Ngày 11.03.2012
Lời dẫn: Đất nước VN đang ở trong tình trạng phân hóa giàu nghèo một cách cùng cực. Nhưng không chỉ có người sống mà ngay cả đến cái chết cũng thể hiện sự chênh lệch giữa những kẻ thừa tiền lắm bạc và những người khố rách áo ôm. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây của Trần Nguyễn Anh, qua sự trình bày của chị Như Giang, về tình trạng suy đồi đó.
Người nghèo thường nói câu cửa miệng "Chỉ mong lúc chết có cái hòm mà chôn". Nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường hoang dã ở VN, khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng, nên có người làm đám tang tiền tỷ trong khi không ít người phải chạy vạy xin một chiếc quan tài cho người nằm xuống.
Một con số thống kê cho thấy Sài Gòn hiện có khoảng 300 trại hòm. Theo điều tra dân số vào năm 2009, tổng số dân của thành phố này là 7 triệu 123 ngàn người. Với tỷ lệ tử vong là 0.4%, mỗi năm thành phố này cần ít nhất là 28 ngàn chiếc quan tài. Đó là chưa kể những người tha phương cầu thực, tạm trú, đi ngang qua, lên thành phố chữa bệnh... rồi nằm xuống trên mảnh đất này.
Chị Sương, chủ một trại hòm và cơ sở mai táng gần bệnh viện Từ Dũ, cho biết: "Theo quan sát của chúng tôi qua các đám tang, thì số người nghèo vẫn còn nhiều lắm". Vừa nói chị Sương vừa loay hoay tìm một chiếc hòm để làm từ thiện. Chị bảo: "Cha trong nhà thờ vừa gọi, báo tin bên bệnh viện có người chết mà không ai thân thích. Chúng tôi qua lãnh đi thiêu".
Quan tài dành cho người vô thừa nhận được gọi là "quan tài quốc doanh", làm bằng gỗ tạp, ván mỏng lét, không sơn mài và không trang trí gì cả. Chị Sương bảo: "Quan tài bình thường làm hỏa táng có giá 3 triệu, quan tài quốc doanh là 1 triệu 8 ngàn đồng".
Anh Phe, chủ trại hòm ở quận Gò Vấp, nói: "Người nghèo đến xin hòm rất nhiều". Anh cho biết là bây giờ ngành này bị cạnh tranh dữ dội, nên làm ăn khó khăn. Có một nhà máy của Đài Loan được thiết lập tại Việt Nam chuyên sản xuất quan tài. Nhưng hòm nhập về từ nước ngoài cũng khá nhiều. Anh Phe nói: "Hòm từ thiện thường đơn sơ lắm. Nhiều trại hòm chúng tôi cũng rất nghèo. Nhiều gia đình không cam lòng với người thân, sau khi xin được hòm từ thiện thì chở đến đây đổi, xin phụ tiền để lấy chiếc hòm tốt hơn".
Chị Sương nói thêm: "Người nghèo khó khi nằm xuống, gia đình đang tang ma bối rối, vậy mà nhiều kẻ vẫn động lòng tham, không buông tha. Một người chết trong bệnh viện có năm bảy đứa ép mua hòm, đe dọa nếu không mua sẽ khó lấy xác ra". Anh Chiêu, chủ nhân một trang mạng chuyên về truyền thống tang lễ, cho biết: "Bọn cò gây không ít khó khăn cho gia chủ. Người gây ra tai nạn giao thông, muốn đỡ phiền phức nên muốn đưa nạn nhân đi chôn càng nhanh càng tốt. Họ đôi khi phải chi tiền quan tài cho bọn cò gấp 4 lần mức bình thường".
Trong khi đó thì các trại hòm cho biết: "Nếu không chi tỷ lệ phần trăm cao, bọn cò sẽ bỏ mình mà gọi trại khác". Các chủ trại hòm đều tỏ ra ngao ngán. Giá quan tài dăm triệu, chục triệu, vài chục triệu cứ thế tăng.
Nhưng trong khi không ít người toát mồ hôi để lo cho người quá cố được một cái hòm thì không hiếm kẻ lại nhân cái chết của người thân để phô trương tiền bạc địa vị của mình.
Trại anh Chiêu liên kết với trại hòm ở Mỹ và Úc. Cuối tuần các trại hòm ở Mỹ quàn xong, chuyển lên máy bay. Trại anh Chiêu làm thủ tục đón nhận ở phi trường Tân Sơn Nhất rồi mang đi an táng. Tổng chi phí từ Mỹ về Việt Nam từ 8 đến 10 ngàn Mỹ kim. Anh Chiêu kể: "Người đã khuất được thiêu từ bên Mỹ, thế mà tổ chức đón rước tại sân bay, xe du lịch đếm không xuể. Về nhà, làm lễ nhập liệm một hũ tro, mà chỉ riêng tiền hoa trang trí đã hơn 300 triệu đồng". Anh Chiêu nói thêm: "Để phô trương, người ta có thể bỏ ra 200 triệu đồng để đặt quan tài bằng giáng hương nguyên cây. Rồi đem đi thiêu".
Nhưng phô trương đám tang, đa số là do ý của người sống chứ không phải người đã khuất. Ở cái thời mà danh lợi gắn kết với nhau, đám tang người giàu được giao cho các công ty chứ không còn là trại hòm. Các công ty này sẽ lo mọi việc, kể cả nếu người chết chôn cất theo kiểu các hoàng đế Pháp ở thế kỷ 16 với đầy đủ quần áo, và nhân viên phục vụ bên cạnh quan tài và bồng súng đứng chào. Các xe đưa rước là Mercedes. Hay nếu chôn theo kiểu hoàng đế VN thì cũng có cung nữ, lính hầu vác kiếm, đeo súng hỏa mai và văn võ bá quan triều phục hai bên. Tổng chi phí từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, chưa kể tiền xây lăng mộ.
Anh Chiêu cứ băn khoăn: "Bao giờ người ta mới tiến đến sự bình đẳng được khi đến cả tang lễ cũng còn phân biệt đẳng cấp, đề cao quyền lực ông hoàng, bà chúa!". Anh Phe thì buồn bã than: "Nhạc hiếu trước kia trang nghiêm, đàn những bài ca ngợi công ơn của cha mẹ. Nghe nhạc bát âm người ta phải thấy buồn xao xác. Giờ thì mời cả nhạc nhảy, diễn xiếc trước linh cữu cả đêm để thu hút người tới xem đám".
Thầy Phước Thông của chùa Vĩnh Kim ở Gò Vấp nói: "Tôn giáo luôn dạy người ta tính tiết kiệm và đề cao trách nhiệm với đời". Trại hòm của hội từ thiện đặt trong khuôn viên chùa Vĩnh Kim. Người nghèo, nhiễm HIV qua đời thường được chùa cấp quan tài. Chùa cũng làm phòng tang giúp đệ tử và người nghèo đến hành lễ đỡ tốn kém. Thầy Phước Thông nói: "Khi tắt thở thì thân xác trả về đất, nước, gió, lửa. Nếu có kiếp khác, muốn được tốt hơn, kiếp này phải làm gì giúp ích cho cá nhân mình và cho người xung quanh. Đâu phải bỏ tiền làm đám ma to sẽ đánh đổi được tất cả!".
Trần Nguyễn Anh
No comments:
Post a Comment