Dưới chế độ CS, tòa án là công cụ để đàn áp bỏ tù giết hại mọi thành phần chống đối để bảo vệ chế độ độc tài toàn trị của đảng. Thế nên quan tòa các cấp chỉ là những đảng viên trung thành được đảng đặt để vào vị trí như những ban phát đặc quyền đặc lợi cho bè lũ tay sai. Chính sách không những chuộng “hồng” hơn “chuyên” mà còn xem thường yếu tố nhân phẩm và đạo đức trong việc lựa chọn những quan tòa tay sai đã tạo nên không biết bao nhiêu nhiễu nhương, oan khiên, khuất tất trong xã hội.
Để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay, trong tiết mục CNNM kính mời quí thính giả theo dõi bài viết của Đồng Phụng Việt với tựa đề "“Công lý” từ cân điêu và nảy mực bằng máu!" được đăng trên trang Blog RFA qua sự trình bày của Vân Hà.
Đồng Phụng Việt
Tin mới thấy: Ông Nguyễn Thành
Dũng, 39 tuổi, bị bắt giữ vì “tàng trữ ma túy” (khoảng một gram ketamin). Vụ
bắt giữ xảy ra khi công an kiểm tra một nhà nghỉ tọa lạc ở thành phố Pleiku hôm
12/1/2024. Ông Dũng không phải thường dân mà là một trong những người “cầm cân,
nảy mực” ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên theo Chánh án Tòa án
huyện Chư Prông, việc ông Dũng bị bắt không liên quan gì đến cơ quan của ông
lẫn Tòa án tỉnh Gia Lai vì trước khi bị bắt ba ngày (hôm 8/1/2024), Thẩm phán
Nguyễn Thành Dũng đã nộp đơn xin nghỉ việc và ngay trong ngày hôm sau, ngành
Tòa án đã… giải quyết xong hồ sơ xin nghỉ việc của ông Dũng (1)?
Cũng trong tuần này, Viện Kiểm
sát Tối cao công bố cáo trạng truy tố ông Võ Đình Sớm, 56 tuổi, cựu Thẩm phán,
Chánh Tòa Kinh tế của Tòa án tỉnh Gia Lai vì “nhận hối lộ”. Ông Sớm là
người thụ lý vụ tranh chấp 11.897 mét vuông đất giữa ông Phan Anh Tuấn (cư ngụ
tại thành phố Pleiku) và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển hồ (2).
Tháng 5/2023, ông Sớm chủ động
gặp gỡ ông Tuấn, bảo ông Tuấn, có thể xử cho ông quyền sử dụng 3.600/11.867 mét
vuông có tranh chấp nhưng muốn được như thế thì phải hối lộ. Vì không có
tiền, ông Tuấn đề nghị, nếu cho ông thắng kiện, ông sẽ cho ông Sớm 10 mét đất
tính theo chiều rộng mặt đường của thửa đất đang tranh chấp.
Ông Sớm từ chối lấy đất và xác
định khoản ông Tuấn phải chung nếu muốn thắng kiện là hai tỉ đồng. Do ông Tuấn
than nghèo, ông Sớm đồng ý bớt 500 triệu, buộc phải sớm chung 1,5 tỉ vì còn
phải chia cho một số nơi như Kiểm sát (không phản đối việc Tòa án chấp nhận
đơn, không kháng nghị sau khi tuyên án), Sở Tài nguyên Môi trường (không kháng
cáo bản án)…
Để ông Tuấn có tiền chung cho
mình, ông Sớm giới thiệu ông Tuấn chỗ cho vay. Lẽ ra vụ kiện được đưa ra xét xử
vào ngày 11/7/2023 nhưng vì ông Tuấn chưa kiếm được tiền để chung nên phiên xử
bị tạm hoãn. Ông Sớm tiếp tục đốc thúc ông Tuấn chung tiền. Cuối cùng,
khi ông Tuấn đem thế chấp giấy tờ nhà đất nhưng chỉ vay được 500 triệu, ông Sớm
miễn cưỡng “tạm chấp nhận” 16 “cục tiền” (mười cục loại 200.000 và sáu cục loại
500.000) và khuyên ông Tuấn đừng lo vì ông là người xét xử… Chuyện vỡ lở hồi
đầu tháng 8/2023 vì ngoài việc tố cáo, ông Tuấn còn nộp tám file ghi âm các
cuộc trò chuyện giữa ông và ông Sớm (3)…
Tháng sau (9/2023), Tòa án tỉnh
Gia Lai đưa vụ tranh chấp đất giữa ông Tuấn và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc
Biển hồ ra xét xử và bác yêu cầu được nhận quyền sử dụng thửa đất mà gia đình
ông Tuấn vừa khai phá, vừa nhận chuyển nhượng từ người khác – có xác nhận của
chính quyền địa phương (4). May cho ông Tuấn là ông được miễn trách nhiệm hình
sự về hành vi “đưa hối lộ” do bị cưỡng ép và “chủ động trình báo, phối hợp
với Cơ quan điều tra làm rõ”.
***
Thẩm phán là loại việc vốn chỉ
dành cho những người đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tri thức, kinh
nghiệm, đạo đức bởi họ nhân danh công lý để “cầm cân, nảy mực”, phân định đúng
– sai và đưa ra những quyết định khiến thiên hạ tin đó là công bằng.
Tuy nhiên cách tổ chức, vận hành
bộ máy công quyền tại Việt Nam đã tạo ra vô số thẩm phán biến công lý trở thành
trò hề, khiền công chúng chán ngán, phẫn nộ. Giống như viên chức của tất cả các
lĩnh vực khác, giới thẩm phán ở Việt Nam cũng nổi tiếng vì bầy hầy cả trong
sinh hoạt cá nhân lẫn trong công việc: Vòi vĩnh thân nhân bị cáo, nguyên đơn,
bị đơn để được bao ăn nhậu (4). Cờ bạc (5). Nghiện ma túy như ông Dũng. Quấy
rối tình dục (6). Ngoại tình (7). Đòi hối lộ cả tiền lẫn tình (8). Việt
Nam có lẽ là quốc gia duy nhất nhiều lần thản nhiên thừa nhận… “một số thẩm
phán còn hạn chế về trình độ chuyên môn” (9)… Song chưa bị bắt quả
tang thì vẫn còn quyền… xét xử!
Cách nay ba tháng, thêm một lần
nữa, ông Nguyễn Hòa Bình – Thẩm phán giữ vai trò Chánh án Tòa án Tối cao – thản
nhiên báo cáo về chuyện: Trong năm 2023, có 46 công chức tòa án bị xử lý kỷ
luật, trong đó có 32 bị khiển trách, tám bị cảnh cáo, bốn bị buộc thôi, hai bị
miễn nhiệm khỏi chức vụ lãnh đạo và năm bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bất kể
dân chúng nghĩ gì, nói gì về đội ngũ thẩm phán, Quốc hội Việt Nam vẫn vô tư tán
thành bản báo công của ông Bình (10), cho dù có vô số bằng chứng cho thấy đội
ngũ “cầm cân, nảy mực” không chỉ cân điêu mà còn dùng nước mắt, máu của nhiều
người để nảy mực. Khi nào và làm sao để “công lý” hết nhơ nhuốc và tàn
tệ như vậy?
No comments:
Post a Comment