Kính thưa quý thính giả,
Một vị
linh mục có tinh thần yêu nước nồng nàn, Cụ có công lớn trong việc xây dựng nền
tảng cho triết học Việt Nam, được tổ chức An Vi xem là Tổ sư triết. Cụ để lại
hơn 45 cuốn sách triết và sử Việt.
Trong tiết mục
“Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Triết gia Kim Định” của Việt Thái
qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Giáo sư Kim Định họ Lương tên là Kim Định, sinh ngày 15/6/1915 tại Bùi Chu, làng Trung Thành, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Kim Định là con trai út trong gia đình, thân phụ mất khi mới tròn một tháng tuổi. Nhờ công dưỡng dục và tầm nhìn xa trông rộng của người mẹ hiền, nên Kim Định được gửi vào chủng viện Bùi Chu. Thời gian sau, tốt nghiệp môn Triết học tại Giáo hoàng Chủng viện Thánh Alberto Cả tại Nam Định.
-Năm
1943, Kim Định được thụ phong linh mục.
-Năm
1943 đến năm 1946, dạy triết học ở Đại chủng viện Quần Phương thuộc Giáo phận
Bùi Chu.
-Năm
1947, sang Pháp để nghiên cứu về triết học suốt 10 năm và tốt nghiệp môn Triết
học tại Học viện Công Giáo Paris và tốt nghiệp môn Nho học tại Học viện Trung
Hoa ở Paris. Về nước năm 1957.
-Năm 1958, giáo sư Kim Định
dạy triết học phương Đông tại Học viện Lê Bảo Tịnh, Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Đại
học Vạn Hạnh và Đại học Đà Lạt.
-Năm 1960, với
hoài bão thu thập tinh hoa của Đông - Tây, ngõ hầu xây đắp một nền Triết lý và
Thần học Việt Nam, Cụ viết nhiều cuốn sách về minh triết Việt.
Sau một
thời gian tìm tòi và nghiên cứu, Cụ nhận ra rằng, muốn giải quyết vấn đề Thần học
Á Đông thì trước tiên phải tìm ra cái tinh thần Á Đông, rồi mới giải thích Kinh
Thánh theo tinh thần này, và xa hơn nữa là thiết lập nền Thần học Việt Nam. Cụ quay
về nghiên cứu tư tưởng phương Đông, đầu tiên là triết học Ấn Độ, triết học Phật
giáo và cuối cùng là Nho giáo. Riêng về Nho giáo. Cụ đã nghiên cứu thấu đáo về
Hán Nho, cho đến Nguyên Nho (tức Nho giáo nguyên thủy) và cuối cùng là Việt Nho
(là Nho của người Lạc Việt).
Nhờ có nhiều
thời gian và nguồn tư liệu phong phú, quý báu từ Thư viện Pháp, Văn khố Sử liệu
về Việt Nam tại Mission Eutrangères de Paris. Và tư liệu có sẵn tại Viện Cao học
Hán Nho, Cụ tìm ra được kho tàng triết lý và nguồn gốc dân tộc Việt.
-Năm 1965, Cụ xuất bản tác phẩm Cửa Khổng. Cuốn
sách này đã đưa ra những kiến giải mới mẻ và tiến bộ về triết lý Nho giáo, mà
trước đây ở Việt Nam chỉ gọi học thuyết này là Nho học hoặc Khổng học.
-Năm 1967, Cụ xuất bản cuốn sách tựa đề Chữ
Thời, tác phẩm này bàn về siêu hình Kinh Dịch. Cụ cho rằng siêu hình Tây
Phương là hoàn toàn trừu tượng, siêu hình Viễn Đông tuy cũng trừu tượng, nhưng
lại đâm rễ xuống các thể chế như lịch pháp, thiên văn .v.v. Đó là phương thức
đem triết lý vào cấu trúc xã hội và cải hóa tâm tính con người.
-Năm 1969, Cụ xuất bản cuốn Những Dị Biệt
Giữa Hai Nền Triết Lý Đông Tây. Tác phẩm này ghi lại chặng đường mà Cụ
đã đi qua mảnh đất Vô Vi ở Ấn Độ. Mục đích là đánh động tâm thức người đọc để
nhận lại giá trị tinh thần Đông phương.
-Ngày 25/3/1997, Cụ Kim Định từ trần tại Carthage,
tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ, thọ 82 tuổi.
*****
Nhắc đến Triết gia Kim Định là nhắc đến một người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu trống
đồng của dân tộc Việt. Cụ cho rằng tinh hoa của văn hóa Việt đều dồn tụ vào
những hình ảnh trên mặt trống. Cụ đã dành hẳn một cuốn sách để mô tả triết lý
Việt trên trống đồng và đưa ra rất nhiều phát hiện thú vị để lý giải những hình
ảnh này.
Tuy là linh mục Thiên Chúa Giáo, nhưng Cụ đã đề cao
Tâm Đạo và cho đó là chìa khóa để mở kho tàng truyền thống. Cụ để lại một di sản văn hóa với hơn 45 cuốn sách ở nhiều
lãnh vực triết học, văn hóa, cổ sử. Trong những tác phẩm của mình, Cụ đã có
những dự đoán mà càng ngày, càng được khoa học liên ngành khảo cổ, cổ thư, nhân
chủng, xác minh luận điểm của Cụ là có cơ sở và giá trị.
Cụ cho rằng, triết lý là một nỗ lực tinh thần để con
người thoát khỏi tình trạng vong thân và thu hồi lại quyền tự chủ của mình
trước các thế lực thần quyền cũng như thế quyền ở bên ngoài.
Cuốn Nhân Bản ra đời nhằm đặt nền móng và
khơi lại đạo làm người. Đây là tác phẩm mở đầu cho tư tưởng của Cụ trên con
đường sáng tạo ra Triết lý An Vi. Cụ âm thầm khai quật, hệ thống hóa và liên
tục công bố những công trình triết lý, cũng như văn hóa Việt trong thập niên
1960 cho đến đầu năm 1975.
Trong cuốn Những Dị Biệt Giữa Hai Nền Triết Lý
Đông Tây, Cụ đã đưa ra những nét đặc trưng của 2 nền triết lý Đông Tây,
phân biệt rõ ràng giữa minh triết, triết lí, triết học.
Ngày
14/7/2012, tưởng niệm 15 năm ngày Cụ qua đời, Trung tâm Minh Triết phối hợp với
Trung tâm Lý Học Đông Phương tổ chức buổi tọa đàm về công trình của Cụ tại Văn
Miếu Quốc Tử Giám.
Cụ Kim Định đã
để lại nhiều di sản quý báu về triết học và văn hóa Việt, nên cuộc đời của Cụ
là một điểm son, là niềm hãnh diện của người dân nước Việt.
No comments:
Post a Comment