Dân chủ tại Indonesia cũng như trên toàn thế giới không phải là một thể chế chính trị hoàn hảo. Những lãnh đạo dân chủ cũng vậy. Tuy nhiên, mô hình này có một khả năng mà các chế độ độc tài như CSVN không có. Đó là khả năng giới hạn sự lũng đoạn quyền lực tuyệt đối và bất công tuyệt đối như trong các chế độ độc tài.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô
Nhân Dụng/VOA Blog với tựa đề: “Indonesia thẳng tiến trên đường dân chủ” sẽ được Song Thập
trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ngô Nhân Dụng
Chế độ Dân Chủ không hứa hẹn tạo ra những người lãnh đạo hoàn hảo, không đòi hỏi các chính trị gia phải hoàn hảo. Dân Chủ là một hình thức sắp xếp chính trị.
Tướng Prabowo Subianto, người chắc chắn sẽ là Tổng Thống mới của Indonesia, và Tổng Thống Joko Widodo, người không thể tiếp tục tranh cử do đã hết nhiệm kỳ theo hiến pháp Indonesia, khác nhau về đủ mọi mặt.
Widodo sinh ra trong một khu nhà ổ chuột; năm 12 tuổi đã phải làm việc tại cửa hàng bán giường, ghế, bàn, tủ của ông bố; gia đình sống lần lượt ba căn nhà thuê, một căn bị chính thức xếp hạng không thể cư ngụ được vì quá tồi tệ! Ngược lại, Subianto thuộc một gia đình quyền thế nhất nước, làm chủ rất nhiều đất đai, hầm mỏ và các công, thương nghiệp; ông bố đã làm bộ trưởng dưới thời các Tổng Thống Sukarno và Suharto. Subianto nói thông thạo các ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức và tiếng Hòa Lan vì theo bố sống lưu vong nhiều năm ở Âu châu.
Subianto đã hai lần tranh cử Tổng Thống với Widodo, năm 2014 và 2019, cả hai lần đều bị đánh bại. Tuần này Subianto lên kế vị, tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách phát triển kinh tế thành công của người tiền nhiệm. Chắc ông cũng giữ nguyên chính sách ngoại giao, thân thiện với Mỹ và hoan nghênh tiền đầu tư của Trung Quốc.
Cuộc chuyển giao quyền hành diễn ra êm đẹp, một truyền thống suốt 24 năm của nền chính trị Indonesia. Sau khi chế độ Suharto bị lật đổ, năm 1999, hai vị Tổng Thống là Abdurrahman Wahid, một học giả thông thái về giáo luật, và Megawati Sukarnoputri, con gái của cố Tổng Thống Sukarno, đều do quốc hội bầu lên thay phiên cai trị và vui vẻ rút lui khi hết nhiệm kỳ.
Chế độ Dân Chủ ở Indonesia đã tiến từng bước đến tuổi “trưởng thành.” Trong các cuộc tranh luận các ứng cử viên nói năng ôn tồn và lễ độ; các cuộc biểu tình rất đông đảo, náo nhiệt nhưng không thấy ai đặt bom hay ẩu đả chết người. Ngày bầu cử, dân đi bỏ phiếu rất đông cho thấy họ ý thức về giá trị của lá phiếu và tha thiết sử dụng quyền công dân.
Xây dựng chế độ dân chủ ở một nước thuần nhất về chủng tộc, ngôn ngữ, tín ngưỡng đã khó, nhưng ở một nước phức tạp như Indonesia còn khó khăn gấp bội. Đài BBC nhận xét ngay khi được Hòa Lan trả lại độc lập, nhiều người đã nghĩ Indonesia sẽ tan ra thành nhiều mảng. Indonesia khó thành một quốc gia, “an impossible country.” Dân số 274 triệu, đông hàng thứ ba trong các nước tự do dân chủ, nói 700 thứ tiếng khác nhau, sống trên hơn 17,000 hòn đảo. Quốc gia này còn tồn tại là một điều may mắn. Nền chính trị ổn định; tổ chức tranh cử, bầu cử chọn người lãnh đạo, với nhiều đảng phái tham dự trong không khí ôn hòa; dân đi bầu rất đông, các thùng phiếu được chuyên chở qua hàng triệu dặm đường, trên xe, trên thuyền, đèo sau xe đạp, trên lưng ngựa hoặc vác trên vai đi bộ.
Ông Jokowi là vị Tổng Thống đầu tiên chỉ dùng sức của mình mà đắc cử. Ông không được các giáo sĩ, các tướng lãnh, hay các gia đình quyền thế ủng hộ. Nhưng cuối ông thâu được số phiếu cao nhất, lần đầu nhờ những thành công trong thời gian làm thị trưởng thủ đô Jakarta, lần sau nhờ kinh tế lên cao. Người dân chọn lựa căn cứ trên các thành tích cụ thể của ứng cử viên, họ không mờ mắt với các thủ đoạn chính trị. Ông Jokowi lập một đảng chính trị sau khi đắc cử, nhưng trong cuộc bầu cử năm nay ông không ủng hộ ứng cử viên của đảng mình mà chọn Tướng Subianto.
Chế độ Dân Chủ không hứa hẹn tạo ra những người lãnh đạo hoàn hảo, không đòi hỏi các chính trị gia phải hoàn hảo. Dân Chủ là một hình thức sắp xếp chính trị. Các bản hiến pháp dân chủ chỉ dựng lên một cái khung nhà, lập các định chế và mối tương quan giữa các định chế để những người nắm quyền theo đó mà hành động. Giống như các luật lệ của những trận đá banh. Họ có thể đổi chác quyền lợi, miễn sao các cử tri không thấy ô uế quá, đáng xấu hổ. Mỗi dân tộc chọn lấy nội dung bao hàm trong ngôi nhà của mình. Cũng như đá banh các cầu thủ phải chơi thẳng thắn, không gây lén thương tích cho đối thủ, tôn trọng quyết định của trọng tài. Chế độ phải đề cao tinh thần thượng tôn luật pháp; bảo vệ các quyền tự do căn bản của con người; hệ thống quyền hành được cân bằng, và có cơ chế kiểm soát lẫn nhau.
Trong một xã hội dân chủ, “bất đồng ý kiến” là hiện tượng tự nhiên và được chấp nhận. Chế độ dân chủ phải có đảng phái, để người dân lựa chọn theo quyền lợi của họ. Nhưng không ai coi người suy nghĩ khác mình, chọn các chính sách khác với mình, là “kẻ thù.” Nhất là không “cả vú lấp miệng em” gán cho đối thủ nhãn hiệu “kẻ thù của nhân dân!”
Một đặc điểm của nền chính trị Indonesia là tinh thần ôn hòa. Nhiều người đối lập với Tướng Subianto bây giờ cũng cộng tác với ông. Budiman Sudjatmiko vốn là một nhà tranh đấu đòi tự do dân chủ từng bị bắt nhiều lần thời Tướng Suharto nắm quyền. Năm nay ông đã rời khỏi đảng “Đấu tranh Dân Chủ” của Tổng Thống Widodo và do bà Megawati Sukarnoputri sáng lập; để trở thành một phát ngôn viên của Tướng Subianto, con rể ông Suharto.
Trong một cuộc tập họp cử tri, trước ngày bỏ phiếu, Tướng Prabowo Subianto đã giới thiệu Budiman với công chúng, kể chuyện Budiman đã bị công an mật vụ của Tướng Suharto, bố vợ của mình, lùng bắt như thế nào. Subianto nói, “Xin lỗi ông bạn! Tôi vẫn truy tầm, tìm bắt ông hồi đó. Nhưng mà, này, Tôi xin lỗi bạn nhé!”
Xã hội Indonesia thay đổi. Budiman hay Subianto cũng
thay đổi. Điều hiển nhiên nhất là một “người hùng” đầy quyền thế như Subianto
Prabowo cũng phải chấp nhận số phận của mình do lá phiếu người dân quyết định./.
No comments:
Post a Comment