Saturday, March 29, 2025

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Một nghệ sĩ tài hoa về thơ văn, thành thạo các loại nhạc cụ, có năng lực xuất sắc trong lãnh vực hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Ông là người thiết kế nhiều công trình để đời có giá trị về kỹ thuật và mỹ thuật, điển hình là Dinh Độc Lập và Viện Đại học Huế.

Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sinh ngày 17/9/1926 tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (Huế). Thân phụ là Ngô Viết Quang, nhà Nho học uyên thâm, là giáo sư của trường Kỹ Thuật Huế.

-Năm 1948, Ngô Viết Thụ lập gia đình với bà Võ Thị Cơ khi đang học dự bị kiến trúc tại trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt.

-Năm 1950, theo học nghành kiến trúc tại Viện Kiến Trúc Hoa Kỳ.

-Năm 1955, ông nhận giải nhất Giải thưởng Grand Prix de Rome. Báo chí thời trước gọi là “giải Khôi nguyên La Mã”. Đây là Giải thưởng Quốc gia cao nhất về kiến trúc tại Pháp trong suốt thời kỳ 250 năm trước năm 1968. Ông là thành viên của hội Kiến trúc sư Pháp từ năm 1955 và là thành viên Kiến trúc sư đoàn Việt Nam từ năm 1958.

-Trong thời gian từ năm 1955 đến năm 1958, ông lưu trú tại Biệt thự Medicis của Viện Hàn Lâm Pháp tại Roma để nghiên cứu về quy hoạch và kiến trúc. Các triển lãm kiến trúc, quy hoạch và hội họa hàng năm của ông trong suốt 3 năm, đều được vinh dự có tổng thống Pháp và tổng thống Ý đến cắt băng khánh thành. Ông là tác giả công trình xây Tòa Đại sứ của Việt Nam tại Anh vào năm 1959. Ông cộng tác với các kiến trúc sư Oliver Clément Cacoub và Paul Tournon thiết kế Cung Nghệ thuật Quốc tế tại Paris.

-Năm 1960, ông về Việt Nam làm việc theo lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông tổ chức triển lãm các dự án nghiên cứu của ông ở châu Âu tại Tòa Đô Chính Sài Gòn.

-Năm 1961, ông cùng với nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế thiết kế đồ án Quy hoạch cảnh quan Công trường Mê Linh, Hội chợ Quốc tế và Làng Đại học Thủ Đức. Quan trọng nhất là ông lập đồ án quy hoạch cho khoảng 30 đô thị, tỉnh lỵ, và thị xã mới tại miền Nam Việt Nam.

-Năm 1962, lúc 36 tuổi, ông là người Á châu đầu tiên và trẻ nhất trở thành Viện sĩ Danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (American Institute of Architects) trước cả kiến trúc sư Kenzo Tange, cùng thời với các kiến trúc sư danh tiếng của Hoa Kỳ như: J.H.Van den Broek, Arne Jacobsen, Steen Eiler Rasmussen, Hector Mestre và John B. Parkin. Nguyên nhân chính là nhờ vào 2 công trình ban đầu do KTS người Mỹ thiết kế, sau đó được ông chỉnh sửa lại là Viện Nguyên tử Đà Lạt và Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, nên ông nhận được sự cảm phục và đề cử của các kiến trúc sư người Mỹ.

Trong thời gian từ năm 1962 đến 1975, ông thiết kế nhiều công trình đầy giá trị về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Nổi bật là Dinh Độc Lập, Viện Đại học Huế, Khu công nghiệp An Hòa Nông Sơn, Nhà máy dệt Phong Phú, Khách sạn Hương Giang, Nhà thờ chính tòa Phủ Cam, tầng trên cùng Khu Hội nghị Quốc tế của Khách sạn Majestic, Thương xá Tam Đa, trường Đại học Nông nghiệp Thủ Đức.

-Ngày 9/3/2000, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ bị tai biến mạch máu não, từ trần tại nhà số 22 đường Trương Công Định, Quận 3 Sài Gòn, hưởng thọ 75 tuổi.

*****

Ngoài biệt tài về lãnh vực kiến trúc, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ còn có năng lực xuất sắc trong lãnh vực hội họa, với các bức trang nổi tiếng tên Thần Tốc, Hội Chợ, Bến Thuyền và bộ tranh Sơn Hà Cẩm Tú gồm 7 bức, mỗi bức dài 2 thước ngang 1 thước, được treo trong Dinh Độc Lập. Ngoài ra, ông còn là một nhà điêu khắc nổi tiếng với nhiều tác phẩm bằng kim loại được đặt trước Tòa Đô Chính ở Sài Gòn. Đặc biệt ông sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn tranh, đàn kìm và sáo. Ông cũng là một thi nhân có tài, đã để lại hàng trăm bài thơ có giá trị.

Đáng tiếc là một số công trình quan trọng của ông đã bị thay đổi thiết kế nguyên bản vì lý do kinh phí, chỉ giữ được phần nào quy mô chứ không còn thể hiện đúng phong cách thiết kế của ông, như Nhà thờ chính tòa Vĩnh Long, Trụ sở Hàng không Việt Nam và Chợ Đà Lạt.

Sinh thời, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thích nghiên cứu và học hỏi về phong thủy, nên ông thường vận dụng phong thủy vào mỗi thiết kế kiến trúc do ông đề xướng. Ông và đồng nghiệp thân thiết là kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bảo, cùng nghiên cứu sâu rộng về phong thủy theo tinh thần khoa học và văn hóa Phương Đông, chứ không thiên về mê tín dị đoan. Ông được giới khoa bảng xem là nhà trí thức tài ba và đức độ.

Mặc dù kiến trúc sư Ngô Viết Thụ về cõi vĩnh hằng hơn 25 năm, nhưng tên ông vẫn được nhiều người nhắc đến do năng lực xuất sắc trong lãnh vực hội họa, điêu khắc và nhất là ông đã góp phần làm rạng rỡ nghành kiến trúc Việt Nam.

Kính chào vĩnh biệt kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, một nhân tài tâm đức của đất nước Việt Nam.

 

No comments:

Post a Comment