Trong chế độ độc tài Đảng trị công an trị, việc công an mọi cấp mọi nơi được Đảng dung dưỡng bao che, ngồi xổm trên công lý trên luật pháp để đàn áp tôn giáo một cách dã man đê tiện, kể cả việc dàn dựng kịch bản, rồi ngụy tạo chứng cớ một cách trắng trợn để quy chụp tội hình sự, bắt bớ bức hại đồng bào lương thiện tu tập tại gia là những nỗi oan trái bi thương mãi không dứt của chuyện nước non mình.
Để
tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay, trong tiết mục CNNM kính
mời quí thính giả theo dõi bài Bài phát biểu của LS Đặng
Đình Mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF) 2024 tại Mỹ,
được đăng trên trang Việt Nam Thời Báo qua
sự trình bày của Ngọc Sương.
LS Đặng Đình Mạnh
Kính thưa quý vị,
Tôi tên là Đặng Đình Mạnh, là luật sư nhân quyền tại Việt Nam. Do bị đàn áp từ trong nước, từ bị cấm xuất cảnh, bị sách nhiễu nhiều lần trong nhiều năm trời, bị Bộ Công an ra lệnh điều tra hình sự. Cho nên, tôi phải lánh đi đến trung tuần tháng 06/2023, tôi được chính quyền Hoa Kỳ chấp thuận cho nhập cảnh với tư cách tỵ nạn chính trị.
Trong 10 năm qua, tôi viết phản biện chính sách, những vấn đề của xã hội và hoạt động của nền tư pháp Việt Nam và tham gia bào chữa trong nhiều vụ án chính trị, đàn áp tôn giáo liên quan đến nhiều tôn giáo đang hoạt động tại Việt Nam như: Công Giáo, Hội Thánh Tin Lành Phục Hưng, Phật giáo Hòa Hảo, Pháp Luân Công và cuối cùng là nhóm tu tại gia “Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ”.
Nhóm tu tại gia “Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ” hoặc còn có tên gọi trước đó là “Tịnh Thất Bồng Lai” do ông cụ Lê Tùng Vân, nay đã trên 90 tuổi, là một người tu hành từ thuở nhỏ sáng lập.
Ông ấy tu hành theo cảm nhận tâm linh riêng của ông ấy dựa trên nền tảng Phật giáo, là nét hoạt động tín ngưỡng rất riêng của người miền nam Việt Nam, vốn rất cởi mở, phóng khoáng. Điều này khác biệt hoàn toàn với hoạt động tín ngưỡng ở phía bắc Việt Nam vốn xem trọng lề luật, giáo lý.
Khi tham gia vụ án, chúng tôi phát hiện ra đây là một vụ án oan sai tày đình, một vở kịch do cơ quan an ninh địa phương tạo dựng chứng cứ giả dối suốt từ đầu đến cuối để cáo buộc nhiều tội danh hình sự đối với các thành viên của cơ sở tu tại gia này. Không chỉ thế, họ còn dùng thủ đoạn bôi nhọ thanh danh họ với mục đích thuyết phục công chúng về sự đúng đắn của chính quyền khi cáo buộc hình sự nơi này.
Khi phát hiện, chúng tôi đã tố cáo sự việc đến tất cả các cơ quan bảo vệ pháp luật cao nhất và với sự cho phép của thân chủ, chúng tôi đã công bố sự thật về vụ án rằng tất cả đều do chính quyền dàn dựng.
Tất cả những diễn biến đó đã trở thành giọt nước tràn ly và họ sử dụng các đơn từ tố cáo của chúng tôi để làm chứng cứ cáo buộc ngược lại với chúng tôi về tội danh hình sự theo điều 331 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”.
Với vụ án này, nếu như quý vị đã từng hồ nghi về những thông tin từng nghe trên mạng xã hội có nguồn gốc từ truyền thông chính quyền nhà nước. Thì dịp này, với tư cách là luật sư, xem xét từng trang hồ sơ vụ án, phỏng vấn toàn bộ những người có liên quan, theo dõi chặt chẽ các thủ tục tố tụng của cơ quan an ninh địa phương… Tôi khẳng định, tất cả những điều quý vị đã từng nghe, từng đọc mang tính chất tiêu cực về Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, thì tất cả chúng đều là giả dối, được dàn dựng. Và đó là một vụ án oan, một vụ đàn áp tôn giáo điển hình.
Câu hỏi đặt ra rằng: Tại sao lại là Thiền Am? Vì các nguyên nhân sau:
– Vì ông cụ Lê Tùng Vân, người đứng đầu cơ sở tu tại gia “Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ” nói công khai về việc không tham gia vào “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”, một tổ chức tôn giáo do chính quyền thành lập và chi phối vì nó không xứng đáng. Điều này đã làm mất mặt “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” và chứng tỏ quan điểm độc lập của Thiền Am. Rủi thay, chính quyền đã đánh giá điều đó như là một sự thách thức quyền lực của chính quyền.
– Vì Thiền Am đang sở hữu những kênh truyền thông có đến hàng triệu lượt người xem trên mỗi sản phẩm của họ. Tuy chỉ là kênh giải trí, nhưng thu hút sự theo dõi của công chúng quá lớn cũng đã trở thành sự thách thức tiềm ẩn đối với quyền lực của chế độ.
– Vì Thiền Am đã từng tố cáo công an địa phương khá nhiều sự việc, như:
1. Tố cáo công an đòi hối lộ số tiền 300 triệu đồng để làm giấy tờ tùy thân.
2. Tố cáo công an bao che, bỏ lọt tội phạm đã tổ chức 50 người đột nhập vào tư gia (của Thiền Am) đập phá, hành hung, cướp bóc tài sản;
3. Hoặc tố cáo công an vô cớ cưỡng bức đưa một sư nữ đi khám phụ khoa trái với muốn của họ;
4. Hay tố cáo công an lạm quyền khi bắt cóc một thành viên của Thiền Am đã ngoài tuổi thành niên giao cho gia đình của cô ấy.
Tất cả những sự tố cáo ấy đã bị đánh giá là xúc phạm đến thanh danh và làm ảnh hưởng đến uy tín của công an, vốn là lực lượng quyền lực nhất trong chế độ công an trị. Thế nên, Thiền Am đã phải trả giá vì điều đó và họ đang phải đối diện với với mục tiêu hiện nay của công an địa phương: Xóa sổ Thiền Am.
_____________
(*) Bài phát biểu của LS Đặng Đình Mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF) 2024 tại Mỹ.
No comments:
Post a Comment