Sunday, May 1, 2016

Những Vấn Đề của chúng ta: Phỏng vấn luật sư Đào Tăng Dực

Chủ Nhật, 01.05.2016
Kính thưa quýthính giả, NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA kỳ này xin được thảo luận vấn đề đại họa về môi trường vùng duyên hải các tỉnh từ Hà Tỉnh đến Thừa Thiên- Huế, do chất độc gây chết cá lên đến hàng trăm tấn. Nghi can thủ phạm là nhà máy luyện thép tại Khu Công Nghiệp Vũng Áng, dưới sự quản trị của Formosa Hà Tỉnh- Một công ty vốn nguyên thủy của Đài Loan nhưng kết hợp chặc chẽ với Trung cộng. Diễn giả là Ls.Đào Tăng Dực, Luật Sư Tòa Thương Thẩm New South Wales và Tối Cao Pháp Viện Úc Ðại Lợi. Ls. Đào Tăng Dực hiện là Chủ tịch Ủy Ban Nghiên Cứu Sách Lược Hưng Quốc của LLDTCNTQ, ông tham gia buổi hội luận này từ Sydney, Úc Châu.
1. Thưa LS, hiện nay dư luận đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước đang hoang mang vì thảm họa môi trường trầm trọng do nhiễm độc một vùng biển rộng lớn của Việt Nam, trải dài nhiều tỉnh miền Trung, từ Hà Tỉnh đến Thừa Thiên- Huế, gây chết chóc hằng trăm tấn cá và hải sản, di hại lâu dài cho môi trường sống và nguồn lợi tức của dân chài lưới vùng duyên hải. Xin luật sư cho biết thêm về thảm họa này, thưa luật sư.
Thưa anh và quý thính giả của đài ĐLSN, đúng như anh nói, đây có thể là thảm họa về môi sinh lớn nhất Việt Nam trong lịch sử đất nước. Tuy nguyên nhân chưa được chính thức công bố vì còn trong thời gian điều tra, nhưng dư luận nghi ngờ là hàng tấn hóa chất cực độc bị thải ra một cách bừa bãi do Nhà Máy Luyện Kim tại khu công nghệ Vũng Áng, dưới sự điều hành của một công ty có vốn khởi thủy từ Đài Loan là Formosa Hà Tỉnh, nhưng liên hệ rất nhiều với Trung Quốc, qua những liên hợp công ty và sử dụng nhân công Trung Quốc.
Có thể nói rằng, Khu Kinh Tế Vũng Áng trên nguyên tắc khởi sự là từ Đài Loan, nhưng trên thực tế và trong hiện tại là do Trung Quốc chủ xướng. Hiện giờ tình hình dân chúng, không những tại các tỉnh liên hệ, mà trên toàn quốc đều rất hoang mang vì sợ hãi cho nguồn thực phẩm và sự an toàn sức khỏe lâu dài của toàn dân. Đến nay đã có 1 người chết và 5 người nhập viện vì làm việc trong môi trường có chất thải từ khu công nghệ này.
2. Trước tai họa lớn lao khôn tiền khoáng hậu như vậy, xin Ls. cho biết giới chức trách CSVN có những biện pháp gì để bảo vệ người dân, thưa ông?
Thưa anh và thưa quý thính giả. Phản ứng của giới hữu trách CSVN hoàn toàn bất lực và chậm trễ. Thật vậy hiện tượng cá chết hàng loạt được khám phá khỏang đầu tháng 4. Ngày 21 tháng 4 Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phạm Khánh Ly, cho biết phái đoàn không thể vào khu công nghiệp Vũng Áng được vì "có yếu tố nước ngoài, nên phái đoàn không có thẩm quyền".
Nhiều viên chức cao cấp lại có những tuyên bố bao che cho Vũng Áng như Ông Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng lý do chết cá là do sức ép của âm thanh, sóng, động đất.
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng bộ tài nguyên và môi trường cho rằng việc đặt ống nước thải xuống biển của Formosa là hợp pháp mặc dù không trực tiếp kiểm tra. Hoặc ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tìm cách trấn an dân chúng rằng cá và biển vẫn an toàn, dân chúng cứ yên chí ăn và tắm biển.
Cuộc họp báo dự tính ngày 27 tháng 4 của Ông Võ Tuấn Nhân về nguyên nhân đại họa này, bất ngờ bị hủy bỏ vì chưa thấy mối liên hệ tới Formosa Vũng Áng.
Trong khi đó tính tới ngày 28 tháng 4, thì TBT Nguyễn Phú Trọng và tam trụ triều đình CSVN lại im re, không có một tuyên bố nào về thảm họa trên biển của đất nước cả, ngoài một văn thư ngớ ngẩn đề ngày 25/4 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị "xử lý nghiêm vụ cá chết".
3. Lý do gì làm cho toàn bộ guồng máy lãnh đạo của CSVN hầu như tê liệt trước tai họa tày trời này của đất nước như thế, thưa Ls.?
Thưa anh và thưa quý thính giả. Lý do chính gồm 3 yếu tố: -
Thứ nhất là lãnh đạo nhà nước CSVN cấp cao, lên đến cấp bộ, nhiều khi không phân biệt được những khái niệm chính trị cơ bản, hầu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Họ không ý thức rõ rệt sự khác biệt lớn lao giữa một đặc khu kinh tế (special economic zone) hoặc đặc khu công nghiệp (special industrial zone) bên này và một nhượng địa (ceded territory hay concessions) bên kia.
Là một viên chức cao cấp thuộc trung ương với chuyên nghành chịu trách nhiệm về thủy sản và nông nghiệp, mà ông Phạm Khánh Ly không phân biệt được sự khác biệt giữa một nhượng địa (ceded territory) khi nước ngoài có toàn quyền pháp lý, quản trị, và một khu kinh tế (economic zone) bình thường khi yếu tố nước ngoài hoàn toàn không ảnh hưởng thì chính quyền sở tại có thẩm quyền và trách nhiệm hành xử nghiêm khắc pháp lý của mình, trên quan điểm chủ quyền quốc gia.
Trong trường hợp một đặc khu kinh tế hoặc công nghiệp, tuy những luật lệ có thể khác biệt với phần còn lại của quốc gia, nhưng chỉ với mục tiêu phát triển kinh tế và khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư quốc tế. Chủ quyền quốc gia không hề suy giảm và chính quyền quốc gia có quyền hành xử mọi quyền hạn của mình, theo hiến pháp và luật hiện hành. Trái lại trong trường hợp một nhượng địa (như Hồng Kong nhượng cho Anh Quốc và Ma Cau nhượng cho Bồ Đào Nha bởi Trung Quốc trước đây) thì chủ quyền quốc gia bị mất, trong thời gian hiệp ước nhượng địa còn hiệu lực.
Ngoài yếu tố thiếu hiểu biết, chúng ta không thể loại bỏ yếu tố tham nhũng và bị mua chuộc. Chính trị hiện kim hay money politics là nghề của Trung Quốc, và tham nhũng tại Việt Nam có lẽ còn tệ hại hơn.
Yếu tố thứ 3, nhất là đối với các lãnh tụ chóp bu của đảng CSVN là sự sợ hãi Trung Quốc. Trung Quốc không những là điểm tựa chính trị, mà còn là ân nhân của CSVN từ thủa khai sinh ra đảng. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn là chủ nhân ông của họ và có quyền sinh sát với bất cứ một lãnh tụ CSVN nào muốn sinh tồn trong môi trường chính trị Việt Nam. Họ sợ nhân dân chỉ một, vì họ có quân đội và công an, nhưng họ sợ TQ tới mười. Họ thà hy sinh môi trường sống của nhân dân, nhưng không thể làm thiệt hại quyền lợi của chủ nhân ông là Trung Quốc
4. Như vậy thì toàn dân thật sự không thể mong đợi gì từ nhà cầm quyền CSVN. Thế thì một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân sẽ phải làm gì trong hoàn cảnh này, thưa ông?
Thưa anh và thưa quý thính giả. Một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân sẽ có các biện pháp sau đây:
Vị nguyên thủ quốc gia, tương đương với Chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang, hoặc cơ chế cao nhất nước chịu trách nhiệm, phải gấp rút tuyên bố Vũng Áng là một đại họa có tầm mức quốc gia (National disaster) và ban hành những biện pháp giúp đỡ cấp thiết cho ngư dân các tỉnh, trong khi chờ đợi kết quả điều tra.
Chính phủ gấp rút thành lập một ủy ban điều tra độc lập, với sự cố vấn của những cơ quan quốc tế hoặc của Liên Hiệp Quốc chuyên nghành như WHO (World Health Organization) hoặc những cơ quan quốc tế uy tín về bảo vệ môi sinh, hầu truy tìm nguyên nhân và đề nghị những biện pháp thích đáng để giải quyết hiểm họa và đề phòng những trường hợp tương tự.
Công tố viện của quốc gia, tương đương với Viện Kiểm sát Tối cao Nhân dân thi hành nhiệm vụ luật định hoặc hiến định của mình, điều tra và thẩm vấn mọi cá nhân hoặc cơ chế liên hệ, hầu truy tố trên cả hai phương diện hình (criminal law) lẫn hộ (civil law). Hình thì sẽ có những hình phạt xứng đáng. Hộ thì sẽ phải bồi thường xứng đáng cho tư nhân lẫn cho quốc gia, về những thiệt hại gây ra.
Tuy nhiên với hiến pháp 2013 què quặt và phản dân chủ, với tình trạng vô trách nhiệm và hỗn loạn của CSVN ngày nay, chúng ta không thể hy vọng gì nơi họ cả!
Xin cám ơn Ls. Đào Tăng Dực đã dành thời giờ cho buổi hội luận hữu ích hôm nay và cũng xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình.

No comments:

Post a Comment