ Lục của Ma-Rốc. Trước bước đi vũ bão của cách mạng Mùa Xuân Á Rập, vị vua anh minh này đã chủ động cải tổ hiến pháp, biến vương quyền chuyên chế thành nền quân chủ lập hiến, đa nguyên và đa đảng.
Trái lại các nhà độc tài khác như Mubarak của Ai Cập, Ben Ali của Tunisia hay Gaddafi của Libya, đều vì quá tham quyền cố vị mà gây nhiều nợ máu với nhân dân. Vào những giờ phút thoi thóp của chế độ, họ mới đưa ra các biện pháp cải tổ nửa vời nên bị đánh giá là "quá ít và quá trễ" (too little and too late), bởi lúc ấy sự phẫn nộ của quần chúng như tức nước vỡ bờ. Hậu quả, là các nhà lãnh đạo này trở thành những thây ma của lịch sử.
Đảng Phục hưng Xã hội Chủ nghĩa Á Rập của Tổng thống Syria, ông Bashar Al-Assad, đang rơi vào tình trạng "quá ít và quá trễ" này.
Thật vậy lúc đầu trước những cuộc nổi dậy của quần chúng, ông Assad dựa vào điều 8 hiến pháp hiện hành của Syria (tương tự với điều 4 hiến pháp Việt Nam) và Mặt Trận Cấp Tiến là ngoại vi của đảng Phục Hưng Xã Hội Chủ Nghiã Ả- Rập (tương tự với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam) để đàn áp đẫm máu giới đối kháng.
Tuy nhiên các cuộc đàn áp không thành công, quần chúng tiếp tục yêu cầu ông Assad phải từ chức, đồng thời phải hủy bỏ điều 8 hiến pháp và tổ chức bầu cử tự do. Tiếc thay, ông Assad đã từ chối không chịu đàm phán với các nhóm đối lập và còn lên án họ là khủng bố.
Vì thế phong trào chống đối ngày càng mạnh mẽ hơn. Tây phương và Liên minh các Quốc gia Á-Rập đồng loạt lên án hành động lạm sát dân lành của chế độ Syria. Trước áp lực của quần chúng và thế giới, ông Assad đã nhượng bộ bằng cách đơn phương đề nghị hủy bỏ điều 8 hiến pháp. Tuy nhiên, các nhóm đối lập và quần chúng cho rằng những đề nghị này đã quá ít và quá trễ.
Phong trào đối lập lại gia tăng cường độ. Hội Đồng Bảo An LHQ nhóm họp lên án chính quyền ông Assad. Nếu không có phiếu phủ quyết của Nga Sô và Trung Quốc thì nghị quyết này đã được thông qua. Nghị quyết này là bước đầu tiến trình để LHQ và các quốc gia Á-Rập có thể giúp đỡ tài chánh và quân sự cho phe đối lập. Mặc dù Trung Quốc và Nga Sô đã dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An, nhưng Đại Hội Đồng LHQ với đa số áp đảo vẫn thông qua được một nghị quyết tương tự lên án chế độ Assad.
Ông Assad một mặt ra lệnh oanh tạc dã man vào quần chúng đối lập tại thành phố Homs, mặt khác lại đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý để cải tổ hiến pháp, trong đó bao gồm tiến trình hủy bỏ điều 8 hiến pháp đưa đến nền dân chủ đa đảng.
Trung Quốc ủng hộ ông Assad cũng như kêu gọi đàm phán giữa chính quyền Syria và phe đối lập. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng đề nghị mới của ông Assad là quá ít và quá trễ. Họ yêu cầu ông Assad phải từ chức và ngưng ngay các cuộc đàn áp dân chúng, như là những điều kiện tiên quyết. Hoa Kỳ và các nước Tây Phương ủng hộ các yêu sách này của nhóm đối lập.
Câu hỏi nêu ra, tại sao ông Assad đề nghị trưng cầu dân ý với mục đích hủy bỏ điều 8 hiến pháp, nhưng lại bị các phe đối lập bác bỏ và cho là quá ít và quá trễ?
Lý do, vì các cuộc đàn áp đẫm máu cũng như sự bất cập giữa lời nói và hành động của ông Assad đã nói lên tính chất giả trá của chế độ. Cho dù có trưng cầu dân ý đưa đến đa đảng, nhưng bao lâu mà ông Assad và bè lũ còn nắm quyền thì cuộc trưng cầu dân ý sẽ còn đầy gian trá. Các cuộc bầu cử quốc hội nếu có xảy ra cũng sẽ tiếp tục củng cố cho chế độ, và dù điều 8 hiến pháp còn hiện hữu hay không thì quần chúng cũng đã mất niềm tin. Chính vì thế, ông Assad hiện nay trở thành một thây ma biết đi của lịch sử.
Đây là một bài học quan trọng đặc biệt cho đảng CSVN. Các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng cần phải cân nhắc rất kỹ. Một khi quần chúng đã quá phẫn nộ, mọi nhượng bộ sẽ bị đánh giá là quá ít và quá trễ, chắc chắn là họ sẽ trở thành các thây ma của lịch sử. Rút kinh nghiệm của Syria, thời gian còn lại cho đảng CSVN quả thật không nhiều!
Đà Giang
19/2/2012
No comments:
Post a Comment