Monday, February 26, 2024

Tin Tức: Thứ Hai 26.02.2024.

Tin Tức

Mở đầu chương trình, Vân Hà và Miên Dương mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức

1/ HƠN 190 TÙ NHÂN BỎ TRỐN KHỎI TRẠI CAI NGHIỆN SÓC TRĂNG.

Vào tối ngày 24/2, khoảng 191 tù nhân đã đập phá và tấn công đám công an trại cai nghiện để trốn ra ngoài. Giới chức trách đã bắt được 20 người và đang truy lùng thêm những người còn lại.

Đến sáng 25/2, giới chức Sóc Trăng xác nhận có nhiều tù nhân đã trốn khỏi trại tù này. Theo tin ban đầu, vào khoảng 11 giờ đêm ngày thứ Bảy 24/2, một số tù nhân đã dàn cảnh đánh nhau, sau đó nổi loạn đập phá cơ sở và bỏ trốn ra ngoài.

Nhiều tù nhân đã tấn công lực lượng giam giữ, ngay sau đó cảnh sát cơ động xuất hiện nhưng nhóm người này chống lại và trốn chạy với tổng số 191 người. Một người dân sinh sống gần trại tù này cho biết là cả trăm tù nhân cai nghiện đã đập phá cổng chính và tản ra theo nhiều con đường nhỏ ở ruộng lúa để bỏ trốn.

Theo giới cầm đầu trại cai nghiện ma túy Sóc Trăng, nơi đây có hơn 460 tù nhân.

https://thanhnien.vn/hon-190-hoc-vien-dap-pha-bo-tron-khoi-co-so-cai-nghien-ma-tuy-soc-trang-185240225092035531.htm

2/ VN SẼ MUA ĐIỆN TỪ NƯỚC LÀO.

Bảy dự án điện gió của Lào, với tổng công suất hơn 4 ngàn MW, đang được các nhà đầu tư nước này đề nghị bán cho Việt Nam qua đường dây truyền tải liên miền.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho báo chí lề đảng biết tin trên vào hôm qua 25/2, với công suất mà Lào đề nghị bán ra vào năm 2025 là gần 700 MW. Tập đoàn Điện lực này cho biết đây là số điện lực mà Lào xuất sang các mạng điện ở Quảng Trị và dự trù sẽ mua thêm hơn 4 ngàn MW trong năm tới.

Cần biết là công ty Vinacom nhiều lần đề nghị Tập đoàn Điện lực VN về việc triển khai dự án điện gió Savan 1 tại tỉnh Savanakhet của Lào với công suất 495MW trước ngày 31/12 năm nay. Đây là đề nghị nhằm giúp giải quyết khả năng cung ứng điện cho miền bắc VN.

Theo báo cáo gửi bộ công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết điện lực cho miền trung và miền nam sẽ được bảo đảm đến năm 2030, nếu các nguồn cung cấp mới được bảo đảm tiến độ hoàn thành. Nhưng với miền bắc, việc cung ứng điện trong các tháng cuối mùa khô đến năm 2030 sẽ hết sức khó khăn và khu vực này thiếu điện từ năm 2025. Vì thế, việc nhập điện từ Lào sẽ giúp giảm nguy cơ thiếu điện. 

Theo quy định của nhà nước VN, mức giá trần nhập điện từ Lào về Việt Nam là khoảng 7 xu Mỹ cho mỗi KW, tương đương với giá 1700 đồng, và chỉ áp dụng đối với các nhà máy điện vận hành thương mại trước ngày 31/12 năm nay. 

Lào có nguồn thủy điện lên đến khoảng 30 ngàn MW và điện gió lên đến 8 ngàn MW. Đây là các nguồn năng lượng sạch trong khi thị trường cung ứng điện trong nước tương đối nhỏ. Các khu vực phát triển dự án phần lớn tập trung tại các tỉnh biên giới với Việt Nam, thuận lợi cho việc xây dựng mạng truyền tải điện.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/lao-investors-propose-to-sell-more-than-4100-mw-of-electricity-to-vietnam-02252024083307.html

3/ PHILIPPINES LẠI CÁO BUỘC HẢI CẢNH TRUNG CỘNG CHẶN TÀU TIẾP TẾ.

Chính phủ Philippines vào hôm qua 25/2 lại lên tiếng cáo buộc Trung Cộng về hành động ngăn chặn không cho một chiếc tàu Philippines tiếp tế cho tàu bè của ngư dân gần bãi cạn Scarborough. Đây là biến cố thứ nhì trong vòng hai tuần qua.

Theo lực lượng tuần duyên Philippines, chiếc tàu BRP Datu Sanday đang tiếp nhiên liệu cho các tàu cá Philippines gần bãi cạn Scarborought thì bị một tàu hải cảnh và ba tàu khác của Trung Cộng quấy rối vào hôm 22/2. Ba trong tổng số 4 chiếc tàu này đã áp sát mũi tàu Datu Sanday với khoảng cách chưa đầy 100 thước.

Báo cáo của tuần duyên Philippines còn tố cáo hành vi gây nhiễu bộ tiếp sóng của tàu và nhiều hành động nguy hiểm khác. Trong buổi họp báo về tình hình Biển Đông, phát ngôn nhân tuần duyên Philippines Jay Tarriela khẳng định thuyền trưởng chiếc tàu Phi đã biểu lộ kinh nghiệm hàng hải xuất sắc và đã tránh được mọi ý định cản trở.

Bãi cạn Scarborough là một trong những điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila sau khi Trung Cộng chiếm quyền kiểm soát nơi đây từ Philippines vào năm 2012. Vào tuần trước cũng diễn ra một biến cố tương tự ở gần bãi cạn này.

Về phía Trung Cộng, tờ Hoàn cầu Thời báo khẳng định là tàu hải cảnh Trung Cộng đã đẩy lùi tàu Datu Sanday khi tàu này xâm nhập trái phép những vùng biển quanh  bãi cạn Scarborough,  nằm cách đảo Luzon của Philippines khoảng 240 cây số.

Trong khi đó, theo một báo cáo của tổ chức nghiên cứu CSIS, Trung Cộng là nước làm hư hại nhiều rạn san hô nhất ở Biển Đông với tổng diện tích hơn 21 ngàn mẫu. Vào ngày 24/2, đại sứ Trung Cộng tại Philippines cáo buộc báo cáo trên là bịa đặt và khẳng định là Trung Cộng luôn chú trọng đến việc bảo vệ môi trường ở quần đảo Trường Sa.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240225-philippines-l%E1%BA%A1i-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-h%E1%BA%A3i-c%E1%BA%A3nh-trung-qu%E1%BB%91c-ch%E1%BA%B7n-t%C3%A0u-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BA%BF-cho-ng%C6%B0-d%C3%A2n

4/ NHÓM G7 KHẲNG ĐỊNH SỰ ỦNG HỘ MẠNH MẼ VỚI UKRAINE.

Nhóm Thất cường G7 đã tổ chức phiên họp đúng hai năm nước Nga mở chiến dịch xâm lược Ukraine với lời khẳng định ủng hộ mạnh mẽ quốc gia này trong cuộc chiến chống quân Nga.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, nước chủ tịch luân phiên của khối G7, chủ tọa cuộc họp tại thủ đô Kiev của Ukraine vào ngày 24/02 cùng với nhiều giới chức lãnh đạo Âu châu và thủ tướng Canada. Trong thông cáo chung, khối này khẳng định sẽ tiếp tục buộc Nga phải trả giá đắt cho cuộc chiến, phải bị cắt giảm nguồn thu và cản trở những nỗ lực xây dựng cỗ máy chiến tranh của Nga.

Các nước cũng đồng lên án Iran, Trung Cộng và Bắc Hàn ủng hộ quân Nga và khẳng định hành động chống mọi trợ giúp vật chất cho cuộc chiến của Nga.

Phát biểu trước phiên họp của khối G7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị các nước đồng minh phương Tây hãy nỗ lực yểm trợ để năm 2024 trở thành năm quyết định cho việc khôi phục an ninh lâu dài ở Ukraine. Ông Zelensky cũng nồng nhiệt cảm ơn Ý và Canada vì những thỏa thuận an ninh song phương vừa được ký. Những thỏa thuận tương tự như vậy đã được ký với Đức và Pháp. Nhưng khác với hai nước này, Ý đã không nêu rõ khoản ngân sách yểm trợ.

Tổng thống Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp của khối G7, bày tỏ tin tưởng “sẽ chiến thắng quân Nga” nhưng cần có phương tiện để thành công. Một lần nữa, ông trông cậy vào các đồng minh khẩn trương viện trợ quân sự.

Sau khi ký thỏa thuận an ninh với Kiev, Thủ tướng Justin Trudeau thông báo là Canada sẽ viện trợ hơn 2 tỷ Mỹ kim trong năm 2024. Chủ tịch Ủy ban Âu châu Ursula von der Leyen cho biết khối Liên Âu sẽ chuyển 4 tỷ 500 triệu Âu kim cho Kiev vào tháng Ba. Đây là khoản đầu tiên trong tổng số 50 tỷ Âu kim được 27 nước thông qua vào tháng Hai.

Cũng trong dịp này, Tổng thống Zelensky tiết lộ là hơn 31 ngàn quân nhân Ukraine đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Nga trong vòng 2 năm qua.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240225-nh%C3%B3m-g7-t%C3%A1i-kh%E1%BA%B3ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-m%E1%BA%A1nh-m%E1%BA%BD-ukraina-bu%E1%BB%99c-nga-tr%E1%BA%A3-gi%C3%A1-v%C3%AC-g%C3%A2y-chi%E1%BA%BFn

No comments:

Post a Comment