Wednesday, February 7, 2024

Tin Tức: Thứ Tư 07.02.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Phụng Hoàng và Trường An trình bày sau đây.

1/ VN ĐỨNG ĐẦU VỀ VI PHẠM BẢN QUYỀN TRÊN MẠNG

Liên minh Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (IIPA) và nhiều nhóm thuộc ngành công nghệ giải trí cáo buộc Việt Nam là “thiên đàng” vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng.

Mạng TorrentFreak chuyên loan tin về tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lãnh vực tác quyền giải trí và phim ảnh vào ngày 5/2 loan tin trên. Theo đó, Việt Nam bị xem là nhà xuất cảng hàng đầu thế giới các dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như Fmovie, AniWave, 123movies và 2embed. Đây là những nền tảng thu lợi nhuận đến hàng chục triệu Mỹ kim trên thế giới.

Trong những năm qua, các nhóm chuyên bảo vệ tác quyền để ý chặt chẽ đến ngày càng gia tăng các dịch vụ vi phạm tác quyền có mối liên kết với Việt Nam. Hiệp hội Điện ảnh và Liên minh Sáng tạo & Giải trí đã từng đến Việt Nam để thảo luận vấn đề này với giới chức trách Việt Nam. Thế nhưng cho đến nay VN vẫn chưa thể áp dụng biện pháp hình sự đối với những đối tượng vi phạm.

Liên minh IIPA thúc giục cơ quan thương mại Hoa Kỳ hỗ trợ cho liên minh thông qua khuyến nghị đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên theo dõi năm 2024.

Cũng theo thống kê của liên minh này, ngoài vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lãnh vực phim ảnh, giải trí, hơn 66% người Việt Nam được khảo sát từ 16 đến 44 tuổi đều thừa nhận ăn cắp bản quyền âm nhạc. Tỷ lệ này cao hơn nhiều mức trung bình toàn cầu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/rights-holders-brand-vietnam-an-online-piracy-haven-and-demand-action-02062024085337.html

2/ TIỂU BANG NAM ÚC NGƯNG NHẬN DU HỌC SINH ĐẾN TỪ 3 TỈNH VN

Sở giáo dục Nam Úc đã tạm ngưng nhận đơn du học ở ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vào các trường công lập sau khi một số học sinh bị mất liên lạc.

Vào hôm 5/2, sở giáo dục tiểu bang này cho biết là họ đưa ra quyết định trên sau khi xem xét quê quán của một số ít học sinh “rời nhà trọ mà không được phép”. Phát ngôn nhân sở này cho biết quyết định này phù hợp với đạo luật về dịch vụ giáo dục dành cho du học sinh, nhằm duy trì tính toàn vẹn của hệ thống thị thực nước Úc.

Phát ngôn nhân cho biết thêm là các đơn xin khác từ các tỉnh khác của Việt Nam vẫn được xem xét bình thường.

Quyết định nói trên được đưa ra khoảng một tháng sau khi bốn du học sinh Việt Nam được coi là mất liên lạc ở Nam Úc. Cảnh sát Nam Úc cho biết là số học sinh này có thể đi du lịch xuyên tiểu bang và đang trốn tránh sự truy tìm của cảnh sát.

Cảnh sát cho biết họ đã liên lạc được với gia đình các du học sinh ở Việt Nam, và những người thân này “không có bất kỳ mối lo ngại nào” về tình trạng của các học sinh này.

Tính đến tháng 10 năm ngoái, có hơn 31 ngàn du học sinh Việt ở Úc, đứng thứ 6 về số sinh viên quốc tế.

https://www.voatiengviet.com/a/7473098.html

3/ DÂN BẮC HÀN MẤT NIỀM TIN VÀO CHẾ ĐỘ CHA TRUYỀN CON NỐI HỌ KIM

Theo thông tấn xã Yonhap, chính quyền Nam Hàn vào hôm qua 6/2 đã công bố một báo cáo về tình trạng kinh tế và xã hội của Bắc Hàn. Dựa trên thông tin từ những người đào thoát khỏi Bắc Hàn, báo cáo dài 280 trang của bộ thống nhất Nam Hàn ghi nhận là niềm tin của người dân vào chế độ cha truyền con nối của họ Kim đã sụt giảm mạnh.

Việc mất niềm tin ở dân Bắc Hàn diễn ra trong lúc hệ thống phân phối nhu yếu phẩm đã “gần như sụp đổ”.  

Trước khi bộ thống nhất công bố lần đầu tiên về báo cáo này, Bộ trưởng thống nhất Kim Yung-ho đã nhấn mạnh là Nam Hàn tiếp tục theo đuổi chính sách thống nhất hòa bình với Bắc Hàn trên cơ sở chế độ dân chủ tự do, theo đúng các điều khoản được ghi trong hiến pháp Nam Hàn.

Bộ này cũng lên án việc lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đã đảo ngược chính sách mà những người tiền nhiệm đã thúc đẩy, khiến Bắc Hàn có thể rơi vào tình trạng “trống rỗng về ý thức hệ”. Ông Kim Yung-ho cảnh báo nguy cơ Bắc Hàn tìm cách đổ lỗi cho bên ngoài để tìm lối thoát cho tình trạng hỗn loạn trong nước, đồng thời kêu gọi tăng cường các biện pháp răn đe về quân sự để đề phòng các hành động khiêu khích của Bắc Hàn.

Báo cáo của bộ thống nhất Nam Hàn được đưa ra sau khi phỏng vấn hơn 6 ngàn người đào tỵ khỏi Bắc Hàn từ năm 2013 đến năm 2022. Theo báo cáo này, hệ thống phân phối nhu yếu phẩm của Bắc Hàn gần như sụp đổ, với người dân không nhận được tiền lương hay khẩu phần ăn tại nơi làm việc đang gia tăng mạnh.

Sự bất mãn của người dân Bắc Hàn đối với chế độ ngày càng tăng, đặc biệt là về sự kế thừa suốt ba thế hệ lãnh tụ Bắc Hàn và sự kế thừa của dòng họ xuất thân từ ngọn núi thiêng Bạch Đầu.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240206-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-b%E1%BB%99-th%E1%BB%91ng-nh%E1%BA%A5t-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-b%C3%A1o-c%C3%A1o-v%E1%BB%81-t%C3%ACnh-tr%E1%BA%A1ng-kinh-t%E1%BA%BF-v%C3%A0-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn

4/ UKRAINE PHÁ VỠ MẠNG LƯỚI GIÁN ĐIỆP NGA TRONG NGÀNH TÌNH BÁO

Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) vào hôm qua 6/2 cho biết là một mạng lưới gián điệp quy mô của Nga gồm 5 nhân viên cài trong lực lượng tình báo nước này đã bị vô hiệu hóa.

Theo SBU, nhiệm vụ của nhóm này là truyền tải cho Nga các thông tin về quân đội Ukraine và các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của đất nước. Công tố viện Ukraine cho biết 5 gián điệp Nga đều mang quốc tịch Ukraine.  Một trong 5 người làm việc cho một chi nhánh của cục an ninh Ukraine và 4 người còn lại từng làm việc cho cơ quan tình báo quân sự của bộ quốc phòng.

Theo cơ quan an ninh SBU, các gián điệp này đã cung cấp cho Moscow các thông tin về loại phương tiện di chuyển được tình báo quân sự Ukraine xử dụng, vị trí của các lực lượng Ukraine, hệ thống an ninh của hai nhà máy điện hạt nhân Ukraine, cũng như các tuyến đường vận chuyển vũ khí nước ngoài tới Ukraine.

Một gián điệp trong mạng lưới này đã chuyển tiếp thông tin về các thành phần của hệ thống phòng thủ được thiết lập gần Odessa, thành phố hải cảng bên bờ Hắc Hải, và các hệ thống phóng phi đạn đa nòng ở tỉnh Kharkov, trong bối cảnh cả hai địa điểm này thường xuyên là mục tiêu tấn công của Nga.

Công tố viện cho biết các gián điệp này có thể bị kết tội “phản quốc” vì đã bán thông tin để lấy tiền.

Cần biết là kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022, chính phủ Ukraine đã thông báo phát giác một số lượng lớn điệp viên Nga xâm nhập vào các cơ quan nhà nước và đặc biệt là các cơ quan an ninh của nước này, thậm chí là nắm các chức vụ khá cao.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240206-ukraina-ph%C3%A1-v%E1%BB%A1-m%E1%BB%99t-m%E1%BA%A1ng-l%C6%B0%E1%BB%9Bi-gi%C3%A1n-%C4%91i%E1%BB%87p-nga-l%E1%BB%9Bn-trong-ng%C3%A0nh-t%C3%ACnh-b%C3%A1o

No comments:

Post a Comment