Sunday, May 21, 2023

Tin Tức: Chủ Nhật, 21.05.2023

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Xuân Nhi & Nguyên Khải

1. SÀI GÒN NẮNG NÓNG ĐỈNH ĐIỂM, NGƯỜI DÂN “TÁ HỎA” VÌ TIỀN ĐIỆN TĂNG CHÓNG MẶT

Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4, nhiều người dân tá hỏa khi thấy tiền điện tăng cao hơn nhiều so với tháng trước... Bởi bước vào đợt cao điểm nắng nóng, các thiết bị điện trong nhà đều hoạt động hết công suất để làm mát.

Nền nhiệt ngoài trời có lúc lên tới hơn 40 độ C tăng khiến các thiết bị làm mát trong gia đình như quạt, điều hoà,... đều được sử dụng hết công suất.

Đã vậy, EVN, tức tổng công ty điện lực lại cho tăng giá điện 3% so với giá điện bán lẻ bình quân

Trong đó máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Quỳnh Thắm sống cùng gia đình ở quận Bình Thạnh (Sài Gòn) cho biết,tiền điện tháng 4 vừa rồi của gia đình chị đã tăng chóng mặt, và cao nhất từ đầu năm đến nay với tổng số tiền là 6,244 triệu đồng, tăng gấp đôi so với tháng trước dù gia đình không kinh doanh gì.

Trước thông tin giá điện bán lẻ bắt đầu tăng từ tháng tới đây, nhiều người dân bày tỏ lo lắng khi nhu cầu tiêu thụ điện trong mùa nắng nóng cao như vậy thì hóa đơn tiền điện cũng sẽ tăng chóng mặt. 

2. VIỆT NAM GIA TĂNG KIỂM SOÁT NỘI DUNG TIK TOK

Việt Nam kiểm tra toàn diện Tik Tok kể từ ngày 15/5, đặc biệt nội dung được gọi là “phản động”.

TikTok liên tục vướng vào lùm xùm xuất hiện nội dung xấu độc như phim ngắn phản văn hóa, dung tục, các thông tin sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoan, nhiều nội dung cổ xúy hành vi phạm tội.

Đợt kiểm tra toàn diện Tik Tok sẽ diễn ra từ ngày 15/5 cho đến cuối tháng. Một trong những mục tiêu nhắm đến mảng nội dung bị cho “phản động” chống đảng, chống Nhà nước Việt Nam.

Đây là thông tin mới nhất về biện pháp này đối với mạng xã hội Tik Tok do Cục Phát thanh, Truyền hình & Thông tin (PT-TT-TT) thuộc Bộ Thông tin- Truyền thông Việt Nam đưa ra ngày 5/5.

Đại diện cơ quan này cho truyền thông Nhà nước biết kế hoạch, danh sách thành viên đoàn kiểm tra đã được gửi đến các Bộ, ngành liên quan để yêu cầu cử người tham gia. Đó là các bộ gồm Công Thương,Văn hóa- Thể thao- Du lịch, Công an, Tổng Cục Thuế.

Nội dung kiểm tra được cho biết tập trung vào các mảng chính gồm thuế, thương mại điện tử và quảng cáo.

Vào đầu tháng tư vừa qua, Cục Trưởng Cục PT-TT-TT, ông Lê Quang Tự Do, chỉ ra sáu sai phạm của Tik Tok tại Việt Nam. Một trong những sai phạm gồm được nhắc tới là biện pháp kiểm soát những nội dung bị cho vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá đảng cộng sản, Nhà nước Việt Nam.

Tính đến tháng 2/2023, có khoảng 50 triệu người dùng TikTok ở Việt Nam, đứng thứ sáu trong 10 quốc gia có lượng người dùng lớn nhất thế giới, theo số liệu của DataReportal chuyên theo dõi các nền tảng mạng xã hội toàn cầu. 

3. VĂN BÚT QUỐC TẾ HOA KỲ (PEN AMERICA XẾP VIỆT NAM VÀO NHÓM 10 QUỐC GIA ĐÀN ÁP CÁC TÁC GIẢ

Bảng xếp hạng “Tự do Sáng tác 2022” công bố vào cuối tháng 4/2023 kèm theo báo cáo về phần Việt Nam của Văn Bút Hoa Kỳ viết: “Chính phủ Việt Nam tiếp tục bắt giữ và bỏ tù người viết vì đã đưa ra những phát biểu chỉ trích chính phủ Việt Nam, hành vi này bị coi là “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015”.

“Số lượng người viết bị giam giữ tại Việt Nam trong năm 2022 là 16 người. Tương quan với việc chính phủ tăng cường truy cập vào dữ liệu nền tảng, dường như đã có sự gia tăng các vụ bắt giữ và bỏ tù các nhà bình luận trực tuyến tại Việt Nam. Gần như tất cả những người viết bị cầm tù ở Việt Nam—15 trong số 16 người—đều là nhà bình luận trên mạng”, Văn Bút Mỹ cho biết.

Tổ chức này nêu các trường hợp của ông Bùi Văn Thuận, Trần Hoàng Huấn, Lê Mạnh Hà bị phạt tù dài hạn trong năm 2022 hay trường hợp của ông Nguyễn Lân Thắng trong năm nay với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự. Tổ chức này cũng nêu trường hợp của nhà báo Lê Anh Hùng và Phạm Đoan Trang.

“Chính phủ Việt Nam kiểm soát hiệu quả tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống, bao gồm báo chí, truyền hình, đài phát thanh và các ấn phẩm khác. Chính quyền Việt Nam giám sát các không gian trực tuyến để kiểm duyệt và giám sát nội dung trực tuyến” tổ chức này cho biết thêm.

Văn Bút Mỹ cũng ghi nhận việc chính phủ Việt Nam gia tăng áp lực lên các nền tảng công nghệ, yêu cầu nhanh chóng xóa nội dung cụ thể hoặc quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng trực tuyến.

Pen America, tổ chức có trụ sở tại New York với hơn 100 năm thâm niên, tập hợp hơn 7,500 tác giả, nhà báo, cũng lên án Lực lượng 47, một nhóm do Tổng cục Chính trị Quân đội Việt Nam lãnh đạo, được thành lập theo một chỉ thị cùng tên vào năm 2016, hậu thuẫn quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên mạng xã hội.

Văn Bút Hoa Kỳ khuyến nghị Việt Nam hủy bỏ Điều 117 của BLHS, điều khoản được dùng để hình sự hóa các cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ tái giới thiệu và thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam, và yêu cầu Chính phủ Việt Nam tuân thủ các quyên tắc nhân quyền và tự do ngôn luận như một yếu tố nền tảng của mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Trong bảng xếp hạng 2022 của Văn Bút Mỹ, ngoài Việt Nam, hai nước Belarus và Myanmar cũng có 16 người viết bị giam cầm, đồng hạng 4 trên thế giới.

Hôm 3/5, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp Việt Nam vào gần cuối bảng về tự do báo chí 2023, đứng thứ 178/180 quốc gia, chỉ trên Trung Quốc và Triều Tiên.

No comments:

Post a Comment