Monday, October 15, 2018

Hiến pháp phải xếp sau Nghị quyết của đảng cộng sản

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, sự kiện đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng được ban chấp hành trung ương CSVN đề cử vào chức chủ tịch nước minh thị cho thấy Hiến Pháp 2013 chỉ là tờ giấy lộn, Đảng đứng trên luật pháp và hiến pháp từ lâu. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trúc Giang với tựa đề: “Hiến pháp phải xếp sau Nghị quyết của đảng cộng sản” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.

Đó là một sự thật, khi hệ thống báo chí của nhà nước đang cổ súy việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị đương nhiệm chức Chủ tịch nước.
“Bốn lý do để Tổng bí thư làm Chủ tịch nước” là tựa bài báo đăng trên báo điện tử Vietnam Net ngày 5-10.

Bài báo nói trên ghi nhận ý kiến của PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. Theo đó, ông Phúc ủng hộ quyết định của Ban chấp hành Trung ương giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – người đứng đầu Ban chấp hành Trung ương, để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Ông Phúc nêu 4 lý do như sau (trích):
“Thứ nhất, ta cũng nên cùng với các nước XHCN khác đã thống nhất chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Ngay ở các nước khác, Tổng thống hay Thủ tướng cũng đều là người đứng đầu các đảng của họ.
Thứ hai, việc thống nhất chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước làm cho chủ trương, đường lối của Đảng triển khai về mặt Nhà nước nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn, tạo thống nhất hơn giữa Đảng với Nhà nước. Người đứng đầu về mặt Đảng, sau khi cùng Trung ương đưa ra đường lối, chủ trương thì được triển khai ngay với cương vị Chủ tịch nước.
Thứ ba, trong điều kiện chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, 7 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì việc thống nhất chức danh sẽ thống nhất được Văn phòng Tổng bí thư và Văn phòng Chủ tịch nước thành 1 cơ quan, thành 1 bộ máy giúp việc chứ không phải 2. Như vậy giảm được một đầu mối, biên chế cán bộ sẽ giảm đi.
Thứ tư, thời điểm này đã có nhân sự cụ thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đủ uy tín, đủ năng lực, đức độ để thực hiện thống nhất chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước”.
4 lý do nêu trên của PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cho thấy đây là cách nhìn khẳng định ở Việt Nam thì Nghị quyết của Đảng có giá trị pháp lý cao nhất.
Hiến pháp 2013, Điều 119 ghi: “1. Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”.
Nếu muốn làm Chủ tịch nước theo đúng quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, trước tiên ông Nguyễn Phú Trọng phải từ nhiệm chức vụ tổng bí thư, để có thể làm tròn trọng trách của Chủ tịch nước.
Thứ nhất, nếu đã so sánh “ngay ở các nước khác, Tổng thống hay Thủ tướng cũng đều là người đứng đầu các đảng của họ”, thì rõ ràng là ông Nguyễn Phú Trọng phải từ nhiệm chức tổng bí thư, vì Chủ tịch đảng Cộng Hòa của Hoa Kỳ là ông Reince Priebus (WI). Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ là người đứng đầu của đảng Cộng Hòa, lẫn đảng Dân Chủ…
Nếu mang ông Nguyễn Phú Trọng so sánh với chức danh Thủ tướng, hay Tổng thống của Nga thì lại càng khiên cưỡng. Thủ tướng Dmitry Medvedev được bổ nhiệm bởi Tổng thống Nga, với sự chấp thuận của Duma Quốc gia. Hiện trong Duma Quốc gia có 6 đảng chính: Đảng Nước Nga thống nhất, đảng Cộng sản liên bang Nga, đảng Dân chủ tự do Nga, đảng Nước Nga công bằng, đảng Rodina, đảng Nền tảng Công dân.
Ngay cả khi mang so sánh chuyện ‘nhất thể hóa’ với Trung Quốc, thì cũng không hề tương đồng. Hiện nay ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngoài đảng Cộng sản Trung Quốc, có 8 đảng được chính thức công nhận…
Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định: Đảng Cộng sản Trung Quốc là chính đảng chấp chính duy nhất, 8 đảng còn lại được gọi là đảng phái dân chủ, hay đảng tham chính.
Thứ hai, nhận định “Người đứng đầu về mặt Đảng, sau khi cùng Trung ương đưa ra đường lối, chủ trương thì được triển khai ngay với cương vị Chủ tịch nước” của PGS.TS. Vũ Văn Phúc là không đúng và cũng không thể, vì thực hiện đường lối, chủ trương là thẩm quyền của chức danh Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, lý do “thống nhất được Văn phòng Tổng bí thư và Văn phòng Chủ tịch nước thành 1 cơ quan, thành 1 bộ máy giúp việc … như vậy giảm được một đầu mối, biên chế cán bộ sẽ giảm đi” cũng là không đúng. Tương tự lý do thứ hai, chuyện điều hành các hoạt động hành chánh, quản trị quốc gia thuộc về Thủ tướng cùng các bộ, ngành.
Thứ tư, hoàn toàn cảm tính cho nhận định thế nào là một người đủ năng lực. Vì nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thật sự có năng lực, thì ngay từ khi ông còn giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, ông đã giúp cho kiến tạo một chính phủ vững mạnh, không phải lâm vào thảm cảnh nền kinh tế tài chính quốc gia chồng chất nợ nần, tham nhũng tràn lan.
Khi là người đứng đầu đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng lại dung dưỡng cho quá nhiều sai phạm của hàng ngũ đảng viên thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư. Như vậy ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm tất cả những vụ tham nhũng đó – bao gồm cả tham nhũng quyền lực, vì ông là người đứng đầu của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư. Đây cũng là lý do để nếu thực sự tự trọng, ông sẽ từ nhiệm vị trí tổng bí thư để có thể về nghỉ ngơi ở tuổi 74; tránh lâm vào cảnh một cụ già ‘vừa phải ẳm em – vừa xay lúa’ cho nền quản trị quốc gia thời hội nhập.
Tuy nhiên, nếu thực sự lâu nay ở Việt Nam tồn tại nền dân chủ giả tạo của việc Hiến pháp phải xếp sau Nghị quyết của đảng Cộng sản như công luận xa gần nói đến, thì người viết vỗ tay đồng tình với tất cả ý kiến của PGS.TS. Vũ Văn Phúc./.
Trúc Giang

No comments:

Post a Comment