Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Vân Hà & Nguyên Khải
1.FACEBOOKER TRẦN VĂN KHANH BỊ BẮT VỚI CÁO BUỘC “CHỐNG NHÀ NƯỚC”
Ông Trần Văn Khanh,
một facebooker đối kháng vừa bị Cơ quan An ninh Điều tra -công an tỉnh An Giang
khởi tố, bắt tạm giam hôm 2/2/2024. Ông Khanh, sinh năm 1962, trú tại phường 5,
thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau bị cáo buộc có hành vi “phát tán, tuyên truyền
thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam”
theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Báo chí lề đảng dẫn
lời cơ quan an ninh điều tra nói rằng từ năm 2021, ông Trần Văn Khanh sử dụng
trang facebook để kết bạn với nhiều danh khoản mạng xã hội ở trong và ngoài
nước. Cụ thể, ông đã viết bài, bình luận, chia sẻ, phát tán nhiều tài liệu bị
cho là có nội dung phản động, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, hệ thống chính quyền các
cấp, cán bộ, đảng viên của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, kích động, gây chia rẽ,
mất đoàn kết tôn giáo, dân tộc… để nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà
nước...
Chỉ một tháng đầu năm
mới 2024, ít nhất hai người bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc “tuyên truyền
chống nhà nước”. Ba ngày trước (30/1), công an Hưng Yên đã bắt giữ ông Phạm Văn
Chờ (còn được biết đến với nick Nguyễn Minh Tân) cũng với cáo buộc vi phạm điều
117. Công an kết luận rằng, những video clip của ông “có tính chất kích động
kêu gọi chống đối nhà nước”.
2.ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ TRẦN TUẤN ANH TỪ CHỨC
Ông Trần Tuấn Anh, 60
tuổi, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 và
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vừa có đơn xin nghỉ hưu và đã được Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa 13 duyệt hôm 31/1 trong cuộc họp tại Trụ sở Trung ương
Đảng ở Hà Nội.
Ông Trần Tuấn Anh nộp
đơn từ chức giữa lúc các cáo buộc nhằm vào những sai phạm của ông thời còn làm
Bộ trưởng Bộ Công thương ngày càng gay gắt.
Khi còn nắm cương vị
Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021, ông từng
được Đảng Cộng sản đánh giá là đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành công
tác của ngành Công Thương đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 1,
Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng xác định ông và một số quan chức cao cấp
khác đã mắc các sai phạm nghiêm trọng tại Bộ Công Thương và đề nghị Bộ Chính
trị kỷ luật những người này.
Trước đó, hai ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó thủ tướng, và Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đã bị kỷ luật với hình thức “khiển trách”.
3.KHÔNG KHÍ TẾT NĂM NAY ẢM ĐẠM HƠN THỜI COVID
Đó là nhận xét của
nhiều người dân sống ở các thành phố
lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… Mọi năm, các gian hàng chợ Tết đã
bắt đầu nhộn nhịp trước ngày Táo quân, nhưng hôm nay dù đã 26, 27 Tết nhưng
nhiều khu mua sắm vẫn vắng vẻ. Chị Phượng, một tiểu thương ở chợ Sa Đéc nói với
phóng viên ĐLSN rằng” Mọi năm tầm này tôi phải huy động cả chồng, con, mấy đứa
cháu ra phụ bán hàng Tết. Năm nay không cần ai phụ, một mình mà vẫn có lúc ngồi
chơi không”. Các quầy bán mứt, bánh kẹo hoặc chợ hoa, cây cảnh cũng đìu hiu so
với năm ngoái. Đa số khách đi xem, mặc cả lấy lệ xong rồi về. Anh Sang, một
người bán cây kiểng nói rằng “Hồi covid cũng không thảm thế này. Người ta khó
khăn, nhưng vẫn có tiền mua một hai chậu mai về chưng Tết. Năm nay, người xem
còn hiếm, huống chi người mua”.
Sau đại dịch, hàng
ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc cắt giảm lao động đã ảnh hưởng nặng nề đến nền
kinh tế, sản xuất nội địa. Có một số nguồn tin nói rằng, số người thất nghiệp
lên đến cả triệu, không phải vài trăm như truyền thông nhà nước loan tin.
Tuy nhiên, nguyên nhân
chính dẫn đến nền kinh tế tuột dốc, đời sống người dân ngày càng thê thảm là do
sự quản lý yếu kém của nhà nước và đặc biệt là nạn tham nhũng ngày càng tồi
tệ.
4/ MỸ TĂNG CƯỜNG TRỪNG PHẠT MIẾN
ĐIỆN
Đúng kỷ niệm
3 năm quân đội Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự, vào ngày 1/2 Hoa Kỳ ban hành thêm các biện pháp trừng
phạt Miến Điện trong khi tập đoàn quân phiệt triển hạn thêm 6 tháng tình trạng
khẩn cấp.
Bộ tài chính Mỹ vào hôm 31/1 đã siết chặt thêm các biện
pháp trừng phạt tập đoàn quân phiệt tại Miến Điện. Các biện pháp mới nhắm vào
những “thực thể
thân cận với chế độ”, trong đó có tập đoàn dầu khí Shwe Byain Phyu
trong tay nhà tài phiệt Thein win Zaw, một nhân vật thân cận với giới tướng
lĩnh cầm quyền. Tập đoàn vận tải đường biển Five Star cũng có tên trong danh
sách trừng phạt mà Washington vừa ban hành.
Chính quyền Hoa Kỳ giải thích mục tiêu đề ra là nhằm cắt đứt các nguồn tài trợ
của một chế độ đang đàn áp chính dân tộc của họ.
Cần biết là từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2 năm 2021, Miến
Điện liên tục sống trong tình trạng khẩn cấp. Vào hôm qua, tập đoàn quân phiệt
thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp này thêm 6 tháng và một lần nữa hoãn ngày
tổ chức bầu cử như đã hứa hẹn cách đây ba năm. Từ sau cuộc đảo chính đã có hơn 4 ngàn người dân Miến
Điện đã thiệt mạng trong các đợt đàn áp.
Dù vậy tình hình tại nước này vẫn không ổn định, đặc biệt
là sau loạt tấn công phối hợp của ba lực lượng vũ trang thiểu số mang tên Liên
minh Huynh đệ từ ngày 27/10/2023. Ba năm sau cuộc đảo chính, các lực lượng nổi dậy
giờ đây đã được tổ chức lại và đang mở rộng hoạt động khắp nơi, nhất là ở các
vùng biên giới.
Tập
đoàn quân phiệt Miến Điện chưa bao giờ bị suy yếu như hiện nay. Tuy nhiên vẫn
chưa có ai dự đoán được tương lai chính trị của Miến Điện, cũng như về một mô
hình lãnh đạo đất nước mà 140 sắc tộc thiểu số khác nhau có thể chấp nhận
được.
No comments:
Post a Comment