Sunday, March 13, 2016

Việt Nam Tuần Qua

Chủ Nhật, 13.03.2016
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh, HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả của đài DLSN cùng chị HA.
Hoàng Ân: Thưa anh TA, anh có ghi nhận như thế nào trước việc Tổng bí thư đảng cộng sản VN ông Nguyễn Phú Trọng tự tố cáo bộ mặt phi dân chủ của chế độ?
Trường An: Theo như tôi được biết, trong một tuyên bố cực kỳ phi dân chủ và rõ ràng là vi phạm hiến pháp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lệnh kiểm soát chặt chẽ lý lịch những người ra ứng cử vào quốc hội.
Trong buổi gặp gỡ gọi là "tiếp xúc với cử tri" ở Hà Nội vào hôm 8/3 vừa qua ông Trọng khẳng định là "không thể để lọt những phần tử thế này thế khác vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước", nhưng lại không giải thích rõ "thế này thế khác" là thế ra sao.
Ngay lập tức, dư luận trên mạng đã ào ạt chỉ trích lời tuyên bố phi dân chủ nói trên của ông Nguyễn Phú Trọng, người đã đắc chí tuyên bố "dân chủ đến thế là cùng", sau khi tái đắc cử chiếc ghế tổng bí thư trong đại hội lần thứ 12 vào tháng Giêng vừa qua.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người tự ứng cử vào quốc hội, tuyên bố câu phát biểu của ông Trọng là tùy tiện và lạm quyền nghiêm trọng. Theo Tiến sĩ A thì ông Trọng không chỉ coi thường pháp luật mà còn thể hiện tâm thức của một người cho rằng mình đứng trên đầu thiên hạ.
Xin nhắc lại là trong đợt bầu cử quốc hội lần này, hàng chục nhà đấu đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại VN đã ào ạt nộp đơn ứng cử nhằm tạo cơ hội cho dư luận có dịp chứng minh câu nói "dân chủ đến thế là cùng" của ông Trọng.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến mới nhất, Hội nghị trung ương 2 của đảng cộng sản VN vừa kết thúc với quyết định buộc ông Nguyễn Tấn Dũng phải rời khỏi chiếc ghế thủ tướng trước thời hạn. Xin anh nói rõ hơn về sự kiện này để gửi đến quý thính giả của đài được tường tận hơn?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 2 tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo cuộc chuyển giao quyền lực sẽ được thực hiện ngay tại kỳ họp quốc hội sắp tới, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.
Cũng theo người đứng đầu đảng CSVN, hội nghị trung ương 2 đã tiến hành bỏ phiếu giới thiệu đối với 3 chức danh còn lại trong hàng "tứ trụ" để giao quốc hội tiến hành "bầu chọn". Như vậy, 500 đại biểu sắp mãn nhiệm của quốc hội khoá 13 sẽ được giao nhiệm vụ hợp thức hoá đối với các vị trí tân lãnh đạo cộng sản, bao gồm chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Quốc hội mới của khoá 14, dự kiến nhóm họp phiên đầu tiên vào tháng 7/2016 sẽ chỉ đóng vai trò bù nhìn khi vấn đề nhân sự đã được hoàn tất trước đó.
3 vị trí chóp bu trong hàng "tứ trụ" sẽ được chuyển giao lại cho các ông Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang và bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Theo giới phân tích thì việc chuyển giao quyền lực đầy vội vã như trên, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn loại bỏ hoàn toàn tầm ảnh hưởng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào trước tháng 5/2016. Đây cũng là thời điểm mà tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ có chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của ông Dũng – điều mà ông Trọng rất thèm muốn nhưng đã không làm được trong chuyến thăm Mỹ trước đó. Có thể thấy, số phận chính trị của Nguyễn Tấn Dũng đã được định đoạt, ngày hạ cánh an toàn chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, tương lai của 2 người con ông này vẫn là điều khó nói trước.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến khác, Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ lên tiếng kêu gọi Hà Nội phóng thích tù nhân Nguyễn Thị Minh Thúy. Xin anh nhắc lại sự kiện này?
Trường An: Vâng! Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã ra thông cáo kêu gọi trả tự do cho 9 nhà báo nữ đang bị các chế độ độc tài bỏ tù. Trong số này có bà Nguyễn Thị Minh Thúy, người cùng bị bắt với blogger Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh và chưa đưa ra xét xử suốt hai năm qua.
Theo ghi nhận của tổ chức nói trên thì trong số 199 nhà báo bị cầm tù trên thế giới, chỉ có 9 người là phụ nữ. Tại châu Á, trong số 71 nhà báo đang ở tù vì các bài viết chống tham nhũng hay cổ xúy cho dân chủ thì có 4 người là phụ nữ, trong số đó có bà Nguyễn Thị Minh Thúy ở VN.
Trong khi đó thì tại Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Bill Cassidy vừa đệ trình một dự luật nhằm ngăn chận các hành vi đàn áp nhân quyền của VN. Một trong những nội dung chính là ép buộc Hà Nội phải đáp ứng một số cải thiện về nhân quyền mà Hoa Kỳ ấn định trong mỗi năm, nếu không thì sẽ bị Hoa Kỳ cắt bỏ các khoản viện trợ nhân đạo.
Tiến sĩ Cassidy, một thành viên thuộc ủy ban nhân quyền Thượng viện Mỹ, cũng đề nghị là VN phải tiến hành cụ thể các bước cải thiện về nhân quyền, trước khi Hoa Kỳ tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí có sức hủy diệt rộng lớn cho VN.
Hoàng Ân: Cũng trong tuần qua công an tỉnh Thanh Hóa loan báo là họ đã tạm giam hai hung thủ đã đánh đập và nổ súng bắn bà Văn Thị Thắng, một phụ nữ đã tham dự cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền cưỡng chiếm bờ biển Sầm Sơn, đẩy hàng trăm gia đình vào nguy cơ mất nơi sinh sống. Anh vui lòng nói rõ hơn về sự kiện này?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, vụ nổ súng diễn ra vào chiều thứ Bảy vừa qua, khi một nhóm thanh niên kéo đến nhà bà Thắng ở khu phố Sơn Hải, phường Trường Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn. Nhận được tiếng kêu cứu của gia đình, hàng trăm người dân đã kéo đến nơi, đưa bà Thắng đi cấp cứu và bao vây đồn công an phường để đỏi công lý. Vào hôm qua, hai hung thủ đã đầu thú công an và khai rằng vụ tấn công là do mâu thuẫn cá nhân, chứ không liên quan đến vụ gia đình bà Thắng tham gia cuộc xuống đường giữ biển để sinh sống.
Trong khi đó thì tập đoàn FLC đưa ra một thông cáo báo chí, nội dung phủ nhận sự liên quan đến cuộc biểu tình của người dân Sầm Sơn kéo dài hơn một tuần qua. Theo thông cáo thì công ty có dự án xây dựng khu nghỉ mát ờ bờ biển, nhưng không liên quan gì đến chủ trương của nhà cầm quyền là dẹp bỏ khu neo đậu thuyền bè của ngư dân.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế. Tình trạng hạn hán và nhiễm mặn đang gây thiệt hại nặng nề cho hàng trăm ngàn nông dân các tỉnh Nam Bộ khiến các gia đình trồng lúa có nguy cơ tiêu tan sự nghiệp. Xin anh nói rõ hơn về các sự kiện này?
Trường An: Theo báo cáo của giới chức nông nghiệp Bạc Liêu thì tổng diện tích ruộng đồng bị hạn hán và nhiễm mặn đã lên đến hơn 11 ngàn mẫu, với các huyện Hồng Dân, Phước Long và Vĩnh Lợi bị thiệt hại nặng nhất. Nhiều gia đình than thở là "năm nay chắc là chết đói".
Ông Đào Văn Vĩnh, chủ tịch hội Nông dân huyện Vĩnh Lợi, cho biết năm nay là năm lao đao nhất của giới nông dân huyện này. Có gia đình gần như trắng tay, hoặc có thu hoạch thì cũng là lúa lép.
Trong khi đó hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh đã công bố tình trạng thiên tai cấp 1, có nghĩa là 8 trong số 13 tỉnh ở miền nam đang gánh chịu cơn hạn hán nặng nề nhất thế kỷ. Trong khi đó thì bộ nông nghiệp VN thúc đẩy tập đoàn lãnh đạo nỗ lực thuyết phục Trung Cộng xả nước ở các đập thượng nguồn để cứu vãn vùng đồng bằng hạ lưu sông Mekong.
Trong công bố vào hôm thứ Năm, giới chức tỉnh Trà Vinh cho biết là hơn 12 ngàn mẫu ruộng ở tình này đang bị nứt nẻ vì hạn hán, và con số này có thể gia tăng gấp đôi trong vài tuần tới. Riêng tỉnh Vĩnh Long thì hơn 3 ngàn mẫu hoa màu có nguy cơ mất trắng. Theo thống kê của bộ nông nghiệp VN thì tính đến đầu tuần này, đã có hơn 140 ngàn mẫu ruộng vườn bị thiệt hại vì hạn hán và nhiễm mặn.
Cần biết là trong mấy tuần qua, các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau cũng đã công bố tình trạng thiên tai. Không chỉ có ruộng đồng bị khô hạn mà hàng triệu người dân miền nam hiện cũng lâm vào tình trạng khan hiếm nước sạch để sinh hoạt. Tại một số địa phương, người dân phải mua nước sạch với giá từ 10 đến 20 Mỹ kim một thước khối.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment