Saturday, October 20, 2018

Thái Úy Lý Thường Kiệt

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, sử sách ghi lại, gần một ngàn năm trước nước Việt có một danh tướng phá Tống, bình Chiêm, với tài thao lược, ngài đánh đâu thắng đó, được đời sau xem là một thiên tài về quân sự, một nhà chính trị tài giỏi, một nhà ngoại giao xuất sắc. Ngài đã dựng lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc, đã để lại bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Nam Quốc Sơn Hà” bất hủ với những lời hịch hùng tráng. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Thái Úy Lý Thường Kiệt” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Vương triều Lý kéo dài 216 năm đã khẳng định vị thế độc lập tự chủ của nước Đại Việt từ thời bấy giờ. Ngay thời đó, Thái úy Lý Thường Kiệt đã tuyên bố: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” trong bài hịch “Nam Quốc Sơn Hà”.

Bốn câu thơ bất hủ này đã nói lên ý chí quật cường và tự chủ của giòng giống Lạc Hồng. Bài hịch được đại nguyên soái Lý Thường Kiệt sai người dùng loa đọc lên giữa đêm khuya, phát đi từ một ngôi đền thiêng bên sông Như Nguyệt, làm rúng động quân sĩ cả ta lẫn địch trong trận chiến giữa quân Đại Việt và quân xâm lược nhà Tống từ phương Bắc:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Dịch là:
“Sông núi nước Nam, quyền vua Nam,
Hiển nhiên Thiên định hẳn không lầm.
Giặc bây trái mệnh đòi xâm chiếm,
Thảm bại trông kìa, hỡi lũ tham”.
Lời thơ của ngài đã khiến quân Đại Việt bừng lên ý chí quyết chiến để giữ nước, đồng thời cũng khiến quân Tống nao núng bỏ chạy. Quân ta toàn thắng, đuổi giặc phương Bắc ra khỏi bờ cõi và từ đó Đại Việt không còn phải triều cống nhà Tống nữa.
Đời sau xem 4 câu thơ trên là bản tuyên ngôn độc lập, chủ quyền của Việt Nam là điều hiển nhiên, chứ không cần dựa trên các điều khoản chính trị, kinh tế.
Đức Lý Thường Kiệt tên là Ngô Tuấn, người làng Bắc Biên, xã Phúc Xá (nay thuộc Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ngài sinh năm Kỷ Mùi (1019), mất năm Ất Dậu (1105), hưởng thọ 86 tuổi.
Ngô Tuấn tự là Thường Kiệt, về sau nhờ lập nhiều công trạng, được vua ban cho họ Lý, ghép thành tên Lý Thường Kiệt. Lúc 13 tuổi, cha mất, người chú họ tên là Tạ Đức hỏi ngài về chí hướng, ngài nói muốn trở thành một tướng tài, xông pha trận mạc để lập công, lấy ấn phong hầu, làm vẻ vang nòi giống Tiên Rồng.
Năm 18 tuổi, ngài được sung vào chức Kỵ mã Hiệu úy. Đến đời vua Lý Thánh Tông, ngài được phong chức Kiểm hiệu Thái bảo, đi dẹp loạn phía Tây, vùng Thanh Nghệ và đã bình được 5 châu, 6 huyện, 3 nguồn, 24 động.
Sau đó lên chức Dũng võ uy Thắng công, chức vụ này như một đại tướng, được vua ban Tiết Việt, có quyền “tiền trảm hậu tấu”. Thời gian sau được thăng lên Phụ quốc Thái úy.
Khi nghe tin nhà Tống có ý đồ xâm lấn Đại Việt, ngài tâu với vua Lý Nhân Tông rằng:
“Ngồi chờ quân địch đến, chi bằng ta đánh trước.”
Vua chuẩn tâu, ngài thống lãnh đại quân kéo qua đánh chiếm châu Ung, châu Khâm và châu Liêm. Tại châu Ung, thái thú Tô Giám chống cự 40 ngày và thua trận vào ngày 1 tháng 3 năm 1076. Tô Giám nhục nhã phát cuồng, giết chết 36 gia nhân rồi tự tử. Quân Đại Việt tiến vào chiếm thành châu Ung.
Nghe hung tin, tể tướng Vương An Thạch nổi giận, phong Triệu Triệt, Quách Quỳ làm tướng soái đại quân, liên kết với hai nước là Chiêm Thành, Chân Lạp, cùng tiến quân đánh Đại Việt.
Năm 1077, một lần nữa đức Lý Thường Kiệt vừa là người trực tiếp vạch kế hoạch, cũng vừa là tổng chỉ huy quân dân Đại Việt trong cuộc chiến tranh chống quân Tống xâm lăng. Với trận đại thắng lẫy lừng ở trận chiến Như Nguyệt (tháng 3 năm Đinh Tỵ năm 1077), tên tuổi của ngài đã vang dội khắp nơi và trở thành bất tử trong lịch sử nước Việt. Từ đấy, nhà Tống không dám coi thường nước Đại Việt nữa.
Tinh thần độc lập từ đời Lý, qua đời Trần, Lê, đã khiến Việt Nam là nước duy nhất trong các nước Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử không bị Hán hóa.
Từ nhà Lý, nước Việt đổi quốc hiệu thành Đại Việt, trước đó đã đổi cả kinh đô và tên kinh đô là Thăng Long. Tại Thăng Long thời bấy giờ, một đại học đầu tiên của quốc gia gọi là Quốc Tử Giám được thành lập. Trong nước có nhiều thánh hiền, tướng sĩ giỏi, người dân trọng tín nghĩa, văn hóa xã hội được ổn định trong cuộc sống “Tam giáo Đồng nguyên”, đã khiến nước Việt trở nên một nước duy nhất ở phương Nam chận đứng được quân xâm lược phương Bắc và là một nước có độc lập tự chủ thật sự.
Bài thơ của đức Lý Thường Kiệt làm cho tinh thần dân tộc tự chủ phát khởi và gia tăng hùng khí cho phương Nam trước giặc ngoại xâm phương Bắc. Trong thời điểm đen tối của đất nước, chúng ta cần ôn lại những trang sử oai hùng của dân tộc để khơi lại giòng máu quật cường bất khuất trước sự cai trị độc tài đảng trị của đảng cộng sản Việt Nam, một chế độ đã và đang đẩy dân tộc vào một thời kỳ tối tăm và tồi tệ chưa từng có trong sử Việt, để cùng tranh đấu giải thể chế độ này và noi theo tinh thần dân tộc tự chủ của đức Lý Thường Kiệt để đồng tâm hiệp lực chống giặc ngoại xâm, đòi lại lãnh thổ và lãnh hải mà tập đoàn cộng sản Việt Nam đã dâng hiến cho Trung Cộng.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment