Một hệ thống pháp luật hiệu quả phải bảo đảm sự thống nhất giữa Hiến Pháp và các văn bản luật dưới Hiến Pháp. Tuy nhiên, tại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, mối quan hệ giữa Điều 25 của Hiến Pháp 2013 và Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự cho thấy một sự mâu thuẫn nghiêm trọng.Mời quý thính giả nghe phần bình luận của tác giả Giao Phương Trần, thành viên Ban Biên Tập đài ĐLSN với tựa đề: “Mâu Thuẫn Giữa Điều 25 Hiến Pháp 2013 Và Điều 117 Bộ Luật Hình Sự Của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Giao Phương Trần
Điều 25 khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình của công dân. Trong khi đó, Điều 117 lại quy định xử lý hình sự đối với các hành vi bị xem là “chống phá Nhà Nước” như làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin bị coi là “xuyên tạc”, “bịa đặt”, gây “hoang mang trong nhân dân” hoặc “chiến tranh tâm lý.”
Từ góc nhìn của các luật gia quốc tế, Điều 117 không chỉ mâu thuẫn với Điều 25 mà còn vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền, đặc biệt là Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR). Bài viết này sẽ phân tích mâu thuẫn trên ba khía cạnh chính: (1) Điều 117 làm suy yếu tính tối cao của Hiến Pháp, (2) Vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về quyền tự do ngôn luận, và (3) Tạo ra tác động tiêu cực đối với xã hội dân sự và sự phát triển dân chủ.
Hiến Pháp Việt Nam được xem là luật tối cao của đất nước, đặt nền tảng cho quyền và nghĩa vụ của công dân. Theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền, mọi quy định pháp luật khác phải phù hợp với Hiến Pháp. Tuy nhiên, Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự lại trái ngược hoàn toàn với Điều 25 khi thực tế hạn chế, thậm chí vô hiệu hóa, các quyền tự do mà Hiến Pháp quy định.
Có thể liệt kê một số điểm mâu thuẫn quan trọng như sau: Trong khi Hiến Pháp quy định bảo vệ, thì Bộ Luật Hình Sự trừng phạt. Điều 25 công nhận quyền tự do ngôn luận, trong khi Điều 117 quy định xử phạt nghiêm khắc đối với những người bày tỏ quan điểm trái chiều. Đã vậy, còn mang tính mơ hồ trong quy định pháp luật, bởi các thuật ngữ như “xuyên tạc”, “bịa đặt”, “gây hoang mang” trong Điều 117 không có định nghĩa rõ ràng, dẫn đến nguy cơ diễn giải tùy tiện.
Đó là chưa nói đến mâu thuẫn với nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Một nhà nước pháp quyền đòi hỏi luật pháp phải rõ ràng, dễ hiểu và không thể bị lạm dụng để đàn áp người dân.Mâu thuẫn này khiến Điều 25 trở nên vô nghĩa trên thực tế, khi công dân không thể thực hiện quyền tự do biểu đạt mà không sợ bị truy tố theo Điều 117.
Đừng quên, Việt Nam là thành viên của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân sự và Chính Trị (ICCPR) như đã nói ở trên, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ Điều 19 của Công Ứớc, trong đó bảo vệ quyền tự do ngôn luận, như Bình Luận Chung số 34 của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hợp Quốc. Các hạn chế đối với tự do ngôn luận phải rõ ràng và hợp pháp. Điều 117 trong Bộ Luật Hình Sự có ngôn ngữ quá rộng và mơ hồ, khiến mọi cá nhân đều có thể bị kết tội chỉ vì phát biểu quan điểm. Kế đến, chỉ được hạn chế trong trường hợp thực sự cần thiết như: Quyền Tự Do Ngôn Luận chỉ có thể bị hạn chế nếu có nguy cơ thực sự đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Điều 117 này thường được sử dụng để trừng phạt những người bày tỏ quan điểm ôn hòa.
Các nước dân chủ như Đức, Canada hay Nhật Bản đều có luật bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng không sử dụng chúng để trấn áp những ý kiến trái chiều. Trong khi đó, Điều 117 của Việt Nam lại giống với các điều luật về “tuyên truyền chống Nhà Nước” ở các quốc gia có chế độ độc tài như Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên.
Một hệ quả nguy hiểm của Điều 117 là tạo ra hiệu ứng sợ hãi, khiến người dân tự kiểm duyệt bản thân để tránh rủi ro pháp lý. Điều này có tác động tiêu cực đến báo chí và truyền thông độc lập, các nhà báo và blogger không dám đưa tin về các vấn đề nhạy cảm như tham nhũng hay vi phạm nhân quyền. Các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội bị đe dọa và truy tố khi lên tiếng về các chính sách của chính phủ.
Do tính mơ hồ của Điều 117, nhà cầm quyền có thể tùy ý diễn giải để trừng phạt những người bất đồng chính kiến. Các báo cáo của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế và Human Rights Watch đã ghi nhận nhiều trường hợp trong đó các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền bị kết án nặng nề chỉ vì đăng bài viết hoặc chia sẻ quan điểm trên mạng xã hội.
Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự rõ ràng vi phạm Hiến Pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế về quyền tự do ngôn luận. Việc duy trì một điều luật mơ hồ và dễ bị lạm dụng như vậy không chỉ cản trở sự phát triển dân chủ mà còn làm suy yếu lòng tin của người dân vào hệ thống pháp luật. Để tiến tới một xã hội minh bạch và công bằng hơn, Việt Nam cần có những cải cách pháp lý quyết liệt để bảo đảm rằng quyền tự do ngôn luận được bảo vệ một cách thực sự. Do đó, Điều 117 Bộ Luật Hình Sự cần phải được hủy bỏ.
No comments:
Post a Comment