Saturday, February 24, 2024

Giáo sư Phạm Hoàng Hộ

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,

Một giáo sư Thực Vật Học, là người sáng lập Viện Đại Học Cần Thơ, ông dành cả cuộc đời để nghiên cứu khoa học và ông là tác giả nhiều cuốn sách, nổi tiếng với 3 bộ sách “Cây cỏ VN” và cuốn “Cây có vị thuốc ở VN”.

Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Giáo sư Phạm Hoàng Hộ” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Giáo sư Phạm Hoàng Hộ sinh ngày 27/7/1929 tại làng An Bình, tỉnh Cần Thơ. Thuở nhỏ theo học các trường Bassac, Nam Hưng, College de Cần Thơ. Đến năm 1946, sang Pháp du học lấy bằng Tú Tài I và II, vào Đại học Sorbonne Paris tốt nghiệp Thủ khoa môn Thực Vật Học với bằng Cử nhân Khoa Học năm 1953. Năm 1955, lấy bằng Cao Học về Khoa Học Thiên Nhiên và năm 1956, nhận bằng Thạc sĩ về khoa Vạn Vật Học.

-Năm 1957 về nước, ông được bổ nhiệm chức Giám đốc Hải Học Viện Nha Trang.

-Năm 1961, nhận bằng Tiến sĩ Khoa Học của Đại học Sorbonne, do công trình nghiên cứu về rong biển VN.

-Năm 1962, ông được bổ nhiệm làm Khoa trưởng, giảng dạy tại Đại học Sư Phạm Sài Gòn.

Nhận thấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển về giáo dục, phải có Viện Đại Học. Với uy tín của mình, ông cùng Giáo sư Nguyễn Duy Xuân vận động chính giới suốt nhiều năm, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng 2 ông cũng đạt thành tâm nguyện.

-Ngày 8/3/1966, Viện Đại Học Cần Thơ thành lập và Giáo sư Phạm Hoàng Hộ được bổ nhiệm làm Viện trưởng đầu tiên. Thời gian đầu, Viện Đại Học Cần Thơ chỉ có 4 khoa:

-Khoa Học -Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội -Văn Khoa -Sư Phạm. Riêng khoa Sư Phạm có trường Trung học Kiểu Mẫu và trường Cao Đẳng Nông Nghiệp đào tạo cấp kỹ sư, còn Trung tâm Sinh Ngữ giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên. Sau đó, ngành Nông Nghiệp được đẩy mạnh, trường Cao đẳng Nông Nghiệp được nâng cấp thành Phân khoa Nông Nghiệp.

-Năm 1970, ông mời Giáo sư Nguyễn Duy Xuân về làm Viện trưởng Viện Đại Học Cần Thơ, còn ông về lại Sài Gòn tiếp tục công việc giảng dạy và nghiên cứu thực vật.

Sau biến cố 30/4, ông nhận thấy ý đồ và tham vọng của người cộng sản. Ông nói về thời kỳ sau 1975 rằng: “người cộng sản sống trong thời kỳ ảo vọng, đi xe đạp, ăn gạo hẩm mà tưởng rằng hoa sẽ nở trên đường quê hương”. Do đó, ông quyết định chọn cuộc sống lưu vong trên đất Pháp vào năm 1984. Vài năm sau, ông sang Canada sinh sống và hoàn tất công trình nghiên cứu cây cỏ VN và đây là công trình được xem là có tầm quan trọng cho VN và Thế Giới.

Còn riêng Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, khi về làm Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, ông đã tiến hành thực hiện giáo dục Đại Học theo hình thức tín chỉ mà các nước Tây phương đang áp dụng, Viện Đại học Cần Thơ trở thành Đại học đầu tiên tại Việt Nam thực hiện theo hình thức này.

-Ngày 29/1/2017, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ từ trần tại Montreal, Quebec, Canada, hưởng thọ 89 tuổi.

*****

Sau biến cố năm 1975, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ và bạn đồng hành là Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã cùng chọn ở lại, để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Một thời gian sau, ông nhận thấy không thể sống với người cộng sản (những người xem giới trí thức như cục phân), không thể tiếp tục sống trong một xã hội giả dối và suy đồi, nên ông quyết định chấm dứt những năm “ảo vọng” và lãng phí đó.

Và rồi cơ hội đã đến vào năm 1984, khi được chính phủ Pháp mời sang làm giáo sư thỉnh giảng, ông chọn cuộc sống lưu vong ở lại Pháp. Sau đó sang Canada, để hoàn tất công trình nghiên cứu “Cây Cỏ VN”. Trong giai đoạn chót này, ông bổ túc thêm cho bộ Cây Cỏ VN” được trên 3000 loại (tổng số các loại do ông mô tả khoảng 10,500).

Ông xem bộ sách “Cây Cỏ VN” là công trình của đời mình và đề tặng:

-Tặng cho những ai còn sống hay đã chết trong tù, vì quyết định ở lại để đóng góp cho đất nước.

-Tặng cho Giáo sư Nguyễn Duy Xuân.

-Tặng cho hương hồn những ai đã chết nghẹn ngào trên biển Đông.

Giáo sư Phạm Hoàng Hộ là một nhà khoa học có nhân cách, một kẻ sĩ nhiều khí phách, trọn đời cống hiến công sức, kể cả giai đoạn đen tối của đất nước. Ông nói: Với những đóng góp nhỏ của tôi, chắc chắn không làm buồn lòng Tổ Quốc và không thẹn với Non Sông. Đời ông giống như câu thơ của thi hào Nguyễn Du: Thác là thể phách, còn là tinh anh”.

Riêng Giáo sư Nguyễn Duy Xuân bất hạnh, bị lâm vào cảnh ngộ như: nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, Ngô Tất Tố bị bức treo cổ, Khái Hưng bị bỏ rọ trấn nước, Phạm Huỳnh bị xử tử, Tạ Thu Thâu bị xử bắn, nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén, dịch giả Nhượng Tống bị ám sát, giáo sư Dương Quảng Hàm bị thủ tiêu, Thều Chửu bị bức nhảy sông tự vận.v.v. Giáo sư Xuân bị đày ra miền Bắc, mất ngày 10/11/1986 tại trại tù Hà Nam Ninh. Đó là những cái chết tức tưởi, đầy oan khuất của các nhà văn, nhân sĩ do chế độ cộng sản ban cho.

Tên tuổi của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ mãi mãi đi vào lòng dân tộc. Tinh thần phục vụ của ông quả là tấm gương sáng cho các thế hệ kế thừa noi theo. Kính chào vĩnh biệt người Thầy đáng kính, một nhà Khoa Học Thực Vật của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam và Quốc Tế.

 

No comments:

Post a Comment