Lời dẫn: Một trong những ngụy biện mà đảng cộng sản VN thường đưa ra để che đậy những vụ tham nhũng động trời là "bí mật nhà nước". Đây là một sự lầm lộn cố tình giữa "bí mật quốc gia" và "bí mật nhà nước" chỉ vì đảng tự cho mình đứng trên quyền lợi quốc gia và dân tộc. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phân tích dưới đây của Đà Giang, có tựa đề "Bí mật quốc gia khác với bí mật nhà nước", qua sự trình bày của chị Vân Khanh
Theo báo điện tử VietnamNet vào ngày 16/3 vừa qua, đảng CSVN đã tổ chức một hội nghị nhằm mục tiêu ngăn chận việc tiết lộ bí mật nhà nước, diễn ra với sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Bộ trưởng công an Thượng tướng Trần Đại Quang. Xin lưu ý, ông Trần Ðại Quang là thượng tướng ngành công an, không phải là thượng tướng của quân đội.
Báo này cho biết, sau cuộc tổng kết về pháp lệnh Bảo vệ Bí mật Nhà nước VN, từ năm 2000 đến năm 2011, xuyên qua tất cả các cấp bộ của đảng, thì việc bảo vệ bí mật nhà nước là điều đảng không thể nào kiểm soát được, đã gây xấu hổ cho đảng và chính quyền.
Thoạt nhìn, chúng ta thất vọng cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Vì trong kỷ nguyên mới với trào lưu dân chủ ngày càng dâng cao, ý niệm về chính quyền là một ý niệm không thể tách rời 2 yếu tố quan trọng, là sự cởi mở và trong sáng (open and transparent).
Thể hiện các yếu tính này, Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong một văn thư gửi cho trưởng nhiệm tất cả các bộ ngành của chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ, đã xác định như sau:
"Chính quyền (dưới sự lãnh đạo) của tôi quyết tâm đạt tới mức độ cởi mở chưa từng có. Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc để tạo niềm tin và thiết lập một hệ thống trong suốt, từ đó có quần chúng tham gia và hợp tác. Sự cởi mở sẽ tăng thêm sức mạnh cho nền dân chủ của chúng ta, phát huy hiệu năng và hiệu lực trong chính quyền".
Chính quyền tiểu bang Queensland tại Úc, cũng ra thông báo trên trang mạng của mình như sau:
"Chính quyền cởi mở và trong suốt. Sự cởi mở trong chính quyền là rường cột của nền dân chủ chúng ta. Chính quyền cởi mở và trong suốt nhất là khi người dân có thể biết các thông tin về những gì chính quyền làm, và lý do tại sao. Chính quyền có thể giúp quý vị lấy các thông tin mà cộng đồng có quyền lấy. Trang mạng này chỉ là một trong nhiều phương tiện để giúp quý vị lấy các thông tin".
Hai ví dụ nêu trên, là hình thức sinh hoạt dân chủ của các cấp chính quyền từ liên bang đến tiểu bang, đang diễn ra tại các nước dân chủ trên thế giới.
Trong khi đó CSVN lại mở hội nghị để xiết chặc vấn đề bí mật nhà nước, và đem bộ luật hình sự ra để hù dọa cán bộ các cấp cũng như toàn dân.
Sự khác biệt giữa ý niệm về bí mật quốc gia ở các nước dân chủ, và bí mật nhà nước trong tâm thức của người CS, là đối với các nước dân chủ thì bí mật quốc gia (state secrets) là những bí mật có liên hệ đến sự an nguy của tổ quốc họ. Nhưng đối với CSVN, thì bí mật nhà nước (government secrets) có nghĩa là các bí mật có liên hệ đến sự sống còn của chế độ, không liên hệ gì đến đất nước và Việt tộc.
Và khi các chính trị gia dân chủ quan ngại đến bí mật quốc gia, đơn thuần vì họ muốn bảo vệ quyền lợi quốc gia họ. Tuy nhiên, khi Thượng tướng công an Trần Đại Quang chú trọng đến bí mật nhà nước là vì ông đang lo cho vận mệnh của đảng, chứ không phải lo cho quyền lợi của đất nước hay dân tộc Việt Nam. Hai ý niệm này hoàn toàn trái ngược nhau.
Hơn nữa, trong tâm thức của người CSVN không có sự phân biệt giữa nhà nước và đảng. Lý do đơn giản vì điều 4 hiến pháp cho phép họ độc quyền sở hữu nhà nước, nên bí mật của nhà nước đồng nghĩa với bí mật của đảng. Do đó, sự tham ô thối nát của đảng cũng được nâng lên hàng bí mật nhà nước. Nếu ai đó hé lộ sẽ bị trừng phạt thẳng tay, để duy trì tính độc tôn của đảng.
Ở các nước dân chủ, có sự phân biệt rõ rệt giữa một chính đảng đang nắm quyền và quốc gia dân tộc. Nhà nước hoặc chính quyền có thể đến rồi đi sau một cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng, nhưng quốc gia dân tộc vẫn trường tồn.
Chính vì thế, bí mật quốc gia ở các nước dân chủ thông thường được diễn giải như một đặc quyền của hành pháp (executive prívilege), cho phép hành pháp được quyền từ chối không giải thích một hành vi của mình trước toà án, nếu phiên xử có liên hệ đến những dữ kiện mà một khi tiết lộ, thì quốc gia dân tộc đó sẽ bị thiệt hại. Tại các quốc gia Âu Mỹ hiện nay, thì vấn đề chống khủng bố là một ví dụ điển hình.
Nhưng tại Việt Nam, thì bí mật nhà nước là một sách lược quy mô của đảng nhằm bưng bít sự tham nhũng thối nát của chế độ, đồng thời cũng là vũ khí đàn áp nhân quyền và dân quyền qua việc sử dụng bộ luật hình sự hiện hành.
Sự kiện CSVN cần có một hội nghị như trên, cho thấy nỗi lo sợ tột cùng hiện nay của đảng trước làn sóng dân chủ như vũ bảo, đang tiến lên quét sạch cái chế độ tàn bạo phi nhân trên quê hương thân yêu chúng ta.
Đà Giang
18/3/2012
No comments:
Post a Comment