Việc cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị bắt vào ngày 11 tháng 3 năm 2025 đã tạo ra làn sóng chấn động trong chính trường quốc gia. Tổng thống đương nhiệm Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. đã tuyên bố rằng vụ bắt giữ này là một phần trong cam kết của Philippines đối với luật pháp quốc tế, đặc biệt là với Interpol.
Mời quý thính giả nghe phần bình luận của tác giả Giao Phương Trần, thành viên Ban Biên Tập đài ĐLSN với tựa đề: “Gặp Thời Thế, Thế Thời Phải Thế”, Đồng Minh Hay Đối Thủ Giữa Hai Gia Tộc Quyền Thế Tại Phi?”qua sự trình bày của Miên Dương để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay.
Giao Phương Trần
Như đã trình bày trong một bài viết trước đây,ngày 7 tháng 3 năm 2025, ICC phát lệnh bắt giữ cựu tổng thống Duterte, cho rằng việc này là cần thiết để bảo đảm ông ta ra trình diện và bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc điều tra.
Tổng thống Marcos Jr. nhấn mạnh rằng vụ bắt giữ cựu tổng thống Duterte không phải là hành động đàn áp chính trị mà là nghĩa vụ pháp lý của Philippines theo luật quốc tế. Ông tuyên bố rằng Philippines phải tuân thủ cam kết với Interpol và cộng đồng quốc tế trong việc thực thi công lý.
Vụ bắt giữ Duterte đã làm dấy lên phản ứng trái chiều trong nước, phản ánh sự chia rẽ sâu đậm trong chính trường Philippines. Chủ tịch Thượng viện Francis Escudero kêu gọi bảo đảm quyền xét xử công bằng và cảnh báo chống lại việc lợi dụng vụ bắt giữ này để phục vụ lợi ích chính trị, đặc biệt khi cuộc bầu cử năm 2025 đang đến gần. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Imee Marcos, chị gái của Tổng thống, chỉ trích vụ bắt giữ và cho rằng nó có thể gây bất ổn, đặt câu hỏi liệu điều này có thực sự mang lại lợi ích gì cho người dân Philippines hay không? Bà cũng khởi xướng một cuộc điều tra của Thượng viện về cách thức bắt giữ Duterte, nhấn mạnh lo ngại về tính hợp pháp có thểđược xem là chính trị hóa.Phó Tổng thống Sara Duterte, con gái của Duterte, đã lên án vụ bắt giữ là một động thái có động cơ chính trị. Bà cáo buộc chính quyền Marcos vi phạm chủ quyền quốc gia khi hợp tác với ICC. Căng thẳng này cho thấy tổng thống Marcos phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc giữ cân bằng giữa tuân thủ pháp lý quốc tế với nỗ lực duy trì liên minh chính trị trong nước.
Vụ bắt giữ cựu Tổng thống Rodrigo Duterte không chỉ là một sự kiện pháp lý mà còn làm gia tăng căng thẳng giữa hai dòng họ quyền lực bậc nhất Philippines: gia đình Duterte và gia đình Marcos. Mặc dù từng là đồng minh trong cuộc bầu cử năm 2022, quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi, đặc biệt từ khi chính quyền Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. bắt đầu có những động thái xa rời gia tộc Duterte. Việc Duterte bị bắt giữ càng làm trầm trọng thêm rạn nứt này, tạo nên một cuộc đấu tranh quyền lực phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân hai gia đình mà còn định hình tương lai chính trị của Philippines.
Trước khi trở thành đối thủ chính trị, gia đình Duterte và Marcos từng có mối quan hệ khá tốt đẹp. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, Sara Duterte – con gái của cựu Tổng thống Duterte – đã đồng ý liên danh với Bongbong Marcos và trở thành Phó Tổng thống Philippines. Điều này tạo ra một liên minh chính trị vững mạnh, kết hợp sự ủng hộ của nhóm cử tri trung thành với Duterte ở miền Nam và phe bảo thủ trung thành với dòng họ Marcos ở miền Bắc.
Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Marcos Jr. dần có những chính sách không hoàn toàn thuận lợi cho gia đình Duterte. Sự rạn nứt bắt đầu từ việc chính quyền Marcos hợp tác trở lại với các tổ chức quốc tế, bao gồm cả ICC, điều mà Duterte từng kiên quyết phản đối. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Marcos có dấu hiệu muốn mở rộng quyền lực mà không cần dựa vào gia đình Duterte, khiến mối quan hệ giữa hai bên dần xấu đi.
Nếu Duterte bị xét xử tại ICC, phe ủng hộ ông có thể dùng điều này để chỉ trích Marcos là một nhà lãnh đạo yếu kém, sẵn sàng hy sinh đồng minh để làm hài lòng cộng đồng quốc tế. Điều này có thể làm suy yếu vị thế của Marcos và khiến ông mất đi sự ủng hộ từ những cử tri từng tin tưởng vào liên minh Duterte-Marcos.Ngoài ra, sự kiện này có thể giúp gia đình Duterte tạo dựng lại ảnh hưởng trong chính trường Philippines. Nếu Sara Duterte quyết định ra tranh cử tổng thống vào năm 2028, bà có thể sử dụng việc này để kêu gọi một chiến dịch “trả lại công lý” cho cha mình, từ đó thu hút một lượng lớn cử tri.
Liên minh Marcos-Duterte, được hình thành trong cuộc bầu cử năm 2022 khi Marcos tranh cử chung liên danh với con gái của Duterte, Sara, làm phó tổng thống, tan rã vào năm 2025 với những khác biệt về chính sách—đặc biệt là sự chuyển hướng của Marcos sang Hoa Kỳ và rời xa lập trường thân Trung Quốc của Duterte.
Từ góc nhìn của Marcos, vụ bắt giữ Duterte đến vào một thời điểm thuận lợi trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 5 năm 2025, một phép thử quan trọng cho quyền lực của chính quyền ông, với viễn ảnh Sara Duterte bị gạt ra ngoài lề và cha của bà giờ đây đối mặt với phiên tòa ở The Hague, cỗ máy chính trị của gia tộc Duterte—đầy sức mạnh nhờ sự nổi tiếng của cựu tổng thống Duterte và nền tảng phó tổng thống của Sara—phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng. Marcos có lẽ coi đây là cơ hội kịp thời để củng cố quyền lực của mình, làm suy yếu một gia tộc đối thủ, và định hình lại câu chuyện chính trị.
Với phương châm “gặp thời thế, thế thời phải thế” Marcoschấp nhận xem vụ bắt giữ này là một nghĩa vụ do bên ngoài thúc đẩy, Marcos né tránh cáo buộc đàn áp trong khi vẫn gặt hái được lợi ích chính trị từ việc làm suy yếu đối thủ.
Trên trường quốc tế, vụ bắt giữ nâng cao uy tín của Marcos, nhận được lời khen ngợi từ các tổ chức nhân quyền như Amnesty International và củng cố quan hệ đối tác với các quốc gia dân chủ. Trong nước, nó làm suy yếu một gia tộc đối thủ vào một thời điểm bầu cử quan trọng, cho phép Marcos định hướng Philippines theo tầm nhìn của ông về sự đoàn kết và ổn định. Dù vậy, ông bà ta thường nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, phải chờ xem mới biết được.
No comments:
Post a Comment