Tuesday, March 20, 2012

CHUYỆN CÁI DINH

Ngày 19.03.2012     
Lời dẫn: Trong vài tuần qua, dư luận đã xôn xao khi trang quảng cáo địa ốc bietthuviet.vn đăng những bức hình của căn biệt thự lộng lẫy mà họ viết rõ là "của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng". Một cuộc đối chiếu cho thấy đó là căn biệt thự của cựu thủ tướng Benazir Bhutto của Pakistan ở thành phố Dubai. Thế nhưng bà này đã về nước và bị ám sát vào năm 2007. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của Nguyễn Đình An, qua sự trình bày của anh Nguyên Khải.

Dinh này là dinh của thủ tướng. Trước đây là của bà thủ tướng thứ 11 của Pakistan, bây giờ thì - theo như lời đăng tải của trang chuyên quảng cáo buôn bán biệt thự cao cấp bietthuviet.vn thì nó là "sở hữu" của ông thủ tướng Việt Nam. Sau khi có một số hình ảnh chứng minh đây là biệt thự của bà Benazir Bhutto thì nhiều người cho rằng các trang blog đăng tải lại tin này bị hố. Nhưng trong vụ này có một số điểm đáng lưu ý:

Thứ nhất, trang bietthuviet.vn là một trang thuần tuý thương mại quảng cáo. Do đó nó không phải là một trang "phản động", dựng chuyện để bôi nhọ thủ tướng. Đây cũng là một trang kinh doanh, nhìn vào nội dung (trước khi bị đóng cửa) thì thấy rất chuyên nghiệp, không hề có bài vở lá cải. Do đó, bài "Ngắm Biệt Thự Mới Xây Của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn tấn Dũng" khó có thể được đăng tải theo loại lá cải, nhất là khi nó liên quan đến ông thủ tướng. Giới thạo tin trong lãnh vực buôn bán nhà cửa chắc phải có những dữ liệu riêng của họ mới "dám" đăng câu: "Căn biệt thự mà thủ tướng Việt Nam đang sở hữu".
Thứ hai là, phản ứng ra lệnh đóng cửa trang biethuviet.vn là không bình thường, nếu không muốn nói là hạ sách nếu như căn biệt thự này không phải là của ông Nguyễn Tấn Dũng. Chuyện gỡ bài xuống là chuyện thường thấy khi một bài viết trên báo lề đảng xé rào hay đụng vào điểm nhạy cảm. Nhưng đóng hẳn trang mạng chỉ tạo ấn tượng muốn bịt hẳn một chuyện động trời nào đó trong đầu dư luận.
Với những hình ảnh "chứng minh" căn biệt thự hoành tráng này là của bà Benazir Bhutto thì đây chính là cơ hội để cho ông Dũng, vốn là người thích nổi đình nổi đám, huy động đám báo chí lề đảng "vạch trần" những "âm mưu thâm độc" bôi xấu uy tín của ông. Nhưng thái độ khôn ngoan nhất là cứ để cho bài viết hay ít ra trang mạng đó hoạt động và truy tố nó ra tòa một cách minh bạch. Ông Dũng và đàn em của ông thừa khôn ngoan nhưng lại không tính ra được chuyện đó.
Và điểm đáng lưu ý thứ ba là bà Bhutto sống lưu vong tại Dubai 9 năm, trở về Pakistan vào tháng 10 năm 2007 và bị ám sát 2 tháng sau đó. Điều gì đã xảy ra cho ngôi biệt thự của bà từ đó đến nay? Bình thường thì khó có ai vào được bên trong để chụp chi tiết từng căn phòng trong khi bà Brutto đang ở đó, hay có chủ đang ở đó. Cách chụp ảnh cho thấy căn biệt thự này đang được rao bán và những hình ảnh là do một công ty buôn bán nhà cửa chụp để giới thiệu cho khách hàng.
Phải chăng trang bietthuviet.vn có những dữ kiện đó nên không ngại ngần giới thiệu "Căn biệt thự mà thủ tướng Việt Nam đang sở hữu". Điều đáng nhấn mạnh là nguồn dư luận phản bác đây là biệt thự của ông Dũng đã dựa trên dữ kiện quá khứ: đây là nhà của bà Bruto. Nhưng họ quên rằng: nó có còn là nhà của bà Bhutto hay đã được người khác mua lại? Và người khác đó phải chăng là ông Nguyễn Tấn Dũng?
Và vì vậy mà trang quảng cáo buôn bán nhà cửa đã "vô tư" đăng lại mà không biết vì họ là doanh nhân, không am hiểu chính trị và những hệ lụy của nó mang lại nên đã bị đóng cửa.
Tóm lại, ngôi biệt thự này có phải là của ông Nguyễn Tấn Dũng hay không thì cho đến bây giờ không ai biết rõ. Ngược lại, những tấm hình rao bán nhà và việc căn nhà đó từng là của bà thủ tướng Pakistan cũng không thể đi đến xác nhận một cách chắc chắn rằng nó không phải là căn nhà của ông Dũng, một chủ nhân mới.
Nghi vấn vẫn còn đó. Chúng ta có quyền đăng tải nhưng không kết luận hay vu khống một ai, và chúng ta có quyền đặt ra mọi nghi vấn hay ẩn khuất về những gì liên quan đến ông Nguyễn Tấn Dũng. Vì ông ta là thủ tướng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN. Và ông ta cũng là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng.
Và ông ta lại là người dùng chức vụ thủ tướng để bổ nhiệm con trai của ông vào chức thứ trưởng bộ xây dựng, cũng như con gái ông Dũng đang là chủ tịch Hội đồng Quản trị của 4 công ty tài chánh.
Nguyễn Đình An

No comments:

Post a Comment