Friday, February 2, 2024

Hợp tác Hàng Hải giữa Philippines và CSVN

Quan Điểm

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và phu nhân vừa kết thúc chuyến viếng thăm Việt Nam trong 2 ngày 29-30/1/2024, mà trọng tâm là thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa 2 nước, để ngăn chận tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Cộng. Đây là một thử thách đối với nhà nước CSVN về vấn đề chủ quyền biển đảo của tồ quốc. 

Mời quí thinh giả theo dõi Quan Điểm của LLCQ, trước phản ứng rụt rè của nhà cầm quyền CSVN. Bài sẽ được HN trình bày sau đây

 

Thưa quí thinh giả,

            Khi vừa đắc cử TT Philippines, ông Ferdinand Marcos Jr. đã nói rõ lập trường của ông về vấn đề chủ quyền biển đảo của quốc gia, trong ấy có những phần tranh chấp với các nước khác trong vùng, đặc biệt là tham vọng độc chiếm của Trung Cộng khi họ tự vẽ đường 9 đoạn, bao trùm đến 90% diện tich Biển Đông, khiến cho Philippines đã phải kiện TC trước Tòa Trọng Tài Quốc Tế (PCA) năm 2013, dựa trên luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Mặc dầu TC không thừa nhận tư cách của tòa PCA, nhưng phán quyết thắng kiện vẻ vang thuộc về Philippines, vẫn là một án lệ được cả thế giới nhìn nhận. 

            Ông Ferdinand Marcos Jr. cũng dành chuyến xuất ngoại đầu tiên sang thăm Băc Kinh, như một cử chỉ hòa hoãn và thân thiện, nhưng cũng để đặt vấn để chủ quyền biển đảo với ông Tập Cận Bình. Chắc chắn ông Marcos đã không nhận được phản ứng tích cực từ phía TC, nên ngay sau đó ông trở lại với Hoa Kỳ, người bạn đồng minh đã gắn bó với Phi từ năm 1951. Ngoài việc để cho HK sử dụng 5 căn cứ có sẵn, ông dành thêm 4 căn cứ nữa để cho HK sử dụng cho mục đích quân sự.  Đồng thời Phi gia tăng hợp tác quân sự với Nhật Bản để củng cố sức mạnh, trước những hành vi lấn lướt liên tiếp của Tập Cận Bình.

            Việt Nam là quốc gia đã có mối quan hệ hữu hảo với Philippines từ rất lâu, đăc biệt dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, người VN không xa lạ gì với các đời tổng thống Phi, như  Ramón del Fierro Maqsaysay , Carlos Polistico García, và Diosdado Pangan Macapagal. Đặc biệt VN và Phi đã hợp tác trong nhiều lãnh vực, trong ấy có Viện Lúa Gạo ở Philippines.

            Vì VN và Phi cũng có những vùng chồng lấn ở Biên Đông chưa được phân định rõ ràng, nên TT Marcos Jr rất hy vọng hai nước có thể hợp tác trong tinh thần xây dựng để “hai bên cùng có lợi”, nhưng thực chất là để giúp nhau chống lại tham vọng của Tàu Cộng. Như trước khi lên đường đến Hà Nội, ông Marcos Jr. khẳng định các cuộc đàm phán về hợp tác hàng hải song phương sẽ là một trong những trọng tâm trong chuyến công du này. Ông nói: “tăng cường hợp tác hàng hải (với Việt Nam) để cổ vũ cho hòa bình và ổn định trong khu vực ».

            Dĩ nhiên cuộc viếng thăm cấp nhà nước của TT Phi đã được phía CSVN tiếp đón với đầy đủ lễ nghi trang trọng của một nguyên thủ quốc gia. Hình thức bên ngoài chẳng có gì để chúng ta phải bận tâm. Điểm chính là thành quả hai bên đã đạt được là gì, nhất là điều mà phía Philippines mong muốn là sự hợp tác sức mạnh hải quân giữa hai quốc gia Việt-Phi.

            Nếu ai đã đọc bản Tuyên Bố Chung Việt Nam – Philippines dài 1547 chữ, gồm 13 điểm, thì đúng là tuyên bố “chung”, nêu ra rất nhiều đề mục và bằng ngôn ngữ ngoại giao, rất là “chung chung”. Ai muốn hiểu thế nào cũng được.

            Riêng điểm then chốt như TT Marcos Jr mong ước, được tìm thấy trong 2 đoạn thứ 7 và 11. Chúng tôi xin trích nguyên văn số 7 như sau: “Hai Nhà lãnh đạo nhất trí củng cố các cơ chế hợp tác biển hiện có, nhất là Ủy ban hỗn hợp về các vấn đề Biển và Đại dương cấp Thứ trưởng Ngoại giao, đường dây nóng giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước, bên cạnh các cơ chế khác, và thông qua các biện pháp khác nhằm bảo đảm an ninh và an toàn cho ngư dân của nhau cũng như giải quyết hòa bình các sự cố trên biển.”

            Tiếp theo, đoạn 11 viết rằng: “Hai Nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Hai bên kêu gọi việc kiềm chế các hành động gây phức tạp hoặc làm leo thang các tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực, và tránh các hành động đơn phương có thể thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai Nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc năm 2002 về Ứng xử của các Bên tại Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc sớm hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc về Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Theo đó, hai Nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC.”

            Qua nội dung hai đoạn văn trên đây, chúng tôi tin rằng phía Philippines không lấy gì làm phấn khởi, nếu không muốn nói là thất vọng, vì rõ ràng phía nhà nước CSVN không hề đi xa hơn những gì họ đã nói và làm từ hơn 36 năm qua, khi Tàu Cộng đánh chiếm đảo Gạc Ma năm 1988, và cải tạo những thực thể ở Biển Đông thành những căn cứ quân sự của họ, cùng những thao túng khác!

            Qua chuyến viếng thăm vừa rồi của TT Phi, đó là một bài trắc nghiệm, để cho chúng ta, những người còn tha thiết với tương lai của đất nườc và dân tộc, thấy rõ sự hèn yếu của nhà nước CSVN, họ vẫn dựa vào Bắc Kinh để tồn tại, và duy trì vị trí  độc tôn ở VN. Do đó cuộc tranh đấu loại bỏ độc tài CS, giành lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân, vẫn phải tiếp tục với tất cả những khả năng có được của mỗi người chúng ta.

            Cảm ơn quí thính giả đã theo dõi bài QD của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment