Đảng CSVN tự xưng là đại diện cho giai cấp dân nghèo lao động trong Hiến Pháp, lại là lực lượng đối xử tàn bạo nhất đối với giai cấp lao động đáng thương này qua bản án độc ác dành cho vợ chồng anh chị Tuấn và Nhung tại Trà Vinh.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Lâm
Công Tử, trích từ Người Việt với tựa đề: “Chị Dậu ngày nay” sẽ được Song Thập
trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Lâm Công Tử/ Người Việt
Hầu như tất cả học sinh trung học Việt Nam trước và sau năm 1975 đều học qua tác phẩm “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố. Hình ảnh gia đình chị Dậu vất vả mưu sinh để cuối cùng vì sưu cao thuế nặng không tiền đóng cho bọn quan lại chị Dậu đành phải bán đứa con mới 7 tuổi của mình cùng một ổ chó con mới đẻ để nộp tiền cho chồng. Tuy nhiên, vừa đủ tiền nộp xong suất sưu cho chồng, bọn cai trong làng lại ép chị nộp cả tiền sưu cho em trai anh Dậu với lý do chết vào năm Âm Lịch, nhưng lúc đó, theo Dương Lịch, đã sang năm mới. Vậy là anh Dậu vẫn bị bắt không được về nhà.
Hình ảnh bần cùng của giai cấp hèn hạ thuộc vùng Bắc Bộ vẽ nên bức tranh thống khổ cùng cực và người Cộng Sản Việt Nam đã nhân cơ hội ấy kêu gọi kháng chiến chống lại cường hào ác bá lẫn sưu cao thuế nặng. Chị Dậu được nhân lên trên sách giáo khoa, trên mọi cơ quan tuyên truyền nhằm lên án chế độ hà khắc bần cùng hóa nhân dân và cho tới nay hình ảnh bán con của chị vẫn hằn sâu trong ký ức người dân Việt Nam, bất kể Nam hay Bắc.
Và không thể lấy giấy gói lửa khi vẽ vời nền kinh tế Việt Nam sắp hóa rồng hóa cọp. Hình ảnh chị Dậu của những năm 1930 lại xuất hiện tại Trà Vinh, nơi chưa từng có vết tích của bọn cường hào ác bá trước đây nhưng câu chuyện bán con lại tiếp tục sang chương thứ hai của vở kịch dài xã hội chủ nghĩa.
Theo tin tức trên báo chí, ngày 15 Tháng Giêng, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Trà Vinh tuyên án phạt tù một cặp vợ chồng trẻ có bốn con vì nghèo quá mà phải bán đi một đứa cho gia đình hiếm con để cho họ nuôi giùm.
Vì mắc tội bán người này mà người mẹ là Thạch Thị Kim Nhung, 22 tuổi, bị phạt tù 10 năm. Còn người cha là Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn, 19 tuổi, bị phạt tù 13 năm. Cả hai bị truy tố tội bán đứa con chung để lấy 18 triệu đồng.
Bán con bị pháp luật trừng phạt thì không có gì bàn cãi, nhưng bán con vì nghèo, vì tận cùng cuộc sống không thể chịu đựng nổi có phải là một cái tội hay không lại là việc khác. Nếu nhà nước Việt Nam công bằng hơn trong cách xử lý pháp luật thì sẽ không bao giờ có câu chuyện bán con của chị Dậu xuất hiện trong thế kỷ 21 này. Bởi vì, trong thế giới phẳng hôm nay, không ai chấp nhận cho việc một gia đình vì túng quẫn mà phải bán con. Đối với người mẹ không có gì quan trọng hơn đứa con của mình. Nếu buộc phải bán nó là một hành động đứt ruột, không còn cách nào khác để chống lại cái nghèo đói thường trực trong gia đình. Trong trường hợp này, gia đình buộc phải bán con vì còn lại ba đứa khác cần phải sống trong khi hai vợ chồng đã bươn chải kiếm sống chứ không phải lười nhác ăn bám vào xã hội.
Vai trò của chính phủ là điều hành xã hội, có nghĩa là
giúp cho người nghèo có cơ hội sống còn bằng các biện pháp giúp đỡ họ. Nếu tòa
án tỉnh Trà Vinh sáng suốt hơn họ phải nhận ra rằng chính quyền tỉnh đã không nắm
bắt được tình hình an sinh trong tỉnh, khiến xảy ra câu chuyện đau lòng này.
Tòa án bắt và tuyên án quá dễ, ai làm cũng được, nhưng giải quyết cái gốc mới
là điều mà nhân dân trông chờ vào một nhà nước chính danh, được người dân tin cậy
và trông đợi.
Chính quyền Trà Vinh không chính danh nên mới có bản án tổng cộng 23 năm cho một gia đình nghèo khó. Tòa án nghĩ rằng việc bán con làm cho hình ảnh đẹp đẽ của cách mạng bị hoen ố vì vậy phải thẳng tay dằn mặt hầu ngăn cản chúng tiếp tục xảy ra. Có điều, với cái đầu kiêu ngạo cộng sản, họ không biết rằng tống giam một gia đình vào ngục vì tội nghèo là hành vi của bọn cường hào ác bá trong thế kỷ trước. Đó là thế kỷ mà sự lựa chọn cuộc sống của người dân đã bị cái gọi là “cách mạng” cưỡng đoạt từ những câu chuyện như chị Dậu. Hơn 80 năm sau, câu chuyện chị Dậu lại xuất hiện tại Trà Vinh tố cáo sự thật mình bị “cách mạng” cưỡng bức như thế nào trong đời sống của người miền Nam hiền hòa chất phác.
Rồi đây, không biết trong trang sách giáo khoa kể câu chuyện chị Dậu có kèm theo chuyện chị Nhung của Trà Vinh hay không. Nếu có, lịch sử được lặp lại, nếu không, lịch sử bị cưỡng bức ít nhất qua cái tòa án mang tên Trà Vinh của đồng bằng sông Cửu Long.
Chị Dậu có lẽ may mắn hơn chị Nhung vì ít ra chị không bị bắt giam vì cái tội bán con. Lý trưởng, sai nha thời ấy còn chưa biết luật pháp là gì, chúng chỉ chăm chăm nhìn vào những đồng tiền bán con của chị Dậu mà thòm thèm. Còn quan tòa ngày nay thua thật xa lý trưởng thời trước. Họ có trong tay cả hệ thống hành dân, từ thu thuế đến bắt người, từ tuyên án đến bỏ tù nhưng họ thiếu một hệ thống an sinh hữu hiệu nhằm giúp đỡ người bần cùng, khốn khổ. Họ xum xoe với đại gia và trừng mắt với quần chúng. Họ lấy “pháp luật” ra hù dọa người hiền lành nhưng kính cẩn xem xét hồ sơ của bọn tội phạm tham nhũng. Những khác biệt tày trời ấy đang dìm người dân xuống cái ao trước cửa nhà mình để đừng bao giờ nghĩ tới việc kêu gào công lý cho người nghèo như chị Nhung, chị Dậu.
Bốn đứa con bị bỏ lại cho bà ngoại khi cả hai vợ chồng vào tù là một bức tranh cay mắt người xem. Những ánh mắt lạc loài, những thân hình còm cõi ngày ngày chờ từng miếng cơm bố thí của người tốt bụng làm người biết chuyện đau lòng. Bốn đứa trẻ ấy không được đi học trong các trường quốc tế, không được xe đưa đón như con ông hoàng bà chúa, không quần áo bảnh bao, miếng ăn chọn lọc… Bốn đứa trẻ con của một người mẹ bán con rồi đây sẽ tiếp nối những đứa trẻ khốn cùng khác còng mình phục vụ cho giai cấp cầm quyền với những hệ lụy biết trước.
Còn họ, những quan tòa, cán bộ, đảng viên chọn lọc thì câng câng nhìn xã hội bằng nửa con mắt. Họ thừa biết rằng, nếu lập lại công bằng cho người dân thì quyền lợi của họ sẽ mất đi phân nửa./.
No comments:
Post a Comment