Wednesday, February 28, 2024

Có nên hỗ trợ Đài Loan?

Bình Luận
Đảo quốc Đài Loan không những là một nền dân chủ mẫu mực mà còn là một mắc xích chiến lược quan trọng trong sách lược kềm chế bá quyền TQ.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân/ Người Việt với tựa đề: “Có nên hỗ trợ Đài Loan? sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân/Người Việt

Trong dòng thời sự có một sự kiện ít được chú ý nhưng báo hiệu những điềm xấu: Quân đội Đài Loan cho biết vào chiều muộn hôm Thứ Hai, 19 Tháng Hai, sáu lính Tuần Duyên Trung Quốc đã leo lên một chiếc tàu du lịch Đài Loan chở 11 thủy thủ và 23 hành khách để kiểm tra kế hoạch tuyến đường, giấy chứng nhận và giấy phép của thủy thủ đoàn, và toán lính này rời đi khoảng nửa giờ sau đó, theo Reuters. Trung Quốc liên tục gây áp lực quân sự và kinh tế lên Đài Loan từ sau cuộc viếng thăm Đài Bắc của Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ, California) khi bà là chủ tịch Hạ Viện Mỹ hồi Tháng Tám, 2022, nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh có hành động gây hấn quyết liệt như vậy.

Trong khi đó, một dự luật viện trợ quân sự khẩn cấp cho các đồng minh của Mỹ đang bị Hạ Viện “treo” lại, sau khi đã được Thượng Viện thông qua tuần trước. Trong khoản viện trợ mới trị giá $95.34 tỷ này, Mỹ sẽ dành khoảng $8 tỷ để hỗ trợ an ninh cho các đối tác Châu Á-Thái Bình Dương ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc mà Đài Loan là nước được hỗ trợ nhiều nhất. Thái độ quay lưng của Hạ Viện Mỹ có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, muốn thăm dò phản ứng của Mỹ để thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan, xâm chiếm và sáp nhập hòn đảo này vào lãnh thổ Trung Quốc.

Đáng chú ý là thể chế dân chủ Đài Loan trái ngược hoàn toàn với chế độ toàn trị của Trung Quốc lục địa. Các nhà lý luận Cộng Sản thường lập luận rằng “dân chủ, tự do, nhân quyền” là những tư tưởng nhập cảng từ Tây phương, không phù hợp với văn hóa Á Đông, với “giá trị Châu Á” của người Trung Quốc vốn có những điểm đặc thù riêng. Ở Việt Nam, các quan chức tuyên giáo cũng nhắc đi nhắc lại lý thuyết về đặc thù của Cộng Sản Trung Quốc để biện minh cho sự độc quyền chính trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, chống lại các đòi hỏi tự do dân chủ của người dân.

Nhưng phát triển của nền dân chủ Đài Loan phản bác luận điểm đó và chứng minh một cách hùng hồn rằng, dân chủ tự do là những giá trị phổ quát của nhân loại, không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ hay văn hóa. Thể chế dân chủ tự do hoàn toàn có thể và cần phải thay thế cho chế độ độc tài toàn trị của các nhà nước Cộng Sản. Trong một cuộc thăm dò ý kiến cuối năm ngoái, Taiwan Foundation for Democracy ghi nhận có ba phần tư dân Đài Loan tin rằng, dù còn khiếm khuyết, dân chủ vẫn là thể chế chính trị tốt đẹp nhất, trong đó người dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tín ngưỡng. Thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan đã vượt qua Nhật từ năm ngoái 2023.

Sự tồn tại của nước Đài Loan dân chủ còn là nguồn cảm hứng cho các phong trào đấu tranh đòi tự do của người dân Trung Quốc lục địa và các nước Cộng Sản khác. Nếu thể chế dân chủ của Đài Loan bị Cộng Sản Trung Quốc nhấn chìm, trái với ý chí của 24 triệu dân đảo quốc, thì phong trào vận động dân chủ ở Trung Quốc và các nước Châu Á sẽ bị một thất bại chiến lược. Mỹ sẽ không còn mặt mũi nào để thuyết giảng về dân chủ trên toàn cầu một khi đã quay lưng với nền dân chủ Đài Loan.

Nếu Trung Quốc chiếm được Đài Loan và các cơ sở sản xuất bán dẫn của hòn đảo, kinh tế thế giới mà đầu tiên là kinh tế Mỹ, chắc chắn bị đình đốn do mất nguồn cung cấp ổn định các loại vi mạch tối cần thiết và thiệt hại chắc chắn sẽ trầm trọng hơn rất nhiều so với đại dịch COVID-19 hoặc khủng hoảng tài chính 2008. Dù cho Trung Quốc tiếp tục duy trì hoạt động của các nhà máy bán dẫn sau khi chiếm được Đài Loan thì sự gián đoạn nguồn cung vi mạch vẫn xảy ra do thế giới cấm vận Trung Quốc, các cơ sở sản xuất thiếu nguyên liệu và công nghệ nhập cảng, đội ngũ chuyên gia lành nghề tản cư ra nước ngoài…

Sự sụp đổ của công nghiệp bán dẫn Đài Loan do chiến tranh và sau khi hòn đảo bị sáp nhập tất nhiên sẽ gây thiệt hại khủng khiếp cho kinh tế của chính Trung Quốc, nhưng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh sẽ tuyên truyền với người dân của họ rằng đó là cái giá cần phải trả cho sự nghiệp thống nhất đất nước và vươn tới vị trí lãnh đạo hàng đầu thế giới về công nghệ vi mạch tân tiến.

Tồi tệ hơn, thành công trong việc thâu tóm Đài Loan sẽ tạo thuận lợi cho Trung Quốc vươn ra các nước láng giềng. Nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh chủ yếu nhằm mục tiêu xâm chiếm Đài Loan, nên sau khi đạt được mục đích, đội quân được dày công xây dựng đó sẽ không bị lãng phí mà sẽ tiếp tục bành trướng sang các nước khác. Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng, từ Nhật ở phía Đông, Việt Nam và Philippines ở phía Nam tới Ấn Độ ở phía Tây và Nga ở phía Bắc. Giải xong bài toán Đài Loan thì quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cớ tấn công các đối thủ này để thực hiện giấc mộng bá quyền toàn khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Đến lúc đó, Mỹ muốn duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông như hiện nay e rằng cũng khó.

Dù xét về địa chính trị hay theo quan điểm thực dụng (realpolitik) Mỹ cũng không thể để Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc; Washington cần hỗ trợ tối đa để Đài Bắc tự bảo vệ hiệu quả nhất. Viện cớ Mỹ cần lo cho an ninh biên giới của mình trước khi lo cho an ninh của một hòn đảo Châu Á xa xôi để trì hoãn hỗ trợ Đài Loan [và Ukraine] như Hạ Viện Mỹ đang làm hiện nay chỉ là những lý lẽ thiển cận và nguy hiểm cho tương lai của chính nước Mỹ. [qd]

No comments:

Post a Comment