Tuesday, October 23, 2018

Ánh trăng nhà hát Thủ Thiêm màu gì?

Chuyện Nước Non Mình

Thưa quý thính giả, cướp đất Thủ Thiêm của dân chúng một cách không thương tiếc hơn hai mươi năm qua, bây giờ lại bày trò xây nhà hát giao hưởng với ba mục đích: thứ nhất để bịt miệng dân oan khỏi phải trả lại đất, thứ nhì hợp thức hóa đất cướp được và sau cùng là chia chác nhau lợi lộc qua việc xây thì ít mà cất thì nhiều. Tất cả đều là máu của dân. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Ánh trăng nhà hát Thủ Thiêm màu gì?” của Trương Minh Ẩn sẽ được Quê Hương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Khi báo chí vừa đưa tin, Hội đồng Nhân nhân TPHCM thông qua việc xây dựng nhà hát 1 ngàn 500 tỷ tại Thủ Thiêm, từ đó đến nay, vụ này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là bị “ném đá, tặng gạch xây nhà” không thương tiếc.

Rất nhiều kiểu, nhiều cách phản đối khác nhau. Nhiều người cho rằng, xây nhà hát trên đất cướp của dân chúng, của chùa chiền, của nhà thờ, xây dựng trên xương máu của người dân, hợp thức hóa cướp khu đất vàng ở đường Lê Duẩn, hay xây nhà hát Thủ Thiêm để mà biển thủ, để mà tư lợi, lợi ích phe nhóm; trâu buộc ghét trâu ăn, nơi này ăn được thì nơi kia cũng tìm cách dấy máu ăn phần.
Những kẻ tham nhũng trong ngành Văn hóa, Thông tin… không thể đứng ngoài cuộc, công sở nhà nước bây giờ nơi nơi đều ăn, quan quan đều ăn, từ quan lớn, quan nhỏ, cho đến nhân viên quèn, ăn không từ thứ gì. Quan lại là đám ăn trên ngồi trốc, độc đoán quyết định, vô cảm, không quan tâm tới đời sống dân chúng, không quan tâm tới an sinh xã hội, coi dân không ra một thể thống gì. Quan chức ngu dốt thế nhưng luôn muốn chứng tỏ rất hàn lâm; xây dựng để che đậy những sai phạm rành rành đã gây nên…
Rồi sau đó là tới phản đối những ý kiến phát biểu của quan chức. Đặc biệt là các phát biểu nhân danh nọ kia.
Bà Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm, cổ vũ độc tài theo thời quân chủ, “Con lãnh đạo mà làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân tộc”, bà ta nhân danh dân chúng, trong khi họ quyết định không hề hỏi ý kiến của dân: “TP xây nhà hát 1 ngàn 500 tỷ tại Thủ Thiêm vì cần cho người dân”.
Tương tự như bà Quyết Tâm, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng đoàn ĐBQH nói rằng: “Nhà hát giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch là công trình mà Đảng bộ và nhân dân TP mong ước, ấp ủ qua nhiều nhiệm kỳ và cũng là sự trông đợi của cử tri”.
Ông Trần Du Lịch thì nhân danh sự cân bằng, sự phát triển: “TP cả chục triệu dân mà một công trình văn hóa đề ra cả 10 năm mà chưa làm được? Gần 20 năm nay chúng ta đã ưu tiên làm tất cả công trình hạ tầng nhưng mảng văn hóa chúng ta bỏ hoàn toàn. Chúng ta cứ nhìn mất thăng bằng như vậy thì làm sao phát triển được? Bây giờ hỏi công trình văn hóa – thể thao thì thành phố có cái gì? Chúng ta đừng để nó quá chênh lệch, bây giờ thành phố cần phải bù lại những phát triển lệch lạc đó”. Du Lịch đã tự biến mình thành dịch lăng quăng trong những cái lu nước đọng – Dịch Lu.
Ông ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhân danh phát triển kinh tế. Ông ta nói thêm: “Người dân TP đi quốc gia khác thấy nhà hát của người ta như thế mới thấy mình thiệt thòi”. Nói tới người dân, mọi người sẽ nghĩ ngay tới tầng lớp dân chúng nghèo, chiếm đa số trong xã hội hiện tại, người dân nào được đi tới các quốc gia tân tiến hở ông? GDP trên đầu người mỗi năm chưa được 2 ngàn 500 đô Mỹ, lo cái ăn, cái mặc, chăm sóc sức khỏe cũng đã hụt hơi, tiền đâu đi du lịch tới các nước tiên tiến? Ông Nghĩa một thời rất được lòng dân chúng với những phát biểu vì dân, nhưng đó chỉ là những lúc những thời có cái kiểu “có những lúc khùng lên bất tử”, bởi trong cái guồng máy này nó phải vậy, những quan chức nó phải vậy, phải cùng hội cùng thuyền, cùng một giuộc cả. Đừng trông mong có một quan chức ngoại lệ biết thương dân.
Và tiếp nữa là những kẻ theo đóm ăn tàn. Ca sĩ Mỹ Linh, là người được bơm thổi thành Diva, ca hát như rống khóc đám ma, cô ta có cái tên đẹp nhưng tâm hồn khô hạn: “Trẻ em nghèo cũng cần hoa và thứ xa xỉ”, “Đừng lấy lý do dân không cần giao hưởng để phản đối nhà hát Thủ Thiêm”.
Ca sĩ Tạ Minh Tâm, cũng thuộc hạng vô tâm khi ông ta dong dài: “Phải hiểu rằng nhà hát là công trình phúc lợi cả về mặt vật chất lẫn tinh thần chứ không phải xây nên để cho có hay lãng phí tiền của của nhân dân. Nếu có điều kiện, tôi khuyến khích không chỉ xây một mà cần nhân rộng nhiều nhà hát trên địa bàn TP”. Ông Tâm này đã có lần nói: “Nhiều người muốn phá đi cái giá trị cốt lõi của chúng ta” nhưng ông ta không chỉ ra giá trị cốt lõi là gì. Có lẽ ông ta “phản động”, muốn người dân chỉ ra những giá trị cốt lõi ngồn ngộn trước mặt của quan chức trong bộ máy chính thể này: đó là tham nhũng vô độ, đó là tham quyền cố vị, độc tài độc đoán, là bạo lực bạo tàn, là tuyên truyền dối trá lừa mị, là phe cánh, là nhóm lợi ích, là đấu đá phe cánh, là luồn lách bợ đỡ, là mua quan bán chức, là mua bằng mua cấp, đạo tất cả những gì có thể đạo được, là dâm ô, đồi trụy… Có lẽ ông Tâm cũng quỳ gối lê lết để được là Phó giám đốc Nhạc viện TP để rồi ông ta tiếp tục bợ đỡ lãnh đạo qua vụ xây nhà hát?
Nói tới Nhá hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ Kịch, người ta thường nghĩ ngay đến bản Sonata Ánh trăng (Moonlight sonata) của ông nhạc sĩ thiên tài Ludwig van Beethoven. Nhưng ở Nhà hát Thủ Thiêm, lãnh đạo và những kẻ bợ đỡ ăn phần không mang đến ánh trăng đẹp đẽ này, họ mang đến “Nghệ thuât là ánh trăng lừa dối” – Ánh trăng mang màu máu của dân chúng.
Trương Minh Ẩn.

No comments:

Post a Comment