Friday, May 16, 2025

THỎA THUẬN QUAN THUẾ TẠM THỜI GIỮA MỸ VÀ TRUNG CỘNG

Bình Luận

Cuộc đối đầu thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã tạm thời lắng dịu với thỏa thuận về thuế quan vừa đạt được qua cuộc họp tại Geneva, Thụy Sĩ, trong dịp cuối tuần 10-11 tháng 5, 2025.

Để biết kết quả của cuộc họp này, và đặc biệt là ảnh hưởng của thỏa thuận này đối với nền thương mại của Việt Nam, trong chuyên mục BÌNH LUẬN hôm nay, kính mời quý thính giả theo dõi bài viết của tác giả THẾ VŨ, thành viên BAN BIÊN TẬP Đài ĐLSN, do Nguyên Khải trình bày sau đây ...

Cuộc đàm phán thuế quan Mỹ - Trung diễn ra tại Geneva vào cuối tuần qua đã kết thúc với một thỏa thuận tạm thời quan trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là kết quả đạt được sau nhiều thách thức do 2 bên đưa ra kéo dài từ đầu năm 2025 đến nay, và cả hai bên đều chịu tổn thất kinh tế do các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau. Cuộc họp lần này có sự tham dự của các quan chức cấp cao, bao gồm Phó Thủ tướng Trung Cộng Hà Lập Phong, cùng Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer.

Thỏa thuận mới nhằm giảm bớt các biện pháp thuế quan đã áp đặt lên hàng hóa của nhau từ đầu năm 2025. Hoa Kỳ cam kết giảm thuế đối với hàng hóa Trung Cộng từ 145% xuống còn 30% trong vòng 90 ngày, bắt đầu từ ngày 14 tháng 5 năm 2025. Về phía Trung Cộng, Bắc Kinh cũng đồng ý giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%, đồng thời tạm ngưng các biện pháp phi thuế quan đã áp dụng từ đầu tháng 4.

Ngoài ra, hai bên cũng đồng ý thiết lập cơ chế đối thoại thương mại định kỳ để theo dõi và đánh giá mức độ tiến triển trong việc thực hiện thỏa thuận. Các cuộc họp định kỳ sẽ diễn ra mỗi tháng một lần với sự tham gia của đại diện cao cấp của hai phía. Điều này nhằm duy trì đối thoại thường xuyên và ngăn ngừa căng thẳng tái bùng phát khi thời hạn 90 ngày kết thúc.

Dù vậy, thỏa thuận lần này vẫn chưa giải quyết được những vấn đề cốt lõi trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục là điểm nóng khi Washington cáo buộc Bắc Kinh chưa thực sự thi hành các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn các hành vi đánh cắp công nghệ. Đáp lại, Trung Cộng tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng khoảng cách giữa cam kết và thực tế vẫn còn lớn.

Vấn đề chuyển giao công nghệ cưỡng ép cũng là đề tài quan trọng trong đàm phán. Hoa Kỳ yêu cầu Trung Cộng cam kết không áp dụng các biện pháp buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Cộng. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn từ chối đưa ra cam kết cụ thể do lo ngại ảnh hưởng đến chiến lược phát triển công nghệ nội địa.

Thỏa thuận này đã có ảnh hưởng ngay lập tức tới thị trường tài chính toàn cầu. Chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần. Giá dầu Brent cũng tăng lên mức 67 Mỹ Kim 1 thùng, phản ánh tâm lý lạc quan của giới đầu tư về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Tại Trung Cộng, các doanh nghiệp xuất khẩu hy vọng rằng việc giảm thuế sẽ giúp họ phục hồi sau nhiều tháng đình trệ do các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nếu Bắc Kinh không tuân thủ cam kết đã đưa ra.

Trước việc Mỹ và Trung Cộng ký kết thỏa thuận thuế quan, phản ứng của thế giới nhìn chung khá tích cực. Dù chỉ mang tính tạm thời và kéo dài trong 90 ngày, nhưng thỏa thuận này phần nào giúp ổn định thị trường toàn cầu sau thời gian dài đối đầu căng thẳng. Trong thời gian qua, thương mại quốc tế đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ các đòn thuế quan qua lại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng, tương tự như câu châm ngôn “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Thỏa thuận này dù chỉ là giải pháp ngắn hạn nhưng đã mang lại hy vọng cho thị trường và các doanh nghiệp quốc tế trong bối cảnh nền kinh tế đang chật vật để phục hồi.

Đối với Việt Nam, thỏa thuận này có thể tạo ra những tác động hai chiều. Trong ngắn hạn, các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc Mỹ và Trung Cộng giảm thuế, giúp hàng hóa Việt Nam duy trì sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nếu Trung Cộng khôi phục thương mại với Mỹ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn để giữ vững được số lượng hàng hóa xuất cảng.

Ngoài ra, việc Trung Cộng cam kết gia tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ cũng đặt ra thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Trung Cộng hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt với các mặt hàng như gạo, cà phê và trái cây. Nếu Bắc Kinh chuyển hướng nhập khẩu sang hàng hóa Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn để có thể duy trì được số lượng xuất cảng như trước kia.

Tóm lại, thỏa thuận tạm thời Mỹ - Trung tại Geneva tuy không toàn diện nhưng đã góp phần giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước và mang lại những cơ hội cho các nước thứ ba, trong đó cóthể có cả Việt Nam./.

 

No comments:

Post a Comment