Monday, May 8, 2023

Phản đối đồng 2 đô-la Úc có hình ‘cờ vàng’: chính trị hoá sự kiện lịch sử

Bình Luận

Như tất cả những chế độ độc tài luôn nơm nớp lo sợ ngày tàn của chế độ, đảng CSVN đã từng yêu cầu Toàn Quyền Úc là tướng David Hurley có biện pháp chế tài những công dân Úc gốc Việt khi họ chỉ trích CSVN. Bây giờ tập thể bại hoại này còn xen lấn vào chuyện nội bộ của quốc gia Úc khi phản đối đồng tiền 2 Đô La mới có hình cờ vàng của VNCH.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Lynn Huỳnh với tựa đề: “Phản đối đồng 2 đô-la Úc có hình ‘cờ vàng’: chính trị hoá sự kiện lịch sử” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Lynn Huỳnh 

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối vụ đồng 2 đô-la Úc có hình ‘cờ vàng’ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước tháng 4-1975. 

Bộ đồng xu 2 đô-la Úc kỷ niệm 50 năm ngày Úc rút quân khỏi miền nam Việt Nam. Trong dải cuống huy bao quanh hình trực thăng UH-1 có hình cờ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. 

Bộ vật phẩm này do Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc sản xuất, chia thành hai loại. Phiên bản giới hạn gồm 5.000 bộ, được mạ vàng và bán với giá 80 đô-la Úc. Phiên bản thường có 80.000 bộ mạ bạc, giá 15 đô-la Úc. 1 đô-la Úc tương đương với 15.648 đồng Việt Nam. 

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói rằng Việt Nam “lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối” hành động của Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc. Theo bà Hằng, Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc “đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh “cờ vàng”, cờ của một chế độ đã không còn tồn tại. Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Úc”. 

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết đã trao đổi với phía Úc và đề nghị “có hình thức dừng lưu hành các vật phẩm này và không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai”. 

Tôi cho rằng phía nhà nước Việt Nam, một lần nữa đã chính trị hóa với ít nhiều yếm thế đối với sự kiện lịch sử mang tính kỷ niệm. 

Màu cờ vàng với 3 sọc đỏ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, lúc đó đây là biểu tượng của đại diện quốc gia là đồng minh của quân đội Úc. Quân đội Úc có mặt tại miền nam Việt Nam là vì màu cờ này, nên giờ kỷ niệm 50 năm ngày Úc rút lui khỏi cuộc chiến ở miền nam Việt Nam, họ ghi nhớ và tưởng niệm màu cờ này trong ký ức của kỷ vật thời chiến là điều hiển nhiên. 

Lá cờ vàng 3 sọc đỏ của miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, cùng với trực thăng UH-1 là một kỷ vật thời chiến. Quân sử Việt Nam Cộng Hòa ghi nhận trong chiến tranh Việt Nam, có khoảng 7.000 trực thăng loại này từng được triển khai kể từ khi chiếc đầu tiên hạ cánh tại miền nam Việt Nam vào năm 1962. Các máy bay được sử dụng để vận chuyển binh lính và hàng hóa, sơ tán y tế, và tấn công từ trên không. 

Khi cuộc chiến kết thúc vào tháng tư, 1975, phía quân đội Hà Nội về sau này đã công bố rằng họ thu được 50 chiếc UH-1 còn nguyên vẹn do Mỹ và quân đội Sài Gòn bỏ lại, sau đó những chiếc trực thăng này nhanh chóng được sửa chữa, hồi phục để đưa vào hoạt động. Trực thăng được sử dụng để tham gia nhiều loại nhiệm vụ gồm vận tải, chở khách, cứu thương, tìm kiếm cứu nạn, trinh sát, huấn luyện và chiến đấu. 

Trong quá khứ chính quyền Hà Nội từng ngăn cản những người lính Úc khi họ muốn được tưởng niệm về cuộc chiến này ngay tại xứ sở mà họ đã đổ xương máu. 

Đó là câu chuyện của tháng 8-2016. Lễ kỷ niệm trận đánh Long Tân dự trù diễn ra ở di tích lịch sử Bia Thánh giá Long Tân, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 18-8-2016. Nhưng vào giờ chót, Việt Nam từ chối cho tổ chức sự kiện đánh dấu 50 năm ngày xảy ra trận đánh nhiều thương vong nhất của quân Úc trong chiến tranh Việt Nam. 

Truyền thông Úc lúc đó đưa tin, sáng 18-8 giờ Úc, Bộ trưởng Cựu binh Úc Dan Tehan nói Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nói chuyện vào buổi tối. “Nhờ Thủ tướng Turnbull kêu gọi chính phủ Việt Nam bày tỏ cảm thông và nhân từ với các cựu binh và gia đình đến Việt Nam, chính phủ Việt Nam quyết định cho phép được đặt vòng hoa tại địa điểm”, ông Tehan nói. “Việt Nam cũng sẽ cho phép các nhóm tối đa 100 người đến thăm địa điểm” – ông Tehan nói chính phủ Úc “rất biết ơn” chính phủ Việt Nam. 

Mặc dù Việt Nam vẫn giữ quyết định không cho phép tổ chức sự kiện theo quy mô ban đầu mà Úc mong muốn, Việt Nam trong ngày 17-8 đồng ý cho phép các nhóm nhỏ tối đa 100 người đến di tích lịch sử Bia Thánh giá Long Tân, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 18-8. 

Úc nói việc tổ chức tưởng nhớ sự kiện đã là chủ đề thương lượng suốt 18 tháng giữa hai nước và Úc tỏ ý thất vọng khi Việt Nam đột ngột thay đổi quyết định vào cuối ngày thứ Ba 16-8. Tin tức lúc đó cũng cho biết đã có hơn 1.000 cựu binh Úc và gia đình đã đến Việt Nam để mong được dự buổi lễ này. 

Thông cáo của Úc khi ấy viết rằng: “Các cựu binh Úc và gia đình đã dự định dự buổi lễ ở Long Tân, có sự kính trọng cả hai bên để tưởng nhớ và vinh danh sự hy sinh của những người đã ngã xuống trong chiến tranh Việt Nam ở cả hai phía”. 

Xem ra chặng đường nửa thế kỷ vẫn chưa đủ để Hà Nội tự tin về vị trí của mình khi hậu chiến đã lùi xa 48 năm rồi. Họ vẫn e ngại cả những kỷ vật thời chiến, chẳng hạn như lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa được thiết kế trong dải cuống huy bao quanh hình trực thăng UH-1 của bộ đồng xu 2 đô-la Úc kỷ niệm 50 năm ngày Úc rút quân khỏi miền nam Việt Nam. 

Royal Australian Mint, Xưởng đúc tiền Hoàng gia Úc, đã viết những dòng sau, khi phát hành hai đồng xu mới này: 

“Khoảng 60.000 người Úc đã phục vụ tại Việt Nam. Hơn 500 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương. Đó là cam kết quân sự lớn nhất của Úc trong nửa sau của thế kỷ XX, và là một trong những giai đoạn gây chia rẽ nhất của đất nước. 

Đồng xu kỷ niệm này tưởng nhớ đến chiến tranh Việt Nam vì những mất mát và thiệt hại mà cuộc chiến gây ra cho những người phục vụ, cũng như tác động của nó đối với nước Úc trong suốt một thập niên đầy biến động”. 

Xin hãy tôn trọng những biểu tượng của kỷ vật chiến tranh thời tao loạn.

No comments:

Post a Comment