Monday, March 14, 2016

Trọng dân, gần dân hay khinh dân, xa dân

Thứ Hai, 14.03.2016
Cộng sản chủ nghĩa trong bản chất chủ trương kỳ thị và đấu tranh giai cấp. Riêng CSVN, qua lời tuyên bố của TBT Nguyễn Phú Trọng, còn minh thị chủ trương kỳ thị Nam Bắc. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Bùi Tín với tựa đề: "Trọng dân gần dân hay khinh dân xa dân" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây có nói một câu khá hay: "Lãnh đạo Cộng sản trọng dân, gần dân và vì dân". Tôi rất ngỡ ngàng và hoài nghi về câu nói đó. Vì đây là nỗi băn khoăn lớn nhất của tôi hàng mấy chục năm nay. Tôi cho rằng khinh dân, coi thường dân, quay lưng lại với nhân dân là sai lầm, tội lỗi nặng nề nhất, thâm căn cố đế không sao sửa chữa được của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Nếu như từ nay đảng CS cùng ông tổng bí thư trọng dân thật sự, gần dân thật sự thì còn gì hơn nữa. Nhưng có quả thật như thế không?
Tôi nghiệm rằng ngay từ hồi Cách mạng tháng Tám 1945, dưới thời ông Hồ Chí Minh, cái tệ cao ngạo, khinh bạc với nhân dân, với những cá nhân ngoài đảng hết lòng ủng hộ đảng CS cũng đã bộc lộ rõ ràng. Thái độ tàn ác với bà Nguyễn Thị Năm, người từng cưu mang các nhà lãnh đạo của đảng, bị bắn với tội "địa chủ gian ác", dù có hai con trai là cán bộ trong Quân đội Nhân dân, là một bằng chứng hiển nhiên.
Trần Huy Liệu, vốn là đảng viên Quốc dân đảng theo phong trào Việt Minh, dự Hội nghị Tân Trào tháng 8/1945, được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng, từng soạn thảo ra Quân lệnh số 1 phát động cuộc Tổng Khởi nghĩa, những tuần đầu luôn được coi là nhân vật số 2, sau Hồ Chí Minh, làm Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền, trên Võ Nguyên Giáp, thế mà ngay sau đó gần như cho ra rìa, không vào được Ban Chấp hành Trung ương (CHTƯ) đảng, chỉ hoạt động về nghiên cứu lịch sử. Ông Liệu cho biết chỉ vài tuần sau Cách mạng tháng 8, khi Trường Chinh về Hà Nội là ông biết ngay là mình sẽ không còn ở cương vị quyền lực nữa. Ông nói: "Tôi không trách gì người ta, vì đó là nếp nghĩ Stalinit, ai không là CS gốc gác thì không có tín nhiệm. Tôi từng theo Quốc Dân đảng từ năm 1928, khi 27 tuổi, đi tù CS Sơn La năm 1939, nhưng nếp nghĩ vô sản là thế, họ hoài nghi mọi thứ không đâu, trừ bản thân họ".
Trần Văn Giàu cũng là một trí thức lớn, học ở Pháp, vào đảng CS Pháp, sang Nga học trường Đông Phương, bạn của Maurice Thorez, Broz Tito, từng là Bí thư Xứ Ủy Nam Kỳ đảng CS, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Ông Giàu am hiểu tình hình thế giới, luôn có ý kiến độc lập, nên không được Hồ Chí Minh và Trường Chinh tín nhiệm, nên dù được đảng bộ miền Nam giới thiệu, vẫn không được vào Ban CHTƯ. Các ông Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch, Lê Văn Hiến (từng là Bộ trưởng tài chính suốt 10 năm chiến tranh chống Pháp, từng là Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng), Nguyễn Văn Tạo (từng tham gia xứ ủy CS Nam kỳ)... đều không được trọng dụng, cũng chỉ vì là dân miền Nam, không có gốc Bắc, coi thường Trung ương.
Trước Đại hội XII Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tiêu chuẩn tổng bí thư "phải là người miền Bắc" là chia rẽ dân tộc, vi phạm Hiến pháp khi Hiến pháp chỉ rõ các "công dân là bình đẳng, dân tộc Việt Nam thống nhất". Trọng dân, gần dân, nhưng dân miền Bắc thôi, dân miền Nam từng là thuộc địa Pháp, không đáng tin cậy.
Tôi không sao quên sau 30/4/1975, đảng CS phái hơn 120 ngàn cán bộ miền Bắc vào "tiếp quản miền Nam", thuộc đủ ngành nghề, đông nhất là giáo dục, công an, tòa án, quan thuế, quản lý trại giam, hộ khẩu. Các cán bộ đi Nam được nâng một cấp, nhiều giáo viên lên làm hiệu trưởng, hiệu phó các cấp học, từ phổ thông cơ sở đến đại học. Không ít người bị nhiễm tư duy coi dân miền Nam là kém cỏi, thấp hơn dân miền Bắc về mọi mặt do đảng CS truyền cho tư duy trịch thượng nói trên. Họ hãnh tiến, hiếp đáp dân miền Nam, bênh vực nhau, kỳ thị dân bản xứ, gây không biết bao nhiêu oan ức, bất công, dù họ được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, có nhà ở rộng rãi, có tivi, tủ lạnh, xe cộ đi lại, khác hẳn cuộc sống cùng cực thời chiến tranh ở ngoài Bắc. Rõ ràng đảng CS đã nuôi dưỡng ý thức coi dân miền Nam là dân loại hai. Trọng dân là như thế ư?
Tôi được biết không ít trí thức, quân nhân miền Nam đã thành "thuyền nhân" do thấm thía cảnh bị bạc đãi, phân biệt cư xử phi lý như vậy. Điều khá mỉa mai là cán bộ miền Bắc kém rõ dân miền Nam về mọi mặt, kiến thúc chuyên môn, về giao tiếp ngoại ngữ, về kinh nghiệm thực tế và cả về đạo đức nữa.
Nếu lãnh đạo nhìn rõ sự thật, bất công xã hội, tham nhũng tràn lan, bạo lực Nhà nước, Công an đàn áp dân, những nam nữ thanh niên yêu nước bị đánh đập giam cầm, nếu biết tự trọng, họ phải đền ơn đáp nghĩa đông đảo nhân dân đã hy sinh gấp bội đảng viên, lại chưa hề được hưởng thụ xứng đáng, trong khi các quan chức đảng viên giàu lên vô hạn. Lẽ ra đảng phải tạ lỗi với nhân dân đã không giữ đúng lời hứa "vì nhân dân quên mình", "luôn nhường dân hưởng thụ trước", "luôn nhã nhặn khiêm tốn". Thậm chí đảng phải có gan nhận tội và tạ tội với nhân dân, vì đã để cho đất nước trì trệ lạc hậu toàn diện, đứng hạng chót của thế giới về tự do báo chí, tự do ngôn luận, về tôn trọng quyền con người, về vi phạm quyền công dân được Hiến pháp và các Công ước quốc tế bảo vệ, về tính công khai minh bạch tài chính, ngân sách.
Lẽ ra đảng CS lúc này phải cùng nhau công nhận: "Mọi bất công xã hội, mọi trì trệ lạc hậu về mọi mặt, mọi bất công ghê gớm trong chênh lệch thu nhập, người dân lương thiện bị cướp đất, cướp của, hà hiếp, nạn tham nhũng tràn lan bất tri, nạn lãng phí phô trương vô độ... đều thuộc về trách nhiệm của đảng CS, trước hết là của bộ máy lãnh đạo. Chúng tôi rất ân hận xin nhận tội với toàn dân trong, ngoài nước để răn mình và sửa mình"./.
Bùi Tín

No comments:

Post a Comment