Nêu lý do cần thu gọn bộ máy hành chánh và tránh phí phạm, ngày 15 tháng 3 năm 2025, Tổng thống Hoa Kỳ đã ký sắc lệnh đóng cửa các cơ quan truyền thông quốc tế quan trọng và có quá trình hoạt động lâu dài. Quyết định này đã đưa đến một số hậu quả bất lợi cho nỗ lực đấu tranh chống độc tài tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Kính mời quý thính giả theo dõi bài quan điểm của Lực Lượng Cứu Quốc về sự kiện này, tựa đề “BÀI HỌC CỦA CHÚNG TA QUA SỰ KIỆN CÁC ĐÀI VOA, RFA BỊ ĐÓNG CỬA”sẽ do Hướng Dương trình bày sau đây ....
Việc chính quyền Hoa Kỳ quyết định đóng cửa các đài truyền thông lớn như Voice of America (VOA), Radio Free Asia (RFA), Radio Free Europe/Radio Liberty (RFE/RL), và Radio/TV Martí đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên toàn cầu. Những đài này không chỉ là biểu tượng của “sức mạnh mềm” Mỹ trong nhiều thập niên qua mà còn đóng vai trò then chốt trong việc truyền bá thông tin độc lập đến các khu vực mà tự do báo chí bị hạn chế. Vì vậy, quyết định đột ngột này đã thu hút sự chú ý rộng rãi từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, giới truyền thông và công chúng toàn cầu.
Đối với các tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do báo chí như Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), và Tổ chức Ân xá Quốc tế đều lên tiếng chỉ trích hành động này. Trong các thông cáo chung, họ bày tỏ quan ngại rằng việc Hoa Kỳ chấm dứt hoạt động của các cơ quan truyền thông này có thể làm suy yếu nghiêm trọng cam kết của Hoa Kỳ đối với quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin – hai giá trị nền tảng của nền dân chủ.
Christophe Deloire, Tổng thư ký của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới - RSF, cho rằng việc đóng cửa các đài này không chỉ là vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ mà còn có tác động toàn cầu, và nhấn mạnh“Trong khi các chế độ độc tài trên thế giới ngày càng siết chặt truyền thông, sự biến mất của những tiếng nói khách quan như VOA hay RFA sẽ khiến hàng triệu người mất đi nguồn thông tin đáng tin cậy.”
Phản ứng từ chính phủ các nước cũng rất sôi nổi, mạnh mẽ.
Các nước phương Tây như Đức, Pháp, Canada và Anh đều bày tỏ thất vọng về quyết định này. Chính phủ Đức gọi đây là một “bước thụt lùi trong cuộc chiến toàn cầu chống lại sự thao túng thông tin và tuyên truyền sai lệch.” Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh rằng “thông tin độc lập và đa chiều là trụ cột của xã hội dân chủ, và Hoa Kỳ đã từng dẫn đầu trong nỗ lực lan tỏa các giá trị đó.”
Đáng chú ý, nhiều quốc gia nơi mà các đài này hoạt động mạnh như Trung Quốc, Iran, Cuba hay Nga lại tỏ ra hài lòng. Truyền thông nhà nước tại các nước này nhanh chóng đăng tải tin tức và bình luận cho rằng “Hoa Kỳ cuối cùng cũng thừa nhận sự thất bại của mô hình tuyên truyền” và coi đó là một chiến thắng về mặt tuyên truyền trong cuộc chiến ảnh hưởng toàn cầu.
Riêng tại Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội tỏ ra thận trọng nhưng không giấu được sự hài lòng trước diễn biến này. Dù không có tuyên bố chính thức ngay lập tức, nhưng báo chí nhà nước và các cơ quan truyền thông do Đảng Cộng sản kiểm soát đã nhanh chóng đăng tải các bài viết mang tính chỉ trích các đài này từ lâu vốn bị cáo buộc là “công cụ tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam.”
Một bài viết trên báo Quân đội Nhân dân đăng tải sau khi thông tin được xác nhận đã viết, xin trích “Việc Hoa Kỳ chấm dứt hoạt động của các đài như RFA hay VOA cho thấy chính bản thân họ cũng phải nhìn nhận lại tính chính đáng và hiệu quả của những ‘kênh thông tin không khách quan’, thường xuyên phát tán tin giả, kích động chống đối và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.”
Đối với không ít người dân Việt Nam – những người đã theo dõi chương trình phát thanh tiếng Việt của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) từ năm 1951 và Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ tháng 2 năm 1997 – việc hai đài này ngưng phát sóng là một mất mát lớn.
VOA và RFA, không chỉ cung cấp thông tin về tình hình trong nước và thế giới, mà còn đặc biệt chú trọng đưa tin về hoàn cảnh các tù nhân lương tâm cùng gia đình họ. Việc phơi bày những sự thật này đã phần nào góp phần kiềm chế sự đàn áp của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, việc hai cơ quan truyền thông quốc tế quan trọng này – trực thuộc chính phủ Hoa Kỳ – bị đóng cửa đã cho thấy một thực tế rõ ràng: chính sách của một quốc gia, dù là đồng minh hay đối tác chiến lược, luôn có thể thay đổi theo thời thế và nhu cầu riêng của họ. Trong mọi hoàn cảnh, lợi ích quốc gia của họ luôn được đặt lên hàng đầu, vượt trên mọi cam kết hay thiện chí đối với các dân tộc khác.
Thực tế ấy đã từng lộ rõ qua biến cố 30 tháng Tư năm 1975 đối với người dân miền Nam Việt Nam, và qua việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8 năm 2021. Gần đây hơn, là việc cắt giảm viện trợ cho Ukraine giữa lúc chiến tranh còn đang tiếp diễn.
Chính vì vậy, đặc biệt trong cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ cho dân tộc Việt Nam, bài học cốt lõi là: phải biết đứng vững trên đôi chân của chính mình. Chỉ khi chủ động tự lực, công cuộc đấu tranh mới có thể tiếp tục, dù sự hỗ trợ từ bên ngoài có suy giảm hay thay đổi. Có như vậy, dù hành trình có gian nan, chúng ta vẫn giữ được hướng đi đến ngày đạt được mục tiêu tối hậu.
No comments:
Post a Comment