Ngày 05.03.2012
Lời dẫn: Xã hội VN hiện có rất nhiều hội chứng lạ lùng về sự sợ hãi. Chẳng hạn như hội chứng "sợ tăng lương" vì số tiền được tăng không đủ bù cho giá cả được gia tăng ngay sau đợt tăng lương. Và hội chứng mới nhất là "sợ chụp hình". Rất may là hội chứng này chỉ xuất hiện trong giới quan chức và công an. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của blogger Mai Xuân Dũng, qua sự trình bày của chị Dian.
Sợ hãi là một phản xạ, và trong vài trường hợp là bệnh lý của con người. Cuộc sống hiện đại có khá nhiều nỗi sợ. Có người sợ đi máy bay kiểu như Kim Chính Nhật, cố lãnh tụ Bắc Hàn. Rồi hội chứng lo sợ khi không có chiếc điện thoại trong người mà giới chuyên môn gọi là hội chứng nomophobia... Nói tóm lại lại là rất nhiều nỗi sợ.
Người Việt Nam có một "nền văn hóa"... sợ! Nó tác động vào cuộc sống của tất cả chúng ta hàng ngày, hàng giờ. Nhiều người mắc chứng bệnh sợ tăng lương. Bình thường được tăng lương ai chả mừng. Đằng này các bà nội trợ nghe thông báo sắp tăng lương là sợ hãi đến độ tim đập loạn nhịp, mồ hôi túa ra, miệng khô khốc. Ở nước nào không hiểu chứ ở Việt nam chuyện này ai cũng hiểu. Vì lương tăng một thì vật giá lập tức tăng gấp đôi. Mà đã tăng là không có giảm. Tăng lương ít thì dân còn sống lay lắt, chứ đảng và chính phủ "quan tâm" đến việc tăng lương nhiều là dân ngắc ngoải luôn.
Hãy thử làm một phép so sánh đơn giản. Trong năm qua mức lương tăng khoảng 6 hay 7%, trong khi lạm phát tăng đến 23%, đặc biệt là giá cả thực phẩm tại Hà Nội đã tăng 60%, Sài Gòn tăng 50%, các địa phương khác tăng từ 20 đến 30%. Như thế thì tăng lương đã không thể bù lại được mức tăng của lương thực hay thực phẩm. Nếu cộng thêm những thứ như điện nước, tiền thuê nhà, học phí đều tăng thì mức lương càng tăng càng không đủ bù cho sự tăng giá. Chính vì thế mà dân ta rất sợ tăng lương.
Bây giờ lại có "hội chứng sợ chụp ảnh". Ở Việt Nam, căn bệnh này đang là "sở hữu độc quyền" của những người làm việc tại các cơ quan nhà nước, đặc biệt là ngành công an, cảnh sát. Kể từ khi bức ảnh "Bịt Miệng" linh mục Nguyễn Văn Lý, trong phiên tòa tiền chế tại Huế vào ngày 30/03/2007, được đăng lên thì ngành công an thay vì không "bịt miệng" nữa để gỡ uy tín thì lại càng tăng cường chiến dịch "bịt miệng". Nhưng không những bịt miệng mà họ còn bịt cả mắt nữa. Đi đến bất cứ các cơ quan nhà nước nào cũng thấy nhan nhản các tấm biển "Cấm quay phim chụp ảnh".
Trong các hoạt động dân sự được hiến pháp cho phép như biểu tình, khiếu kiện, những người chụp ảnh thường bị công an làm khó dễ. Nhẹ thì ngăn cấm đe dọa, nặng thì cướp máy ảnh, đánh người. Phóng viên thông tấn xã Mỹ, ông Ben Stocking, và vị trưởng phóng báo chí tại Hà Nội, đã bị công an Hà Nội tịch thu máy ảnh. Thậm chí là bị đấm vào mặt, bị bóp cổ và nện dùi cui vào đầu khi đến lấy tin về cuộc cầu nguyện của giáo dân Thái Hà. Việc này gây phẫn nộ lớn đến mức phát ngôn nhân tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội, đã gửi lời phản đối chính thức đến nhà cầm quyền Việt Nam.
Trong vụ Tiên Lãng vừa qua, nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng đã dùng mọi cách ngăn cản các phóng viên với nhiều thủ đoạn hèn hạ. Thế nhưng những bức ảnh hay các đoạn phim về cuộc cưỡng chế của đám ăn cướp Hải phòng đối với cái đầm tôm của nông dân Đoàn Văn Vươn, hay những tấm ảnh về cuộc "phản pháo Thủ tướng" của ông Nguyễn Văn Thành, bí thư thành ủy Hải Phòng, vẫn xuất hiện khắp nơi.
Những bức ảnh, những đoạn phim đó chỉ là những tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống xã hội.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao chính quyền và công an sợ chụp ảnh đến độ như vậy?
Hãy trả lời câu hỏi đơn giản nhất để thay cho câu trả lời. Một người đàng hoàng tử tế và một thằng ăn cướp thì ai sẽ là kẻ sợ chụp ảnh?
Nhưng liệu giới công an có thể ngăn cấm được các bức ảnh hay không, khi trong thời đại này, mỗi chiếc điện thoại là một máy ảnh và mỗi người dân là một "phóng viên"?
Câu trả lời là "không bao giờ họ làm được". Ngăn chặn những tấm ảnh là hành động vô vọng như lấy bàn tay che mặt trời. Sự thật có thể có lúc bị xuyên tạc, che lấp nhưng việc cố công tiêu diệt cho bằng được sự thật là một việc không bao giờ làm nổi. Đừng có mơ!
Mai Xuân Dũng
No comments:
Post a Comment