Tuesday, February 20, 2024

Tin Tức: Thứ Ba 20.02.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Hải Vân trình bày sau đây.

1/ TÀU TRUNG CỘNG LẠI XÂM NHẬP HẢI PHẬN VN Ở BÃI TƯ CHÍNH

Theo ghi nhận của SeaLight Project, một tổ chức chuyên theo dõi tình hình ở Biển Đông, vào hôm 18/2, Trung Cộng đã điều tàu hải cảnh đi vào khu vực các lô dầu khí của Việt Nam ở vùng biển Bãi Tư Chính.

Hành động này diễn ra chỉ một tháng sau khi lực lượng hải cảnh của Trung Cộng điều tàu lớn nhất của họ tiến vào vùng biển xung quanh bãi đá ngầm này. Với chiều dài 63 cây số và chiều rộng 11 cây số, Bãi Tư Chính nằm cách tỉnh Bà Rịa khoảng 160 hải lý, tức nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Việt Nam là nước duy nhất có sự hiện diện ở khu vực bãi ngầm Tư Chính thông qua 5 nhà giàn, được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1989, trong số đó có 3 nhà giàn vẫn được vận hành ở thời điểm hiện tại. Ngoài việc xây nhà giàn, VN cũng bắt đầu thăm dò dầu khí ở đây từ khá sớm, với việc dầu khí được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1994.

Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã liên tiếp tìm cách cản trở các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí của Việt Nam ở khu vực này, khiến cho VN phải huỷ các hợp đồng thăm dò với các công ty nước ngoài, đồng thời chịu thiệt hại về tài chính. Vào năm 2020, VN đã phải hủy bỏ các hợp đồng thăm dò với hai tập đoàn Repsol và Noble, dẫn đến hai công ty này đệ đơn kiện đòi bồi thường.

Cần biết là từ trước đến nay, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài trong lãnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, điển hình là các công ty của Nga. Liên doanh dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro cũng là công ty duy nhất đang thực hiện khai thác ở Bãi Tư Chính. 

Với việc quan hệ giữa Nga và Trung Cộng trở nên khăng khít hơn kể từ khi Nga xâm lược Ukraine và hứng chịu các đòn cấm vận từ phương Tây, hiện có lo ngại cho rằng Trung Cộng sẽ thuyết phục Nga từ bỏ hợp tác với Việt Nam. 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/scs-chinese-coastguard-ships-infringe-vanguard-bank-of-vietnam-02192024083653.html

2/ HẢI CẢNH TRUNG CỘNG XÔNG LÊN KIỂM TRA TÀU ĐÀI LOAN

Lực lượng hải cảnh Trung Cộng đã xông lên một chiếc tàu du lịch Đài Loan gần các đảo do Đài Loan kiểm soát vào hôm thứ Hai 19/2, theo tố cáo của chính phủ Đài Bắc.

Một ngày trước đó, Trung Cộng tuyên bố là lực lượng bảo vệ bờ biển của họ sẽ tăng cường hoạt động thực thi pháp luật xung quanh quần đảo Kim Môn sau cái chết của hai công dân Hoa Lục bị lật thuyền khi trốn chạy tuần duyên Đài Loan ở gần Kim Môn, nằm đối diện với các thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Trung Cộng.

Lực lượng tuần duyên Đài Loan cho biết là vào chiều tối hôm thứ Hai 19/2, 6 sĩ quan hải cảnh Trung Cộng đã xông lên một chiếc tàu du lịch Đài Loan chở 11 thủy thủ và 23 hành khách để kiểm tra tuyến đường của tàu, và đã rời đi khoảng nửa giờ sau đó.

Hai tàu tuần duyên Trung Cộng đã tiếp cận chiếc tàu du lịch Ðài Loan, và tuần duyên Đài Loan đã hộ tống chiếc tàu này quay trở lại hải cảng trên đảo chính Kim Môn.

Không có bình luận ngay lập tức từ lực lượng hải cảnh Trung Cộng. Tuy nhiên tuần duyên Đài Loan cho biết đã kêu gọi Trung Cộng duy trì nền hòa bình ở vùng biển xung quanh Kim Môn, đồng thời kêu gọi người dân Đài Loan nên tránh tiếp cận với Trung Cộng.

Cần biết đảo Kim Môn và Mã Tổ là hai đảo tiền phương thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến Trung Cộng vào năm 1949. Kim Môn là nơi thường xuyên xảy ra giao tranh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng ngày nay là một địa điểm du lịch nổi tiếng, mặc dù nhiều đảo nhỏ thuộc nhóm đảo này được quân đội Đài Loan canh giữ nghiêm ngặt và cấm người dân tiếp cận.

https://www.voatiengviet.com/a/7493747.html

3/ ĐỨC KÊU GỌI TRỪNG PHẠT NGA VỀ CÁI CHẾT CỦA ÔNG NALVANY

Các nước thuộc khối Âu châu, bao gồm nước Đức, vào hôm thứ Hai 19/2 kêu gọi áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow, liên quan đến cái chết của thủ lãnh đối lập Alexei Navalny.

Lời kêu gọi của Đức được đưa ra trong khi đang thảo luận về một loạt các lệnh trừng phạt mới để đánh dấu hai năm Nga xâm lược Ukraine. Hungary là quốc gia Âu châu duy nhất chưa phê chuẩn các chế tài được đề nghị đối với gần 200 công ty và những người được coi là có liên quan đến cuộc chiến trong loạt trừng phạt thứ 13 của khối này.

Hiện chưa có thông tin về bất kỳ biện pháp cứng rắn nào hơn nhắm vào nền kinh tế của Nga. Một quan chức khối Âu châu cho biết là đến nay chưa có lệnh trừng phạt nào liên quan đến cái chết của ông Navalny.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết bà hy vọng 27 quốc gia trong khối sẽ sớm đồng ý về loạt trừng phạt thứ 13. Bà Baerbock cho biết là khối Âu châu đã chứng kiến tổng thống Nga xử dụng vũ lực tàn bạo để đàn áp những công dân xuống đường biểu tình đòi tự do hoặc viết về điều đó trên báo chí. Theo bà thì khối Âu châu sẽ đề nghị các biện pháp trừng phạt mới sau cái chết của ông Alexei Navalny.

Cần biết là ông Navalny 47 tuổi đã đột tử trong một nhà tù ở Bắc Cực một tuần trước khi đánh dấu hai năm cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Bà Yulia Navalnaya, phu nhân của ông Nalvany, cho biết là bà sẽ tiếp tục cuộc chiến của người chồng quá cố và kêu gọi những người ủng hộ hãy kiên quyết hơn bao giờ trong việc chiến đấu chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin.

https://www.voatiengviet.com/a/7493653.html

4/ NHẬT BẢN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TÁI THIẾT UKRAINE

Chính phủ Nhật Bản vào hôm qua 19/2 đã tổ chức tại Tokyo hội nghị tái thiết kinh tế Ukraine, chỉ vài ngày trước khi cuộc chiến chống Nga của Ukraine bước sang năm thứ ba. 

Hội nghị do Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản tài trợ, với sự hiện diện của Thủ tướng Ukraine Denis Chmyhal và đại diện từ khoảng một trăm công ty và tổ chức Ukraine.

Nước Nhật đã chọn 7 lãnh vực để tái thiết Ukraine gồm rà phá bom mìn, phát triển nông nghiệp, sản xuất chất sinh hóa, phát triển công nghệ kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng được xử dụng trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, cũng như thắt chặt các biện pháp chống tham nhũng.

Trước thềm hội nghị, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đã giới thiệu các công ty Nhật Bản với các đối tác Ukraine. Tập đoàn chế tạo máy công cụ chính xác Nagano đã đề nghị cung cấp cho Ukraine các máy lọc nước.

Các công ty của Ukraine rất được chú ý tới tại Nhật Bản. Tokyo muốn nới lỏng các hạn chế đi lại đối với các công ty Nhật tới Ukraine để đóng góp vào việc tái thiết đất nước.

Cần biết là hiến pháp chủ hòa của Nhật không cho phép cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên điều đó không ngăn cản chính phủ Nhật chuyển giao phi đạn Patriot cho Washington để Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240219-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-t%C3%A1i-thi%E1%BA%BFt-ukraina

 

No comments:

Post a Comment